Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ phiếu ngân hàng 'dắt nhau' lên đỉnh

Từ đầu năm đến nay, đã có 5 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, gồm 2 ngân hàng quốc doanh, lập đỉnh giá mới. Ngoài ra, vẫn còn 2 mã đang tiệm cận mức đỉnh lịch sử.

5 mã chứng khoán ngân hàng đã lập đỉnh mới trong năm nay. Ảnh: Nam Khánh.

Kể từ cuối năm 2023, cổ phiếu ngân hàng đã trở thành điểm thu hút dòng tiền của nhà đầu tư. Với thương hiệu cổ phiếu “vua”, nhóm này đến nay vẫn chứng tỏ vai trò điểm tựa trong hành trình phục hồi về mốc 1.250 điểm của VN-Index.

Sau hơn một năm ngụp lặn trước những biến động của thị trường, 2024 có thể được coi là năm bùng nổ đối với nhóm ngân hàng khi chứng kiến nhiều cổ phiếu thiết lập đỉnh giá mới.

Ngân hàng quốc doanh dẫn sóng

Sau phiên tăng kịch biên độ và leo lên mốc 97.400 đồng/cổ phiếu hôm 28/2, cổ phiếu VCB của Vietcombank đã trở thành mã chứng khoán ngân hàng mới nhất lập đỉnh giá mới. Tính từ đầu năm, thị giá VCB đã tăng hơn 21%, qua đó giúp vốn hóa “phình to” vượt nửa triệu tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VCB cũng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về vốn hóa, quy mô thậm chí bỏ xa tổng vốn hóa mà 2 nhà băng lớn đứng sau là BIDV và VietinBank cộng lại.

Năm vừa qua, Vietcombank cũng củng cố ngôi đầu lợi nhuận toàn ngành với khoản lãi trước thuế hợp nhất hơn 41.200 tỷ đồng (xấp xỉ 1,7 tỷ USD), tăng 10% so với năm 2022. So với các nhà băng thuộc nhóm quốc doanh, cách biệt lợi nhuận của Vietcombank lên đến cả chục nghìn tỷ.

Xét về quy mô tổng tài sản, Vietcombank xếp cuối nhóm “Big 4” khi chỉ tăng 1,4% lên 1,839 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà băng này lại đứng đầu nhóm về ROA (tỷ suất lợi nhuận/tài sản) với tỷ lệ 1,81%.

Mới đây, HĐQT Vietcombank đã thống nhất phương án tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ năm 2022.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ kiểm toán của ngân hàng trong năm 2022 đạt hơn 29.387 tỷ đồng. Sau khi trích lập cho các quỹ dự trữ, dự phòng, khen thưởng, phúc lợi, Vietcombank sẽ dùng hết khoản tiền còn lại là hơn 21.680 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên mức hơn 77.571 tỷ đồng.

Trong khi đó, một ngân hàng quốc doanh khác là BIDV đã ghi nhận giá cổ phiếu vượt đỉnh từ những phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2024. Đến nay, mã chứng khoán này vẫn tiếp tục đi tìm đỉnh mới và đang tạm dừng ở mốc 53.000 đồng/cổ phiếu, tăng 23% so với đầu năm.

Vốn hóa thị trường của nhà băng cũng được bổ sung thêm hơn 55.000 tỷ đồng để vượt mốc 300.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank trên sàn chứng khoán.

Năm 2023, BIDV báo lãi trước thuế gần 27.650 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD), tăng 21% so với năm 2022. Dù thu nhập lãi thuần chỉ tăng 0,3% do suy giảm nguồn thu từ hoạt động tín dụng, các hoạt động kinh doanh khác của BIDV như dịch vụ ngân hàng, kinh doanh ngoại hối hay chứng khoán đầu tư lại tăng trưởng đột biến.

