Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP HCM - trao đổi với VnEconomy.
2 năm trước, ông Thành từng nhìn nhận, cỗ máy tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có bốn động cơ, gồm: khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, nông nghiệp hộ gia đình - cá thể và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì ba động cơ đầu đều trục trặc. Chỉ còn khu vực FDI là tiếp tục có kết quả tốt, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động và không bị tác động nhiều bởi những khó khăn kinh tế nội địa và yếu kém của thể chế kinh tế.
Đã bớt trục trặc
- Thưa ông, gần đây một số vị chuyên gia vẫn nhắc lại nhận định nói trên của ông và cho rằng nó còn nguyên tính thời sự, ông có nghĩ như vậy?
- Nhận định nói trên được đưa ra tại thời điểm nền kinh tế gần như đang ở vùng đáy, đến giờ thì nó vẫn đúng, nhưng ba động cơ còn lại đều đã bớt trục trặc hơn.
Thời gian qua kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có sự cải thiện chung. Nhờ có quyết tâm chính trị trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, nên có một số kết quả trong chuyển đổi của các doanh nghiệp mà Nhà nước không còn chi phối nữa.
Còn các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn chi phối, kiểm soát thì vẫn trì trệ như cũ, vì mô hình quản trị trong nội bộ vẫn như vậy, động cơ để canh tranh khuyến khích không có.
Khu vực tư nhân thì có một điểm cải thiện là từ ổn định vĩ mô, giá dầu giảm, giá lương thực thực phẩm, giá một số kim loại cũng giảm nên làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Bởi vậy, rào cản thể chế vẫn như thế, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới chưa có tác động tích cực, nhưng sự phục hồi của doanh nghiệp trong nước là có, chỉ có điều nó lại đến từ việc là chi phí đầu vào giảm và kinh tế vĩ mô ổn định hơn.
Riêng nông nghiệp vẫn đang rất nhiều khó khăn, xu hướng góp của tăng năng suất vào tăng trưởng càng khó khăn hơn, trong khi đó mở rộng khai thác tài nguyên để tăng trưởng nông nghiệp thì không còn nữa. Càng hội nhập thì thách thức với nông nghiệp càng lớn.
Nhưng cơ hội đến từ thể chế, đó là sự cho phép sản xuất và đầu tư quy mô lớn, có tín hiệu là giao dịch đất nông nghiệp sẽ dễ dàng hơn, tích tụ đất nông nghiệp có thể được khuyến khích. Như thế cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có động thái chuẩn bị đẩu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, song đó cũng mới chỉ là tín hiệu.
Tăng trưởng rõ nét nhất vẫn là FDI, nhưng tăng ấn tượng đến từ giá trị sản lượng và giá trị xuất khẩu, còn tăng trưởng giá trị gia tăng có nhưng không mạnh.
- Trước hiện trạng này nhiều ý kiến lo ngại doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục bị “lép vế”, nhưng cũng có một số vị quan chức cho rằng khu vực FDI đã mang lại không ít cơ hội cho doanh nghiệp nội…
- Về mặt môi trường đầu tư thì độ mở của Viêt Nam với FDI cũng như thái độ của Nhà nước và người dân Việt Nam với FDI khác biệt hẳn với các nước khác. Nhiều nước khác sự lệ thuộc vào FDI thấp hơn Việt Nam nhưng có sự kỳ thị về mặt xã hội, luôn lo ngại sợ bị FDI chèn ép, ở Việt Nam không có điều đó.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP HCM. |
Thời gian qua cũng có một số ý kiến riêng lẻ cho rằng chính sách của Việt Nam ưu ái khu vực FDI nhiều quá. Nhưng nhiều quan chức và cả người dân Việt Nam thấy vấn đề là khu vực trong nước của mình yếu và cần vực dậy khu vực trong nước, chứ không phải thấy FDI họ chiếm ưu thế thì tìm cách kiềm chế họ. Điều này cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhận thấy.
Việt Nam tiến hành tái cấu trúc là để nâng khu vực trong nước, chứ không phải để kìm FDI lại.
Động lực 2016 vẫn còn
- Vậy theo ông chính sách có cần “cân bằng” hơn giữa "nội "và “ngoại”?
- Cân bằng ở chỗ cần tiếp tục gỡ bỏ rào cản cho khu vực trong nước, chứ không phải “siết” FDI lại. Tại sao doanh nghiệp trong nước vẫn khó tiếp cận tín dụng hoặc không dễ dàng về đất đai như doanh nghiệp FDI?
Theo tôi, vấn đề lớn nhất cần phải tháo gỡ cho doanh nghiệp tư nhân là quyền sở hữu đất đai phải được bảo vệ. Vẫn có thể coi là sở hữu toàn dân là một khái niệm chính trị, nhưng trên thực tiễn đưa quyền sử dụng đất như quyền sở hữu ở nước ngoài và được bảo vệ, đó là cái quan trọng nhất.
Điều thứ 2 là đẩy mạnh các thể chế hỗ trợ thị trường, điều tiết chống độc quyền. Các cơ quan Nhà nước đóng vai trò điều tiết giá, thúc đẩy cạnh tranh và chống độc quyền cần được độc lập, tách khỏi các bộ ngành, để đảm bảo các doanh nghiệp đều được kinh doanh bình đẳng không bị chèn ép, cái đó là cải cách thể chế, chứ không đòi hỏi cải cách mạnh mẽ về cải cách chính trị.
- Ông nhìn nhận thế nào về cỗ máy tăng trưởng cúa kinh tế Việt Nam 2016?
- Trong năm 2015, sự tăng trưởng cao của Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực có nguyên nhân niềm tin được trở lại từ ồn định vĩ mô và tiêu dùng dân cư có sự đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng.
Những động lực đó, năm 2016 vẫn còn.
Rủi ro lớn nhất với nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn là ở hệ thống ngân hàng, những ngân hàng yếu kém vẫn là rủi ro tiềm ẩn, còn trung dài hạn là vấn đề nợ công.