Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách nghiên cứu nữ giới thu hút bạn trẻ

Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, đề tài nữ quyền và bình đẳng giới được xuất bản trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều đầu sách viết cho phụ nữ ra đời, phổ cập tri thức hiện đại về giới.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.

Xuất bản phẩm cho phụ nữ những năm gần đây được nhiều đơn vị làm sách chú trọng. Phụ nữ là một nhóm độc giả bền bỉ, trung thành, nhiều phụ nữ đã trực tiếp tham gia viết sách, trực tiếp tham gia vào hoạt động xuất bản.

Trao đổi với Zing, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam chia sẻ về vị trí của phụ nữ trong xuất bản và xu hướng nghiên cứu về giới nở rộ gần đây.

Bà cho rằng nhiều cuốn sách trên thị trường nội địa đang hướng tới việc đấu tranh cho nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực đang được lứa độc giả hiện đại quan tâm.

Phụ nữ trong ngành xuất bản

- Bà nhận định thế nào về vị trí của phụ nữ trong làng sách hiện nay?

- Hiện nay ngành xuất bản có lực lượng lao động nữ khá đông, lên tới khoảng 70% trong cả khu vực các nhà xuất bản nhà nước và các công ty sách tư nhân. Lao động nữ trong ngành xuất bản thường ở các vị trí: biên tập viên, phụ trách truyền thông/marketing, kinh doanh… Đó là những khâu quan trọng trong việc tổ chức nội dung sách, truyền thông giới thiệu sách và phát hành sách.

Vị trí của lao động nữ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của ngành xuất bản, trong đó có việc xây dựng ngành xuất bản vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa làm tốt hướng phát triển ngành theo hướng hiện đại, trở thành ngành công nghiệp xuất bản, đóng góp cho chiến lược phát triển công nghiệp - văn hóa hiện nay của đất nước. Các đặc trưng của lao động nữ như cẩn thận, chủ động, sáng tạo, yêu nghề, giao tiếp tốt… là những phẩm chất rất cần cho công tác xuất bản.

- Thời gian gần đây, đề tài nữ quyền được bàn đến nhiều, ngành xuất bản có chuyển mình theo?

- Đề tài nữ quyền và các vấn đề về giới hiện là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội… của mọi quốc gia trên thế giới. Có thể nói đây là đề tài mang tính toàn cầu, hướng đến xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh. Vì thế, các vấn đề này được ngành xuất bản thế giới và Việt Nam quan tâm, khai thác và giới thiệu nhiều tác phẩm liên quan đến nữ quyền và giới.

Đặc biệt, sau phong trào Me Too, nhiều tác phẩm về nghiên cứu giới đã được giới thiệu. Từ khu vực hàn lâm về khu vực đại chúng, các công trình nghiên cứu về giới được đông đảo các bạn trẻ tham gia.

- Theo bà, xuất bản Việt Nam hiện nay đã làm được gì để tôn vinh phụ nữ?

- Ngành Xuất bản đã tôn vinh phụ nữ thông qua việc xuất bản phong phú các đề tài sách về phụ nữ, trong đó có các đề tài sách văn học và sách về nghiên cứu giới.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã công bố Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và Phát triển) đến nay đã xuất bản được 15 đầu sách. Tủ sách công bố các công trình về vấn đề phụ nữ, hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ (women’s rights), cũng như đấu tranh cho nữ quyền (feminism), vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đây là tủ sách đầu tiên về giới ở Việt Nam giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện và có hệ thống về các vấn đề Giới và Phát triển, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam và thế giới; về vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay trên mọi phương diện chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế...

Tủ sách hiện nay được bạn đọc đặc biệt quan tâm, góp phần mang lại diện mạo mới cho Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trong 5 năm lại đây, tức giai đoạn 2017-2022.

lao dong nu anh 1

Một vài ấn phẩm thuộc tủ sách Phụ nữ tùng thư. Ảnh: Phunuonline.

Nhiều bạn trẻ quan tâm đến vấn đề giới

- Những cuốn sách học thuật như trong Tủ sách Phụ nữ tùng thư thường khó đọc, khó tiếp cận, bà nghĩ gì về nhận định này?

- Tôi cho rằng những ý kiến trên đều đúng. Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Tầm nhìn chiến lược của nhà xuất bản là thành lập một tủ sách nghiên cứu về giới mang tính hệ thống, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Đây cũng là việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản trong giai đoạn hội nhập, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, trong đó có cả bạn đọc trẻ và các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động chính sách, hoạt động về giới và bình đẳng giới ở Việt Nam.

Đúng là các cuốn sách học thuật thường không dễ đọc. Với việc xuất bản những cuốn sách khó về giới, chúng tôi muốn đưa kiến thức hàn lâm đến gần với đại chúng, đặc biệt là giới trẻ. Để giúp các ấn phẩm tiếp cận được đông đảo công chúng, chúng tôi nỗ lực quảng bá qua các diễn đàn trao đổi nội dung học thuật trong sách, các buổi truyền thông online giới thiệu sách trên kênh fanpage của nhà xuất bản và đã đạt được các thành công bước đầu đáng trân trọng.

- Tủ sách Phụ nữ tùng thư được độc giả đón nhận ra sao thưa bà?