Trong nhóm “Big 4”, BIDV dẫn đầu cả 3 chỉ tiêu là tổng tài sản (2,3 triệu tỷ đồng), dư cho vay khách hàng (1,737 triệu tỷ đồng) và tiền gửi khách hàng (1,704 triệu tỷ đồng). Nhờ tăng vốn điều lệ thêm 6.419 tỷ đồng thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của nhà băng này cũng đứng đầu nhóm ngân hàng quốc doanh với hơn 57.000 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu đang ở vùng đỉnh

Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, cổ phiếu MBB mới đây cũng xác lập đỉnh giá sau khi tăng vượt mốc 24.000 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm, cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội đã tăng hơn 30%, đưa vốn hóa vượt 127.000 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng gây bất ngờ khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 26.300 tỷ đồng năm 2023, tăng 16%. MB cũng là ngân hàng thương mại tư nhân duy nhất gia nhập "câu lạc bộ tỷ USD" năm ngoái.

Nhờ đẩy mạnh giải ngân cho vay lĩnh vực bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng của MB đã đạt 28% năm vừa qua, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn ngành ngân hàng. Bất chấp việc tỷ lệ xấu chung của ngân hàng nâng từ 1,1% lên 1,6%, nhà băng này lại giảm trích lập dự phòng rủi ro 24%, tạo điều kiện đưa lợi nhuận tăng vọt.

Đối với HDBank, lợi nhuận trước thuế trong quý cuối năm ngoái của ngân hàng đạt 4.385 tỷ đồng, tăng tới 95% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận cả năm của nhà băng này cũng đạt trên 13.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Các chỉ tiêu sinh lời ROA đạt 2%, ROE đạt 24,2%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước và trong nhóm dẫn đầu toàn ngành.

co phieu ngan hang,  chung khoan hom nay anh 3

Kết quả kinh doanh khởi sắc giúp cổ phiếu HDBank tăng 23% so với đầu năm. Ảnh: Chí Hùng.

Kết quả kinh doanh tích cực giá cổ phiếu HDB tăng miệt mài từ giữa tháng 11/2023 và liên tục dò đỉnh mới. So với đầu năm, thị giá HDB đã tăng 23%, mở rộng vốn hóa của nhà băng lên hơn 68.000 tỷ đồng.

Với ACB - ngân hàng do Chủ tịch Trần Hùng Huy điều hành - năm qua ghi nhận khoản lãi trước thuế 20.068 tỷ đồng, tăng 17%. Cổ phiếu nhà băng này theo đó đã tăng 15% từ đầu năm, để leo lên mốc 28.000 đồng/cổ phiếu, vượt đỉnh ghi nhận vào tháng 7/2021 trước đó.

Ngoài những cổ phiếu trên, thị trường dự báo còn đón nhận thêm một số cổ phiếu ngân hàng lập đỉnh giá mới như CTG của VietinBank hay LPB của LPBank khi đã tiệm cận vùng đỉnh lịch sử.

Riêng CTG, diễn biến tích cực trong các phiên giao dịch vừa qua đã đưa vốn hóa nhà băng này lên ngang Vinhomes để so kè vị trí thứ 3.

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2024 vẫn đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với trước và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện, giúp các ngân hàng có dư địa để tạo bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng có thể đạt hơn 15%, tốt hơn so với mức gần 5% trong năm 2023.

Chứng khoán 29/2: VN-Index hết chuỗi tăng điểm

Các cổ phiếu trụ trên sàn HoSE bị chốt lời mạnh, qua đó gây ra tác động tiêu cực lên chỉ số đại diện. VN-Index lùi nhẹ về mốc 1.252 điểm.

Hai ngân hàng nhóm Big 4 sắp tăng vốn thêm 33.000 tỷ đồng

Vietcombank và VietinBank chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hai ngân hàng quốc doanh có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Chứng khoán 28/2: Cổ phiếu VCB lập kỷ lục, kéo VN-Index vượt mốc 1.255

Giá cổ phiếu VCB của Vietcombank tăng kịch biên độ lên mốc 97.400 đồng/đơn vị, mức cao nhất từ trước đến nay. Riêng mã này đã đóng góp hơn 9 điểm vào chỉ số chính.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm