Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nên tiếp tục khen phụ nữ 'giỏi việc nước, đảm việc nhà'

Từ xưa, phụ nữ thường phải cáng đáng nhiều công việc vô hình, những công việc không lương, những công việc được gán với 2 chữ "thiên chức". Thực trạng này vẫn còn tiếp diễn.

bat binh dang gioi anh 1

Hình ảnh người phụ nữ thường gắn với nội trợ, chăm sóc gia đình. Ảnh: Independent.

Theo sách Phụ nữ vô hình của Caroline Criado Perez, hiện trên thế giới, 75% công việc chăm sóc gia đình (công việc không-được-trả-lương) do phụ nữ cáng đáng. Họ dành 3-6 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho những công việc đó, trong khi đàn ông chỉ dành ra từ 30 phút đến 2 giờ.

Việc không lương thầm lặng

Chia sẻ tại buổi giao lưu ra mắt sách, bà Mai Quỳnh Anh, quản lý dự án về giới, cho rằng xưa nay, hình ảnh người phụ nữ thường gắn với việc nội trợ, việc chăm sóc gia đình. Những câu như "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" hằn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam.

"Đúng là ngày nay, ta nhìn thấy nhiều hình ảnh phong phú hơn, nhưng đa số phụ nữ vẫn gắn liền với những công việc không lương này", bà nói. Những khoảng trống câm lặng này dường như đầy rẫy trong văn hóa đại chúng, phim ảnh, sách vở, truyền thông.

Cứ đến ngày 8/3, ở nhiều nơi, các khẩu hiệu tôn vinh phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà lại được trưng lên. Là người có kinh nghiệm quản lý dự án về bình đẳng giới, bà Mai Quỳnh Anh cho rằng đây không phải là một cái danh ca ngợi, mà như một "cái còng", buộc người phụ nữ phải xoay xở vừa phải chăm lo được cho gia đình, vừa phải ra ngoài kiếm tiền.

bat binh dang gioi anh 2

Các diễn giả tại buổi giao lưu ra mắt sách Phụ nữ vô hình. Ảnh: MH.

Bà cho biết câu này xuất phát từ quan niệm cho rằng phụ nữ có những đức tính phù hợp để chăm sóc gia đình hơn nam giới, do vậy, những công việc nhà cửa, bếp núc, nghiễm nhiên phù hợp với phụ nữ.

Thay vì yêu cầu phụ nữ phải giỏi việc nước, đảm việc nhà, các diễn giả cho rằng tuyên truyền và giáo dục nam giới san sẻ việc gia đình là việc làm thiết thực hơn.

Việc nhà chính là việc không lương. Người phụ nữ làm việc nhà không nhận được sự ghi nhận của xã hội mà chỉ cho là một điều đương nhiên, trong khi đàn ông làm việc nhà thì được tán thưởng. Người phụ nữ tham vọng, muốn theo đuổi sự nghiệp và không gánh vác việc nhà bị coi là vô trách nhiệm, còn đàn ông thường được cổ vũ phải có tham vọng, phải làm việc lớn, làm ra tiền, không cần bận tâm đến việc nhà. Đó là những định kiến giới vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Các diễn giả tại buổi giao lưu ra mắt sách cho rằng những sự bất bình đẳng giới tính và những quan niệm phân biệt như này có thể tạo áp lực cho cả hai giới. Đòi hỏi bình đẳng giới không phải là để hạ bệ đàn ông, mà để trả tự do cho cả hai giới.

Những cuốn sách như Phụ nữ vô hình cho độc giả thấy được thực trạng của bình đẳng giới hiện nay, để người đọc nâng cao nhận thức, hiểu được những quan niệm thông thường, không ác ý cũng có thể là phân biệt giới tính.

bat binh dang gioi anh 3

Sách Phụ nữ vô hình của Caroline Criado Perez. Ảnh: HH.

Phân biệt giới tính trong vô thức

Tác giả Caroline Criado Perez là một nhà báo, sau quá trình nghiên cứu, bà nhận thấy lỗ hổng dữ liệu về phụ nữ hiện diện ở khắp ngõ ngách. Biết bao phụ nữ làm việc trong thầm lặng và không hề được ghi nhận.

Theo Phụ nữ vô hình, một người phụ nữ, tính trung bình, dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn đàn ông đến 10 năm. Những con số thống kê như này khiến cho nhiều độc giả ngỡ ngàng.

Theo Caroline Criado Perez, một trong những điểm quan trọng nhất cần nói về lỗ hổng dữ liệu giới chính là nó thường không sinh ra từ ác ý, thậm chí người ta còn không hề cố ý. Những quan niệm phân biệt giới tính đơn giản là một sản phẩm của lối suy nghĩ đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, trở thành một dạng "mặc định".

Nhiều độc giả đã chia sẻ tại sự kiện rằng chỉ khi nhìn vào những con số thống kê trong sách, họ mới nhận ra thực trạng của bất bình đẳng giới vẫn còn nghiêm trọng như thế nào.

Sách Phụ nữ vô hình cất tiếng nói cho những phận người thầm lặng, Chúng ta không chỉ thiếu dữ liệu về phụ nữ nói chung, mà khi nói đến phụ nữ da màu, phụ nữ khuyết tật... những dữ liệu còn ít hơn.

Những số liệu dựa trên hàng trăm nghiên cứu ở Mỹ, Anh và nhiều nơi khác, được Caroline Criado Perez đem ra bóc tách, góp phần giúp độc giả thức tỉnh, nhận diện được hiện trạng và từ đó, thay đổi cách nhìn nhận và hành xử trong đời sống.

Cuốn sách của Criado Perez đã đoạt nhiều giải thưởng lớn như Giải Sách khoa học của Hiệp hội Hoàng gia Anh, Giải Sách hay của Financial Times... Tờ Publishers Weekly đã gọi Phụ nữ vô hình là "Một cuốn sách hoạt náo, sống động". Tờ Nature nhận định sách là "Một lời kêu gọi mạnh mẽ để phá vỡ những lầm tưởng và thu hẹp khoảng cách".

Phụ nữ vô hình đã bày ra những bằng chứng xác đáng, thậm chí gây sốc về sự bất bình đẳng giới trong xã hội, chỉ ra nhận thức của chúng ta về vấn đề giới còn nhiều lỗ hổng thế nào. Từ đây, Caroline Criado Perez cho thấy hoạt động bình đẳng giới vẫn sẽ là một chặng đường dài.

Nỗ lực của ngành xuất bản trong việc xây dựng bình đẳng giới

Liên hoan sách đầu tiên về bình đẳng giới tại Hà Nội là nơi các đơn vị xuất bản, người nghiên cứu đánh giá sự trỗi dậy của các tác phẩm nữ quyền.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành xuất bản quốc tế

Những nỗ lực tạo ra môi trường hài hòa về giới trong ngành xuất bản là bước tiến ban đầu cho hành trình đa dạng hóa về sắc tộc, tôn giáo, thế hệ…

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm