Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Trương Văn Ba vừa có báo cáo gửi Tổng cục Quản lý thị trường về kết quả phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm năm 2020.
Khó khăn lớn nhất được Cục Quản lý thị trường TP.HCM kể ra là việc kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả trên website, mạng xã hội. Cục Quản lý thị trường cho biết việc mua bán thường được thực hiện qua điện thoại, Internet và phổ biến nhất là giao nhận sản phẩm bằng xe máy với số lượng ít nên khó phát hiện.
Trong trường hợp xác định được người vi phạm để kiểm tra thì họ thường phủ nhận quyền sở hữu với trang mạng xã hội bán hàng và cho rằng "bị giả mạo".
Các mặt hàng thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Lan Anh. |
Đặc biệt, hàng hóa vi phạm thường được chứa tại căn hộ chung cư, nhà trọ, nhà thuê. Trong khi đó, thẩm quyền ban hành quyết định khám xét của Chủ tịch UBND cấp huyện nên việc kiểm tra, xử lý tại các nơi này là vô cùng khó khăn và rất phức tạp.
Bên cạnh đó, hàng hóa được cất giấu tại các kho hàng, trà trộn với hàng thật và được quảng cáo, giao dịch mua bán qua các trang mạng xã hội, website thương mại hoặc đặt từ nước ngoài và xách tay về Việt Nam nên khó phát hiện, kiểm tra.
Một khó khăn khác được cơ quan này nêu ra là người tiêu dùng chưa am hiểu pháp luật. Một số người thích hình thức nhưng thu nhập không cao, do đó họ ưa chuộng các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, giá thành rẻ. Điều này tạo điều kiện cho hàng giả có kênh tiêu thụ và tồn tại lâu dài.
Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, mỹ phẩm là mặt hàng phát hiện nhiều vi phạm nhất với 1.127 vụ, xử phạt số tiền hơn 12,5 tỷ đồng. Sau đó là thuốc lá nhập lậu với 1.110 vụ bị phát hiện và xử phạt hơn 3,5 tỷ đồng.