Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng mạnh

Doanh thu quý I của nhiều công ty dệt may đều sụt giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng cổ phiếu ngành này tuần qua bất ngờ tăng vọt nhờ hiệu ứng từ mặt hàng khẩu trang.

Tuần giao dịch vừa qua (6-10/4) chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Việt Nam. Trong đó, cổ phiếu của một số doanh nghiệp dệt may có mức tăng giá ấn tượng sau nhiều ngày đi xuống.

Trên hai sàn HoSE và HNX, MSH (May Sông Hồng) và TNG (CTCP Đầu tư và Thương mại TNG) lần lượt lọt vào nhóm 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất.

Cổ phiếu hồi phục mạnh

Cổ phiếu của May Sông Hồng từ thị giá 23.750 đồng leo lên 29.500 đồng sau một tuần, tăng 24%. Chốt phiên sáng 14/4, MSH tiếp tục tăng lên 32.950 đồng/cổ phiếu. Trong 6 phiên gần nhất, đã có 4 phiên mã này tăng hết biên độ.

Ngoài MSH, hai cổ phiếu của các doanh nghiệp dệt may lớn trên sàn HoSE tuần qua cũng giao dịch tích cực khi GMC (May Sài Gòn) và TCM (Dệt may Thành Công) tăng 18% và 19%.

Tại sàn HNX, cổ phiếu TNG tuần qua cũng tăng điểm 5 phiên liên tục, trong đó có 4 phiên tăng trần liên tục, đi từ 8.900 đồng lên thị giá 12.300 đồng, tăng 32%. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch ở vùng giá 12.600 đồng sau phiên tăng trần hôm nay.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu của hai doanh nghiệp dệt may lớn là VGT (Vinatex) và M10 (May 10) tuần qua cũng tăng giá. Mã VGT tăng 11% trong khi thị giá M10 tăng 28% sau một tuần.

khau trang anh 1khau trang anh 2

MSH và TNG lọt vào nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua trên 2 sàn HoSE, HNX. Ảnh: VNDS.

Doanh thu khẩu trang bù đắp ảnh hưởng từ dịch

Dệt may được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh Covid-19 khi bị gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc trong tháng 2. Sau đó, các thị trường xuất khẩu gồm châu Âu, Mỹ đóng băng khiến doanh nghiệp bị giãn, hoãn, hoặc hủy đơn hàng.

TNG cho biết tổng doanh thu tiêu thụ quý đạt 773 tỷ VNĐ, giảm 4% so với cùng kỳ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Các khách hàng thỏa thuận với TNG tạm giãn thời gian giao hàng nên doanh thu xuất khẩu giảm 5%. Nếu có thể xuất hết 400.000 sản phẩm đã sản xuất, doanh thu xuất khẩu sẽ tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Dệt may Thành Công cũng cho biết kết quả kinh doanh quý I không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái một phần vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh thu đạt khoảng 770 tỷ đồng, lợi nhuận 33 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, một giải pháp để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng và bước đầu thu được những kết quả khả quan.

Theo thông tin do Cục Công nghiệp tổng hợp, tính riêng 50 doanh nghiệp dệt may đã có báo cáo với Bộ Công Thương, tổng năng lực sản xuất khẩu trang hiện tại khoảng 200 triệu chiếc/tháng. Trong đó, Vinatex cho hay năng lực sản xuất của riêng đơn vị này đã lên tới 100 triệu chiếc/tháng.

khau trang anh 3

Công nhân một nhà máy dệt may sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn trong mùa dịch. Ảnh: Việt Hùng.

Lãnh đạo công ty May 10 cho biết một đối tác lớn đã đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng). Đơn hàng này tương đương với khoảng 30% doanh thu của công ty trong năm nay.

Ngoài ra, công ty còn có thêm đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đặt 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu khẩu trang y tế trong thời gian tới.

Công ty TNG cũng thông tin nhờ linh hoạt sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phục vụ chống dịch, doanh thu trong nước trong quý I tăng 10% so với cùng kỳ dù tổng doanh thu giảm.

Doanh nghiệp này cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch với năng lực sản xuất 100.000 bộ/ngày, mở ra hướng xuất khẩu tốt. TNG đang làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận chất lương theo tiêu chuẩn EU và Mỹ để xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu khẩu trang sẽ sụt giảm. Do vậy, đây là mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

PVN ước tính thiệt hại gần 2,4 tỷ USD vì giá dầu thế giới lao dốc

PVN tính toán nếu giá dầu trung bình cả năm giảm còn 30 USD/thùng, doanh thu bán dầu của tập đoàn sẽ giảm 2,35 tỷ USD, nộp Ngân sách Nhà nước từ dầu thô giảm 800 triệu USD.

Minh Liêm

Bạn có thể quan tâm