Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: 'Tại sao DN Việt phải sợ FTA?'

Tại sao chúng ta phải lo lắng, nhất là khi đoàn đàm phán, Bộ Công thương đã khẳng định nhiều lần, là việc mở cửa thị trường sẽ từng bước, sức ép tăng dần, Thứ trưởng Khánh nêu.

Năm 2015 đánh dấu những mốc quan trọng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế: ký kết và hoàn tất đàm phán một hoạt các Hiệp định thương mại tự do FTA. Nhiều người đặt câu hỏi, lập kỷ lục về FTA như thế, nền kinh tế Việt Nam có đủ sức hấp thụ khi đây là các hiệp định thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và khác trước.

Không chờ khỏe mới hội nhập

Trao đổi với Zing.vn bên lề Hội nghị Phổ biến thông tin về các Hiệp định Thương mại tự do, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh thẳng thắn: "không thể chờ tới khi khỏe mới hội nhập".

Ông lý giải, hội nhập là một quá trình, luôn luôn phải có sức ép cho các doanh nghiệp vươn lên và tự đổi mới.

"Năm 1995, chúng ta có yếu không? Yếu hơn bây giờ nhiều chứ. Nhưng mình vẫn mạnh dạn đi với ASEAN, chơi với ASEAN, mở cửa", ông Khánh nói.

Ông nhớ lại, vào thời điểm đó, không ai biết gì về giảm thuế. Thế nhưng, ngay từ năm 1995 chúng ta đã có chương trình giảm thuế nhập khẩu cho các nước ASEAN. Kết quả, DN Việt có chết không?

Đến năm 2000, Việt Nam ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. lần đầu tiên biết về mở cửa cho ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, viễn thông. Lúc đó nền kinh tế và DN có yếu hơn bây giờ không? Yếu hơn nhiều. Nhưng chúng ta có chết không? Không. Các ngân hàng mạnh lên, công ty viễn thông mạnh lên, ông Khánh phân tích. 

Tương tự với WTO, Việt Nam tiếp tục giảm thuế, bỏ biểu giá tính thuế tối thiểu, bãi bỏ giấy phép nhập khẩu, không còn hạn ngạch.

Thứ trưởng Khánh nêu câu hỏi "tại sao bây giờ chúng ta lại lo lắng, nhất là khi đoàn đàm phán cũng như Bộ Công thương đã khẳng định nhiều lần, là việc mở cửa thị trường theo hình thức TPP và hiệp định FTA với EU sẽ được thực hiện dần dần, sức ép đến từ từ và tăng dần?"

Hơn nữa, thực tế hội nhập 20 năm qua, chúng ta có thua thiệt không? Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 1 tỷ USD năm 1995 lên tới 165 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP. Ảnh: Diệp Sa.

Không có đột biến sau 31/12

Câu chuyện áp lực với DN đặt ra cao nhất, và ngay lập tức từ TPP mặc dù AEC chính thức thành lập cộng đồng kinh tế sớm hơn, vào 31/12.  

AEC sẽ có tự do hóa lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, lao động có tay nghề. Đấy là mục tiêu của cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhưng những việc đó có diễn ra vào ngày 31/12 này không? Chắc chắn là không.

Trước hết về vấn đề thuế, các nước ASEAN thỏa thuận sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng hóa của nhau. Nhưng không phải ngay lập tức và toàn bộ vào ngày 31/12/2015. Toàn bộ tiến trình đó đã bắt đầu từ năm 1995, cách đây 20 năm. Và cho đến cuối năm nay cũng chưa hoàn tất. Với các nước ASEAN 6 - nhóm nước phát triển hơn đến khoảng cuối năm 2016 mới hoàn tất. Với các nước ASEAN 4 kém phát triển hơn, thì phải tới năm 2018, thậm chí lâu hơn nữa, mới hoàn tất.

Chưa kể một số mặt hàng hết sức nhạy cảm như gạo, đường hay xăng dầu của Việt Nam, lộ trình giảm thuế còn dài hơn nữa. Việt Nam tới năm 2024 mới đưa thuế nhập khẩu xăng dầu về 0%.

Như vậy, xét trên bình diện xóa thuế nhập khẩu thì vào ngày 31/12/2015 này không có gì đột biến.

Thứ 2, về phương diện dịch vụ, các nước ASEAN đã trải qua 9 vòng đàm phán. Đến giờ phút này đã đưa ra 9 gói cam kết nhưng việc mở cửa thị trường dịch vụ trong các nước ASEAN không đi xa hơn nhiều cam kết của họ trong WTO. Vì thế, trong lĩnh vực dịch vụ đến ngày 31/12/2015 này cũng không có gì thay đổi.

Với việc tham gia TPP, Việt Nam đã tham gia 2/3 Hiệp định siêu quy mô chiếm 77% GDP thế giới hiện nay. Nguồn ảnh: Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).

Thứ 3, trong lĩnh vực đầu tư, các nước ASEAN đều duy trì danh mục hạn chế nước ngoài đầu tư vào nước mình. Những danh mục đó tương đối lớn nên đến ngày 31/12/2015 cũng không có câu chuyện tự do hóa hoàn toàn về vốn đầu tư.

Cuối cùng là câu chuyện về tự do hóa di chuyển lao động có tay nghề. Các nước ASEAN mới thỏa thuận với nhau 8 ngành nghề cho phép lao động lành nghề được di chuyển tự do trong các nước ASEAN. Và tổng lượng lao động trong 8 ngành nghề đó chỉ chiếm 1,5% tổng lượng lao động, tổng lượng việc làm của ASEAN.

Hơn nữa, việc 8 ngành cho phép lao động lành nghề được di chuyển tự do cho tới giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Chính vì vậy, tới ngày 31/12 cũng chưa thể có việc tự do di chuyển lao động trong nội bộ ASEAN được.

Nói cách khác, việc hội nhập ASEAN là tiến trình kéo dài từ 1995 và sẽ không có gì đột biến xảy ra vào 31/12 năm nay. 

'Việt Nam đủ sức vào cuộc chơi mới'

Trở về từ bàn đàm phán TPP, ông Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trả lời Zing.vn ngay tại sân bay Nội Bài.

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm