Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ phiếu của Trần Anh tăng giá 657% sau chuỗi ngày mất thanh khoản

Mã chứng khoán TAG bất ngờ có thanh khoản trở lại với một phiên giảm sàn và sau đó là 15 phiên tăng trần liên tiếp.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/12, cổ phiếu TAG của công ty Thế giới số Trần Anh là một trong số ít các mã vẫn tăng trần bất chấp thị trường chung lao dốc, leo lên mốc đỉnh lịch sử 122.700 đồng/cổ phiếu.

Đây đã là phiên tăng trần thứ 15 liên tiếp của TAG, tương đương với mức tăng dựng đứng 657% kể từ giữa tháng 11 đến nay.

Trước đó cổ phiếu này hầu như không có giao dịch kể từ năm 2017 đến gần đây, thị giá đi ngang và thi thoảng xuất hiện một số phiên khớp lệnh vài trăm cổ phiếu. Đến phiên 12/11, cổ phiếu bất ngờ có nhịp "nhún" giảm sàn trước khi bật tăng 15 phiên liên tiếp.

Mặc dù tăng mạnh nhưng thanh khoản rất hạn chế với chỉ vỏn vẹn vài trăm cổ phiếu TAG được khớp lệnh mỗi phiên, thanh khoản lớn nhất được ghi nhận hôm 26/11 với 5.900 cổ phiếu được sang tay.

Vu thau tom Tran Anh,  co phieu TAG,  co phieu tang soc anh 1

Diễn biến giá cổ phiếu TAG trong một năm gần đây. Đồ thị: Stockbiz

Thế giới số Trần Anh được thành lập chính năm 2002, từng là chuỗi cửa hàng điện máy lớn trên thị trường miền Bắc. Tuy nhiên do mải mê mở rộng nhanh bất chấp lợi nhuận khiến doanh nghiệp dần bị đối thủ vượt mặt và bắt đầu rơi vào cảnh thua lỗ hàng chục tỷ đồng năm 2017. Đến năm 2018, Trần Anh chính thức bị Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) thâu tóm sau thương vụ chi 850 tỷ đồng mua 95% vốn.

Tại thời điểm đó, Trần Anh vẫn còn là một chuỗi điện máy lớn với hệ thống 34 siêu thị tại các vị trí đắc địa. Sự kiện cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ, là điểm báo cho ngành hàng điện máy đã dần đi đến điểm bão hòa.

Sau đó MWG vẫn tiếp tục muốn gom toàn lượng cổ phần thiểu số còn lại để, đến nay đã đạt tỷ lệ sở hữu 99,33% vốn Trần Anh. Đồng thời chuyển trụ sở về đại bản doanh của MWG tại TP. Thủ Đức, cơ cấu lại toàn bộ nhân sự cấp cao và chiến lược kinh doanh.

Đến tháng 9/2018, cổ phiếu TAG chính thức hủy niêm yết trên sàn HNX để chuyển giao dịch về sàn UPCoM từ ngày 23/11/2018. Kể từ đây do cơ cấu cổ đông quá cô đặc, thanh khoản cổ phiếu gần như mất hút trong 3 năm qua là điều dễ hiểu.

Sau khi bị thâu tóm, Trần Anh có bước chuyển đổi lớn mô hình kinh doanh sang hình thức hợp tác với Thế Giới Di Động. Cụ thể là ghi nhận doanh thu chủ yếu từ việc cho thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu. Doanh nghiệp thanh lý hàng tồn kho và tài sản chủ yếu dưới dạng tiền và tiền gửi ngân hàng để lấy lãi, theo đó nguồn thu từ hoạt động tài chính cũng có đóng góp lớn cho công ty.

Việc tái cấu trúc mạnh khiến kết quả kinh doanh có biến chuyển. Năm 2018 ngay sau khi về tay Thế Giới Di Động, Trần Anh chỉ còn báo lỗ hơn 4 tỷ đồng, giảm đáng kể so với năm liền trước nhờ cắt giảm mạnh các chi phí hoạt động.

Còn từ năm 2019 đến nay với cấu trúc mới công ty đang có lãi đều đặn hơn chục tỷ đồng nhờ cho thuê mặt bằng và tiền lãi từ gửi ngân hàng.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Trần Anh ghi nhận doanh thu thuần tăng 7% lên mức 101 tỷ và chỉ có lãi gộp chưa đến 1 tỷ đồng. Nhờ nguồn thu lớn từ tiền lãi ngân hàng, công ty báo lãi sau thuế hơn 10 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lỗ lũy kế theo đó thu hẹp còn hơn 25 tỷ đồng.

Created with Highcharts 8.2.2Tỷ đồngKẾT QUẢ KINH DOANH CỦA TRẦN ANHLợi nhuận sau thuếNăm 2016Năm 2017Năm 2018Năm 2019Năm 20209T/2021-80-60-40-2002040
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA TRẦN ANH

NhãnNăm 2016Năm 2017Năm 2018Năm 2019Năm 20209T/2021
Lợi nhuận sau thuế Tỷ đồng 21.5-63-4.110.212.110.3

Trong gần nửa năm qua, Trần Anh không ghi nhận các thông tin bất thường mà chỉ công bố các thông tin định kỳ như báo cáo tài chính và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Trong khi đó Thế Giới Di Động, chủ sở hữu mới của Trần Anh, lại ghi nhận các biến động lớn về mặt kinh doanh. Công ty này vừa khai trương chuỗi BlueJi - nơi bày bán mặt hàng trang sức (nhẫn, bông tai, dây chuyền và mắt kính hàng hiệu...) với 5 chi nhánh tại TP.HCM, phục vụ cả nam và nữ.

Trước đó tập đoàn bán lẻ còn ra mắt hình ảnh về một số cửa hàng mang tên BlueSport. Đây là nơi chuyên bán các sản phẩm thời trang thể thao của những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Puma, Adidas, Reebok...

Đây là 2 chuỗi ngành hàng mới được cho là nằm trong hệ sinh thái Blue World mà tập đoàn hướng đến. Một nguồn tin còn cho biết MWG còn có khả năng mở thêm các chuỗi BlueKids - chuyên sản phẩm dành cho mẹ và bé, BlueFashion - chuyên mặt hàng thời trang, đều thuộc Blue World.

Bài liên quan

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm