Các chỉ số chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên 9/3 trong sắc xanh. Trong đó, cổ phiếu hàng không - du lịch tăng mạnh sau thông tin từ Trung Quốc, đã hỗ trợ đắc lực cho thị trường chung.
Các cổ phiếu hàng không đã đồng loạt bứt phá mạnh. HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines thậm chí còn tăng kịch trần “trắng bên bán” ngay từ đầu phiên với dư mua hàng triệu đơn vị, được giao dịch với mức giá 13.300 đồng/cổ phiếu, trong khi VJC của Vietjet cũng tiến về vùng 100.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu vận tải hàng hóa hàng không như SAS (CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất), SGN (CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn), ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam) được giao dịch lần lượt ở mức 27.200 đồng/cổ phiếu, 68.700 đồng/cổ phiếu và 84.800 đồng/cổ phiếu.
Tương tự với hàng không, cổ phiếu VTD của Du lịch Vietourist tăng trần gần 15% ở mức 11.700 đồng/cổ phiếu, còn cổ phiếu VNG của Du lịch Thành Thành Công tăng gần 7% ở mức 9.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu hàng không đi lên sau tin vui từ Trung Quốc. |
Kết thúc phiên giao dịch sáng 9/3, các chỉ số đều thu hẹp đà tăng điểm. Cụ thể, VN-Index chốt ở mốc 1.052,8 điểm, tăng 3,62 điểm (0,35%); HNX giữ mốc 208,82 điểm, tăng 0,14 điểm (0,07%); UPCoM giữ mốc 76,54 điểm, tăng 0,05 điểm (0,06%). Thanh khoản toàn thị trường chỉ hơn 5.300 tỷ đồng.
Theo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), chiều 8/3 tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, có buổi làm việc với ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc cho biết Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 từ ngày 15/3.
Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng tới Trung Quốc, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Phía Trung Quốc mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, cùng nhau đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách du lịch mỗi nước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 2, Việt Nam đã đón hơn 933.000 lượt khách quốc tế. Đây là lượng khách quốc tế nhiều quốc gia trong khối ASEAN mong muốn đạt được trong giai đoạn hậu Covid-19.
Trong báo cáo mới nhất, HSBC cũng gọi du lịch là "một phần cứu cánh" cho nền kinh tế Việt Nam năm nay. Giữa lúc thương mại gặp khó, các chuyên gia kinh tế tại tổ chức tài chính này cho rằng du lịch sẽ là một ngành then chốt và là nguồn tăng trưởng mới.
"Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, chúng tôi tin rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc sẽ đạt 50-80% so với mức trước dịch (3-4,5 triệu lượt), là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam", các chuyên gia tại HSBC dự báo.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế