Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên giao dịch ảm đạm trong ngày 10/9. Xuyên suốt phiên sáng, VN-Index chỉ dao động quanh tham chiếu với biên độ hẹp trên dưới 3-4 điểm.
Tuy nhiên, áp lực bán bắt đầu dâng cao vào phiên chiều. Trong khi đó, dòng tiền mua vào không có dấu hiệu nâng đỡ chỉ số, qua đó tạo điều kiện để phe bán kéo VN-Index điều chỉnh sâu hơn.
Kết phiên, VN-Index giảm 12,5 điểm (-0,99%) xuống 1.255,23 điểm; HNX-Index giảm 1,77 điểm (-0,76%) xuống 231,69 điểm; UPCoM-Index giảm 0,64 điểm (-0,69%) xuống 92,36 điểm.
Thanh khoản có cải thiện khi tăng lên hơn 17.200 tỷ đồng nhưng chủ yếu do nguồn cung tạo áp lực.
Các cổ phiếu tăng giá trở thành “của hiếm” khi toàn thị trường ghi nhận tới 500 mã giảm (gồm 12 mã giảm sàn), 878 mã giữ tham chiếu và chỉ 226 mã tăng (gồm 19 mã tăng trần).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chứng kiến 24 mã giảm, 5 mã tăng và duy nhất VIB đứng giá. Chỉ số đại diện rổ này cũng thiệt hại 1% xuống mốc 1.294 điểm.
Phiên hôm nay, VN-Index biến động tiêu cực trước sức ép từ các cổ phiếu trụ như VCB (-1,3%), BID (-1,1%), SSB (-6,1%), HPG (-1,8%), TCB (-1,8%), CTG (-1,4%), VIC (-1,6%), VRE (-4,5%), FPT (-1%) và GVR (-1,2%). Các bluechip nhìn chung đều có biên độ suy giảm 1-2%.
Trong khi đó, các cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ cho chỉ số như VJC (+1,2%), TPB (+1,1%), MWG (+0,4%), LPB (+0,5%), BMP (+4,1%), TMS (+3,9%), BCM (+0,4%), STG (+6,4%), DBC (+2,3%) không đem lại quá nhiều tác dụng.
Dòng tiền hôm nay chủ yếu phân bố tại các cổ phiếu chăn nuôi như DBC (+2,3%), BAF (+4,6%), HAG (+2,4%), VLC (+3,6%) khi những ảnh hưởng của cơn bão Yagi và hoàn lưu gây thiệt hại cho hoạt động chăn nuôi và có xu hướng đẩy giá thực phẩm lên cao.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Công văn nêu rõ, nguy cơ phát sinh dịch bệnh sau cơn bão số 3 do lượng mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng từ ngày 7/9 có thể khiến nhiều địa phương phía Bắc phải đối mặt với nguy cơ lây lan bệnh tật trên gia súc, gia cầm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng… Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung heo trong thời gian tới.
Tương tự, nhóm nông nghiệp như PAN (+2,6%), LTG (+4,6%), NAF (+5,1%), AGM (tăng trần) cũng bật tăng mạnh.
Trong khi đó, cổ phiếu bảo hiểm bị bán tháo dữ dội, điển hình như BVH (-1,5%), PVI (-2,3%), BIC (-4,5%), PGI (-3,1%), MIG (-3,4%), PRE (-1,6%).
Khối ngoại tiếp tục giao dịch thận trọng trong hôm nay khi duy trì thanh khoản ở mức thấp. Giá trị bán ròng hôm nay giảm nhẹ xuống 460 tỷ đồng.
Trong đó, các bluechip như FPT (-109 tỷ đồng), MSN (-105 tỷ đồng), VPB (-74 tỷ đồng) bị nhà đầu tư ngoại mạnh tay hạ tỷ trọng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Nguồn cung xăng dầu đủ đáp ứng sau bão
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hầu hết tỉnh thành chịu ảnh hưởng của bão Yagi và hoàn lưu sau bão đều có đủ nguồn hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của người dân.
Một công ty bảo hiểm phải bồi thường 320 tỷ đồng sau bão Yagi
Chiều 9/9, một số doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu công bố thông tin về việc bồi thường thiệt hại đối với các khách hàng là nạn nhân của cơn bão Yagi.
Tiền vào chứng khoán thấp nhất 3 tuần
Sau khi cơn bão Yagi quét qua Việt Nam và gây thiệt hại lớn, giá cổ phiếu thép, tôn và chăn nuôi heo bật tăng mạnh. Mặt khác, cổ phiếu bảo hiểm và vận tải bị bán dữ dội.