- Mỗi buổi giới thiệu các ấn phẩm mới của tủ sách đều được khá đông bạn đọc quan tâm, trong đó, phần lớn là các bạn trẻ. Chẳng hạn sự kiện giới thiệu sách Nữ quyền cho tất cả mọi người - một cái nhìn đa chiều về bình đẳng giới có số người tham gia qua zoom là 268 người, livestream trên fanpage tiếp cận được 5.500 người, trong đó có 2.600 lượt xem; sự kiện "Yêu sách của Antigon và cuộc đối thoại của Nữ quyền" thu hút 42 người tham gia qua zoom, livestream tiếp cận được 5.200 người, với 2.600 lượt xem; sự kiện "Bí ẩn nữ tính - Bản tuyên ngôn của làn sóng nữ quyền thứ 2 trong thế kỷ XX" có 58 người tham gia qua zoom, livestream tiếp cận được 6.300 người, 3.200 lượt xem; sự kiện "Cơ thể, diễn ngôn và hình ảnh: một đối thoại từ Lịch sử vú” thu hút 64 người tham gia qua zoom, livestream tiếp cận 3.700 người, 1.900 lượt xem.

Các buổi giới thiệu sách diễn ra sôi nổi dù nội dung tranh luận giàu tính học thuật. Nhiều bạn trẻ đã chủ động giao lưu đặt câu hỏi chuyên sâu, câu hỏi phản biện.

Sau mỗi buổi giới thiệu sách, Nhà xuất bản nhận được nhiều phản hồi tích cực: có bạn trẻ là nam giới nhắn tin chia sẻ: “…sau này em sẽ nuôi dạy con gái em theo tinh thần nữ quyền”; có giảng viên trẻ chia sẻ: “từ khi tôi đọc các sách của Judith Butler xong, tôi không còn nghĩ mình là nữ hay nam, giới tính không còn là quan trọng mà quan trọng là biết tôn trọng sự khác biệt”.

Tôi nghĩ tủ sách Phụ nữ tùng thư có khả năng tác động sâu sắc tới nhận thức của thanh niên, thu hút các bạn trẻ tìm đọc các sách về nữ quyền, triết học về giới (một lĩnh vực còn mới mẻ trên thế giới).

Tủ sách có đóng góp nhất định cho công tác nghiên cứu và phổ biến các kiến thức về giới/bình đẳng giới ở Việt Nam đồng thời là căn cứ tham khảo quan trọng trong quá trình tác động chính sách liên quan đến các vấn đề về giới.

Như vậy, bằng cách xuất bản những cuốn sách khó về nghiên cứu giới, chúng tôi đã và đang góp phần nâng cao dân trí, giúp Việt Nam không bị tụt hậu với mặt bằng chung thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân học, nhân văn.

- Mong bà chia sẻ cụ thể về doanh thu sách?

- Về doanh thu của tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và Phát triển), Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam rất vui mừng thông báo rằng bạn đọc rất đón nhận các ấn phẩm thuộc Tủ sách. Nhiều cuốn sách được nối bản, tái bản trong thời gian ngắn, được nhiều bạn đọc chờ đón và tôi nghĩ đã có một trào lưu đọc Phụ nữ tùng thư được hình thành.

Bằng cách xuất bản những cuốn sách khó về nghiên cứu giới, chúng tôi đã và đang góp phần nâng cao dân trí, giúp Việt Nam không bị tụt hậu với mặt bằng chung thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân học, nhân văn.

Khúc Thị Hoa Phượng

Các bạn trẻ cũng là người chủ động tìm mua sách, đọc sách trước buổi giao lưu; có bạn sưu tầm các bản sách phiên bản đặc biệt, có bạn sưu tầm đủ bộ sách của Phụ nữ tùng thư; có bạn đọc sách xong trực tiếp viết chia sẻ về sách, chụp ảnh với sách, lan tỏa sách; có các bạn phóng viên trẻ xây dựng bài review công phu cho các ấn phẩm của tủ sách; đặc biệt, sách thuộc Phụ nữ tùng thư được chia sẻ khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội.

Đối tượng đọc Phụ nữ tùng thư chủ yếu là sinh viên, các bậc cha mẹ trẻ cấp tiến, nhân viên văn phòng, phóng viên báo/đài, các nhà nghiên cứu, các giảng viên trẻ. Một số câu lạc bộ sách, các tổ chức hoạt động về giới đã chủ động liên hệ để phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam để góp phần phát triển Tủ sách Phụ nữ tùng thư.

- Với những công trình khó như vậy, tủ sách hẳn cần sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu?

- Theo quan sát của chúng tôi, khu vực các trường đại học, đặc biệt là các trường thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các vấn đề về giới được các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ quan tâm.

Các hoạt động nghiên cứu và dịch thuật gắn với vấn đề về giới, triết học, xã hội hội, lý luận văn học, được khuyến khích nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới cho cập nhật với các trào lưu, xu hướng nghiên cứu trên thế giới. Một số nghiên cứu viên trẻ (và các cộng sự) thuộc Viện Văn học trở thành tác giả của mảng khảo cứu trong Tủ sách; một số giảng viên trẻ trở thành dịch giả của nhiều tác phẩm nước ngoài.

Các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ là nhóm nòng cốt triển khai tủ sách này. Chính họ là người đã thay đổi cách làm việc theo hướng tăng cường tương tác và lan tỏa các giá trị về nghiên cứu giới, về nữ quyền hiện đại hoặc về các cách thực thực thi bình đẳng giới hiện nay.

Giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, đáp ứng nhu cầu đọc

Để đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách của các tầng lớp nhân dân, cần có một số giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nội dung các ấn phẩm xuất bản.

Bạn đọc hào hứng với hội sách bên Hồ Gươm

Sau 2 năm chống dịch, Hội sách Hà Nội cuối cùng cũng trở lại. Hội sách có nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm