Trong một nghiên cứu mang tên "Gender in 20th Century Children's Books" (tạm dịch: Giới tính trong sách thiếu nhi thế kỷ 20) dựa trên gần 6.000 cuốn sách thiếu nhi được xuất bản từ năm 1900 đến năm 2000 tại Mỹ, bà Janice McCabe - giáo sư xã hội học ĐH bang Florida - cùng các cộng sự đã phát hiện ra rằng: Các bé trai (nam giới) là nhân vật chính trong 57% sách thiếu nhi được xuất bản mỗi năm, chỉ có 31% có nhân vật chính là nữ.
Cũng theo nghiên cứu này, 25% của gần 6.000 cuốn sách trên không có sự xuất hiện của nhân vật nữ giới, trong khi các nhân vật là nam giới gần như xuất hiện 100%. Còn những cuốn sách mà "nhân vật là nữ giới có tiếng nói" thì sao? Họ có ước mơ không? Khát vọng của họ là gì? Hay họ chỉ ngồi đó và chờ đợi một chàng hoàng tử?
Nếu thử làm một khảo sát nhanh các câu chuyện cổ tích trong và ngoài nước được trẻ em yêu thích như Cô bé Lọ Lem, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Tấm Cám, khuôn mẫu nhân vật nữ thường được miêu tả xinh đẹp, yếu đuối, không có tiếng nói, phụ thuộc và tập trung các công việc như dọn dẹp, nấu ăn và chăm sóc gia đình.
Trong khi các nhân vật nam thường được khắc họa với tính cách mạnh mẽ, chủ động, dũng cảm và nắm vai trò chỉ huy.
Đó chính là một trong những lý do khiến các tác giả trẻ tuổi, đầy hoài bão, muốn viết lại những câu chuyện cổ tích và gửi gắm vào đó nhân vật cá tính cùng thông điệp hoàn toàn mới mẻ trong bộ sách Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích về bình đẳng giới. Sách do UN Women Việt Nam và Crabit Kidbooks biên soạn.
Bộ sách Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích về bình đẳng giới. Ảnh Châu An. |
Các nhân vật xuất hiện trong bộ sách này mang đến những cái nhìn khác lạ về vai trò của mỗi người trong xã hội. Những định kiến về giới và hành động để thay đổi định kiến giới trong xã hội đã được thể hiện chân thực trong những câu chuyện lôi cuốn, đầy màu sắc.
Cuốn sách Chuyện thần kỳ ở vương quốc giày kể câu chuyện về nàng công chúa rất khác. Công chúa Hoa Thuỷ Tiên có niềm đam mê lớn lao với những đôi giày và dành trọn trái tim mình cho ước mơ trở thành một nghệ nhân đóng giày tài ba nhất vương quốc.
Nàng bị vua cha ngăn cản bởi những luật lệ đã tồn tại bao đời nay ở vương quốc nhưng điều đó không thể khiến công chúa từ bỏ khát khao theo đuổi đam mê và ước mơ đầy mạnh mẽ của mình.
Công chúa Hoa Thuỷ Tiên đã dùng tài năng và sự kiện định của mình để chứng minh cho vua cha thấy rằng, hạnh phúc lớn lao nhất chính là được sống với ước mơ của mình và mang đến những điều tử tế tốt đẹp cho mọi người.
Tự quyết định lựa chọn đôi giày phù hợp với mình, kiêu hãnh đi trên con đường đam mê do chính mình lựa chọn chính là cách Hoa Thuỷ Tiên đã làm để gửi đi thông điệp bất kể giới tính nào, mọi áp đặt mà xã hội đè nặng lên bạn đều không phải là lý do để bạn từ bỏ.
Những câu chuyện cổ tích về bình đẳng giới lại là một cuốn tuyển tập những câu chuyện tràn đầy cảm hứng về vị nữ vương đầy tiên mang vẻ ngoài đặc biệt của vương quốc Hơ Pênh xa xôi; về giao ước hôn nhân của hai vương quốc Trà và Sữa; về hai tiên đồng hồn nhiên nhí nhảnh Tí Toáy và Lí Lắc.
Với vẻ bề ngoài khác thường và tính cách mạnh mẽ, lạc quan, Hơ Sao trong câu chuyện Nàng công chúa tóc xù chính là hình ảnh giúp chúng ta hiểu rằng, đấu tranh cho bình đẳng giới không phải để một người phụ nữ được sống như một người đàn ông, mà để phụ nữ được sống trọn vẹn với bản năng của chính mình.
Trao quyền cho các bé gái, lan tỏa tinh thần bình đẳng, tạo động lực theo đuổi ước mơ... chính là cách mà tất cả chúng ta cần hành động để vẽ nên một thế hệ tương lai cá tính, tuyệt vời.
Những thông điệp được truyền tải qua bộ sách Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích về bình đẳng giới sẽ giúp độc giả có tiền đề để kiến tạo nên một xã hội có bình đẳng giới, không có những rào cản và những quan niệm xã hội ngăn cản phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái và các giới khác tận hưởng và phát huy đầy đủ tiềm năng và khả năng của mỗi người.