Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Cổ phục Việt cần được duy trì và quảng bá’

Xuất phát từ tình yêu sử Việt, Tôn Thất Minh Khôi tiếp tục hành trình lan tỏa và nâng cao nhận thức về cổ phục cho giới trẻ qua ngày hội "Tóc xanh - Vạt áo".

Những năm gần đây, phong trào phục hưng văn hóa truyền thống nở rộ và nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Trong đó, các chương trình về cổ phục Việt được giới trẻ đặc biệt yêu thích và ủng hộ.

Là người trẻ đam mê lịch sử nước nhà, Tôn Thất Minh Khôi (24 tuổi) - cố vấn lịch sử phim “Phượng Khấu”, chủ nhiệm dự án lịch sử “Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi” - luôn dành nhiều tâm tư cho các chương trình về văn hóa truyền thống.

toc xanh vat ao,  co phuc,  trang phuc co truyen,  ton that minh khoi anh 1

Người trẻ ngày càng quan tâm hơn đến văn hóa truyền thống, trong đó có cổ phục.

Mong muốn đẩy mạnh và tô đậm tình yêu của thế hệ trẻ dành cho các giá trị văn hóa cổ truyền, Minh Khôi đã đồng hành cùng Đoàn trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày hội Việt phục mang tên “Tóc xanh - Vạt áo”.

"Tính đến hiện tại, ‘Tóc xanh - Vạt áo’ có thể được xem là ngày hội cổ phục có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam. Sự quan tâm và tham gia của đông đảo bạn trẻ là động lực để chúng mình tiếp tục hành trình khôi phục tinh hoa văn hóa nước nhà", Khôi bộc bạch.

Khát khao đưa cổ phục Việt đến với công chúng

Ngày hội Việt phục "Tóc xanh - Vạt áo" là hoạt động trọng điểm của Tuần lễ văn hóa "Sóng đôi" do Đoàn trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức.

Tuần lễ văn hóa "Sóng đôi" sẽ kéo dài đến hết ngày 16/1. Xuyên suốt sự kiện còn có các hoạt động như tuần lễ điện ảnh "Phim Việt Nhân văn", triển lãm mỹ thuật "Dòng chảy đôi mươi"…

Chia sẻ với Zing, Minh Khôi cho hay dự án “Tóc xanh - Vạt áo” đã được anh ấp ủ từ lâu.

toc xanh vat ao,  co phuc,  trang phuc co truyen,  ton that minh khoi anh 2

Tôn Thất Minh Khôi luôn mong muốn đưa cổ phục Việt đến với đại chúng. Ảnh: BTC Ngày hội "Tóc xanh - Vạt áo".

“Cách đây không lâu, hình ảnh viên chức Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài đi làm được chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên sau đó nhiều người tỏ ý phản đối ý tưởng để nam sinh ở TP.HCM mặc áo dài đến trường. Vì vậy, mình và họa sĩ Phan Thanh Nam (nghệ danh Ấm Chè) cảm thấy tà áo dài ngũ thân đang bị 'hiểu lầm', mong muốn và quyết tâm thay đổi định kiến đó”, chàng trai sinh năm 1997 nói.

Theo Khôi áo dài ngũ thân vốn là trang phục của mọi tầng lớp, từ vua chúa đến phi tần, từ quý tộc đến thường dân. Khác biệt lớn nhất để phân biệt là chất liệu, màu sắc và hoa văn.

“Việc những người ở thế hệ sau sau nhìn nhận cổ phục với thái độ xa cách là điều khiến mình và những người yêu văn hóa truyền thống trăn trở”, Khôi nói.

Chính vì vậy, Minh Khôi cùng những người yêu cổ phục Việt quyết tâm thực hiện ngày hội có quy mô lớn để quảng bá trang phục truyền thống, cụ thể là trang phục triều Nguyễn đến với sinh viên các trường trên địa bàn TP.HCM.

“Bước đầu, chúng mình chọn trang phục triều Nguyễn để giới thiệu đến các bạn trẻ, vì đây là triều đại gần nhất và có nhiều tư liệu để phỏng dựng. Phải có thời gian để người trẻ làm quen và ghi nhớ, từ đó mới muốn tìm hiểu nhiều hơn và yêu thích văn hóa truyền thống".

Kế hoạch lâu dài để lan tỏa văn hóa truyền thống

Nói về định hướng trong tương lai, Tôn Thất Minh Khôi khẳng định cần phải có kế hoạch chi tiết thì phong trào phong trào cổ phong (nếp xưa, phong cách cổ) mới có thể phát triển lớn mạnh hơn.

“Chúng mình vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào thế hệ trẻ, bởi các bạn là lực lượng chính trong xã hội và ngày càng dành nhiều sự quan tâm đến những giá trị cha ông để lại. Bên cạnh đó, hoạt động về cổ phục cũng sẽ được mở rộng và phổ biến rộng rãi hơn tại các trường THPT trong địa bàn thành phố".

Không dừng lại ở đó, Minh Khôi cùng các cộng sự cũng mong xây dựng một "hệ sinh thái" gồm nhiều hội nhóm yêu cổ phục để tạo thêm sân chơi và cùng nhau chia sẻ kiến thức.

"Chúng mình đang ấp ủ kế hoạch đưa cổ phục vào các sản phẩm nghệ thuật, đánh mạnh vào quảng bá qua phương tiện truyền thông đại chúng, hy vọng sẽ làm sống dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người thông qua loại hình trang phục tưởng cũ mà mới này”, Minh Khôi chia sẻ.

Trao đổi với Zing, Anh Nguyễn Huỳnh Minh Phúc, Trưởng BTC Tuần lễ "Sóng đôi", cho biết: "Các hoạt động văn hóa cần được chú trọng và phát huy, đặc biệt trong môi trường đại học. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp thêm tình yêu dành cho tinh hoa nước nhà cho các bạn sinh viên sau chuỗi sự kiện này".

Sinh viên TP.HCM tổ chức sự kiện tái hiện cổ phục

Sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày hội "Tóc xanh - Vạt áo" nhằm lan tỏa giá trị văn hóa của trang phục Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Hồng Anh

Ảnh: Phùng Tiên

Bạn có thể quan tâm