Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 năm tái cơ cấu: Vẫn đau đáu lo tụt hậu

Bất chấp giá dầu giảm, tăng trưởng kinh tế của VN năm nay sẽ ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhưng kết quả tốt đẹp này vẫn không đủ để xoá tan nỗi lo tụt hậu của VN.

Tụt hậu là điều được nhắc đến đầu tiên khi ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng Ban Ban chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 hôm 17/12.

Ông nói: "Nguy cơ tụt hậu vẫn rất rõ ràng. Nếu tăng trưởng 5%/năm thì đến năm 2035, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 75% GDP bình quân đầu người của Trung Quốc và bằng 83% GDP bình quân đầu người của Thái Lan hiện nay".

Nếu nền kinh tế Việt Nam cứ dậm chân tại chỗ thì 20 năm nữa, cũng chưa bằng nổi các nước bạn hiện nay.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, thể trạng nền kinh tế hiện nay vẫn đang yếu ở 4 điểm: tăng trưởng vẫn chậm, năng suất lao động tăng thấp, nợ công tăng cao và bất ổn vĩ mô vẫn rình rập. Trong khi đó, nguồn lực Nhà nước ngày càng hạn chế, thâm hụt ngân sách nặng nề, chi đầu tư phát triển giảm, nợ công tăng sát trần.

Kết cấu hạ tầng là một lĩnh vực tụt hậu thấy rõ. Dẫn lại dữ liệu nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Tú Anh cho biết, ngoài trừ đường sắt, chất lượng của cả đường bộ, cảng, hàng không và điện ở Việt Nam đều đứng sau cả Campuchia. Trong đó, cách biệt nhất là đường bộ Việt Nam thua xa Campuchia tới 54 bậc hay cảng cũng thua tới 44 bậc.

Nỗi lo tụt hậu của Việt Nam đang ngày một rõ ràng hơn khi đứng cạnh Thái Lan, Trung Quốc hay Indonesia.

Nỗi lo tụt hậu của Việt Nam đang ngày một rõ ràng hơn khi đứng cạnh Thái Lan, Trung Quốc hay Indonesia.

Trong ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng một nửa của khu vực này, cũng như bằng một nửa của Ấn Độ, Indonesia, Philipines, bằng 1/3 của Thái Lan, Trung Quốc và 1/7 của Malaysia.

Thế nhưng, kết quả tái cơ cấu kinh tế lại chưa được đột phá như kỳ vọng.

Điểm lại các trụ cột tái cơ cấu, ông cho biết: "Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở mức siết chặt kỷ luật đầu tư chứ không tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí. Kỷ luật đầu tư công vẫn còn lỏng lẻo".

Với tái cơ cấu DNNN, tốc độ cổ phần hoá vẫn chậm và những ưu đãi cho khu vực này còn tồn tại đang làm méo mó thị trường. Những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu DNNN vẫn chưa được chạm đếm. Với tái cơ cấu ngân hàng,, quá trình xử lý nợ xấu còn kéo dài, cơ chế xứ lý vẫn thiếu minh bạch...

Đánh giá về góc nhìn trên, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng: "Nền kinh tế Việt Nam chưa quay về tốc độ tăng trưởng 7% đạt được vào giữ thập niên 2000, dù GDP đã cải thiện. Lý do là bởi tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa được làm triệt để".

3 thách thức lớn

Với những đánh giá này, ông Tú Anh kiến nghị, tiến tới giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế phải giải quyết được 3 vấn đề lớn.

Năng suất lao động của người Việt còn thấp.

Năng suất lao động của người Việt còn thấp.

Đó là ưu tiên hàng đầu tạo việc làm cho người dân với công cụ then chốt phải là doanh nghiệp tư nhân, thứ hai là nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư và thứ ba là đổi mới chính sách quản lý kinh tế theo hướng, phải tạo điều kiện tối đa cho DN tư nhân phát triển, quản lý đầu tư công theo thông lệ thế giới... Đây cũng chính là những thách thức cản trở tiến trình phát triển của Việt Nam.

Ông phân tích: "Phần lớn lao động đang làm việc trong khu vực không chính thức với thu nhập bằng 70% thu nhập của lao động trong doanh nghiệp siêu nhỏ. Thu nhập của khu vực này lại cũng chỉ bằng 70% thu nhập ở doanh nghiệp vừa và lớn. Tới 70% lao động của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 100% lao động khu vực phi chính thức lại không có bảo hiểm xã hội".

"Như vậy, lực lượng lao động này nếu không được khuyến khích vào khu vực chính thức thì năng suất lao động không thể tăng được", ông Tú Anh nói.

"Nếu hệ số ICOR đạt mức bình quân thế giới là 4 thì chi cần đầu tư 30% GDP, Việt Nam sẽ đạt tốc độ 7,5%. Ngược lại, nếu ICOIR chỉ đạt 5 như hiện nay là 5,18 thì đầu tư 30% GDP, Việt Nam chỉ có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6%", ông Tú Anh dự báo.

Nhìn về chặng đường sắp tới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ thêm: "Hội nhập hiện nay đang tạo cơ hội cho Việt Nam đa dạng hoá phương thức sản xuất, nhưng cơ chế phải đủ linh hoạt để du nhập, để hiện thực hoá tất cả các sáng kiến và ý tưởng kinh doanh".

Theo ông Cung, kỳ vọng không ít người chờ đợi từ FTAs là tạo ra sức ép cải cách, như ở lĩnh vực cải cách DNNN, mua sắm công, sử dụng ngân sách, cải cách hành chính... Nhưng cuối cùng, nhiều người lại gây thất vọng vì có những FTAs quá chung chung, không có những yêu cầu hay nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Ông Cung cho rằng: "cơ hội ở đây chính việc đổi mới tư duy, chủ động cải cách... Bản chất của các FTAs chính là tự do kinh doanh hơn, thuận lợi hơn, bao dung hơn. Do vậy, chỉ khi thay đổi cách thức quản lý lý Nhà nước hiện nay".

Việt Nam lấy tiền đâu để phát triển?

“Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới”, đó là câu hỏi của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới.

 

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/279592/5-nam-tai-co-cau-van-dau-dau-lo-tut-hau.html

Theo Phạm Huyền/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm