Memphis Depay đang tập trung cùng ĐTQG Hà Lan. Mặc dù đội tuyển của Danny Blind đã thất bại trong chiến dịch giành vé tới Euro 2016 và một vài người bị biến thành vật tế thần, nhưng cầu thủ chạy cánh của MU vẫn ở đó. Anh được an toàn nhờ cái tuổi 21. Bỏ qua những lời chỉ trích, Depay vẫn được coi là tương lai của Oranje.
Tuy nhiên, cầu thủ này không may mắn như vậy ở MU. Được xác định là bản hợp đồng thất bại, bị la ó và ngay cả ông thầy Van Gaal cũng bỏ rơi, Depay đối diện với một tương lai mù mịt. Anh có thể bị tống ra đường, giống như cách MU đối xử với Di Maria, Falcao, Van Persie khi họ hết kiên nhẫn.
Cho đến lúc này, không ai tin rằng Depay sẽ tìm lại phong độ từng khiến MU bỏ ra 25 triệu bảng trong mùa hè. Ví dụ ở trận đấu với CSKA, được tung vào sân trong bối cảnh người hâm mộ phẫn nộ vì không được chứng kiến bàn thắng, nếu làm được điều này, anh sẽ trở thành người hùng. Thế nhưng những gì mà cầu thủ 21 tuổi thể hiện chỉ là nỗi thất vọng.
Có ít dấu hiệu cho thấy Depay sẽ phục hồi phong độ |
Ở những giây cuối cùng, Depay kiếm được pha đá phạt ngoài vòng cấm. Đó là một cơ hội được mạ vàng. Anh ta chỉ cần bước lên và làm đúng khả năng của mình. Mùa trước tại PSV, Depay ghi được nhiều bàn thắng từ đá phạt hơn bất kỳ cầu thủ nào khác trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. Lionel Messi ghi 2 bàn từ 35 lần sút phạt, Ronaldo là 1/31 thì Depay thành công 7/30.
Nó đã bị bỏ lỡ. Trái bóng bay quá cao so với xà ngang và tiếng còi tan trận cất lên. Người hâm mộ phẩy tay, có vẻ như họ đã tin tưởng anh ta quá nhiều. Van Gaal chán ngán thu dọn giấy tờ và nhét vào chiếc cặp da. Ông biết rằng với Depay phải có thời gian, nhưng đó không phải là cái kho vô tận.
Sự thất vọng với Depay càng được tô đậm sau sự xuất hiện của Anthony Martial, người đến Old Trafford như một ẩn số và tỏa sáng rực rỡ. Còn cầu thủ người Hà Lan đến như một ngôi sao, nhưng…
Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi một cầu thủ vô danh, bước ra từ Học viện như Jesse Lingard cũng có thể làm được nhiều hơn. Bây giờ, cậu bé Manchester bản địa chắc chắn là lựa chọn đầu tiên, không phải Depay.
Depay ngày càng mất tự tin |
Những diễn biến dồn dập này càng khiến cựu cầu thủ PSV rối trí. Anh trở nên mất tự tin để rồi mất bóng nhiều hơn, thực hiện ít tác động hơn và lãng phí các cơ hội. Dĩ nhiên Depay biết rõ, phong độ của mình phải tốt hơn, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Van Gaal cũng không biết.
Tulip thép không phải mẫu HLV giỏi trong hoạt động tâm lý. Ông sẽ không ngồi hàng giờ như Sir Alex Ferguson và tìm hiểu cuộc sống người chơi, hoặc tạo ra sự thay đổi trong suy nghĩ các học trò chỉ với một mẹo nhỏ như Jose Mourinho. Van Gaal đưa ra yêu cầu và cầu thủ có nghĩa vụ đáp ứng. Nếu họ không thể, ông gạt ra ngoài và chọn người khác.
Đơn cử như Van Persie. Mặc dù có mối quan hệ tuyệt vời ngoài sân cỏ, cùng chung một đại diện, các bà vợ thường qua lại với nhau nhưng khi Percy sa sút, anh nhận được rất ít hỗ trợ từ Van Gaal. Tệ hơn, như anh nói, một cơ hội công bằng để chiến đấu giành lại vị trí cũng không có. Vào ngày cuối mùa giải, lời khuyên từ ông thầy là, cậu nên đi.
Depay không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Van Gaal |
Còn trẻ và đang khủng hoảng trầm trọng, Depay cần được yêu thương nhiều hơn. Đâu đó trên thế giới chắc hẳn vẫn phải có một vài người tin tưởng anh ta chứ? Có đấy, đó là Ronald Koeman. HLV đang dẫn dắt Southampton từng làm việc tại PSV thời điểm Depay được ký kết từ Sparta Rotterdam khi còn là cậu bé 12 tuổi (2006). Ông cũng cố đưa anh về St Mary vào năm ngoái, nhưng bất thành.
Koeman biết rõ Depay và “trong trường hợp MU muốn bán, ông sẽ tham gia bởi luôn tin anh sẽ là một nhân vật lớn”. Tất nhiên, ông có cách để cầu thủ này trở lại là chính mình, giống như việc giúp Graziano Pelle, Sadio Mane hòa nhập với môi trường Anh, hoặc khiến Jay Rodriguez lấy lại phong độ tốt nhất sau chấn thương.
Trước khi yêu cầu các cầu thủ đáp ứng những đòi hỏi, Koeman làm cho họ cảm nhận được sự yêu thương, điều ngược lại so với Van Gaal, người chỉ yêu thương những ai thỏa mãn các ham muốn của ông.
Vì vậy, nếu một ngày Koeman chìa tay ra, đừng từ chối, Depay.