Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế mới được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ôtô được đề xuất điều chỉnh thay đổi phụ thuộc vào dung tích xe.
Cụ thể, thuế suất thuế TTĐB với xe dưới 9 chỗ được đề nghị giảm đối với các dòng xe có dung tích xilanh dưới 2.000 cm3. Các mức giảm khác nhau, dao động từ 15-20%, tùy thuộc vào 3 nhóm xe có dung tích xi lanh dưới 1.000 cm3, từ 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 và loại từ 1.500 cm3 đến 2.000 cm3. Việc giảm thuế sẽ áp dụng từ tháng 1/2018.
Đối với xe có dung tích xilanh trên 2.000 cm3, thuế suất thuế TTĐB sẽ tăng từ 50% lên 60% từ 1/7/2016 và 55% từ đầu năm 2018.
Đặc biệt, các dòng xe nhập khẩu có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 sẽ bị tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức rất cao. Mức áp thuế suất chia theo 4 nhóm: loại có dung tích xilanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 là 90%, loại có dung tích xilanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3 là 110%, loại có dung tích xilanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 là 130%. Mức thuế cao nhất sẽ được áp cho loại có dung tích xilanh trên 6.000 cm3 là 150%.
Một số dòng xe hạng sang sau khi tăng thuế có giá bán tăng tới cả chục tỷ đồng. Trong ảnh là bảng giá điều chỉnh mới nhất của một doanh nghiệp nhập khẩu. Ảnh: NVCC. |
Như vậy, với việc giảm mạnh thuế TTĐB với các dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, doanh nghiệp và người dân có mức sống trung bình - khá đang mong nhờ giá xe giảm, ước mơ sắm ôtô của nhiều gia đình sẽ thành sự thực.
Tuy nhiên, theo tính toán của nhiều chủ doanh nghiệp ôtô, giá bán trên thị trường của các dòng xe phổ biến hiện nay không có chuyện giảm, thậm chí còn theo hướng ngược lại. Và với bài toán tính thuế của Bộ Tài chính, các đối tượng chịu thiệt sẽ là doanh nghiệp, khách hàng.
"Nếu những ai đang mơ tới năm 2019 để chờ giá xe giảm tới 42% thì có lẽ nên suy nghĩ lại. Bởi mức giảm này chỉ áp dụng đối với dòng xe dung tích dưới 1.000 cm3. Mà tới năm 2019, tôi không nghĩ là trên thị trường sẽ còn bán loại xe thân mỏng, dung tích thấp và thiếu an toàn như vậy", anh Đặng Như Quỳnh, giám đốc một công ty nhập khẩu ôtô ở Hà Nội chia sẻ.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối xe sang khẳng định, ngay cả khi thuế nhập khẩu ôtô giảm, giá xe cũng khó giảm, dân khó hưởng lợi. Vị này phân tích, theo cách tính thuế lũy kế, thuế nhập khẩu ôtô ở lũy kế trước, thuế TTĐB ở lũy kế sau.
Vì vậy, nếu nhà nước giảm thuế nhập khẩu ôtô 10% ở lũy kế trước thì chỉ cần tăng thuế TTĐB lên 2-5% ở lũy kế sau là "hòa". Trường hợp này, người mua nếu chỉ nhìn qua, rất dễ nghĩ rằng mình đang được hưởng lợi nhưng về bản chất, giá xe không có gì thay đổi. Nhà nước vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách từ thuế.
Nhiều khách hạng sang tranh thủ mua ôtô dung tích lớn trước ngày thuế tăng. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Bên cạnh đó, theo vị này, một chi phí khác mới được cộng thêm vào phí nhập khẩu ôtô ít người để ý là CIF (giá FOB + vận chuyển) được điều chỉnh tăng.
"Ví dụ, để nhập khẩu 1 xe ngoại về tới cảng Hải Phòng, giá CIF trước kia chỉ bao gồm giá mua cộng với chi phí vận chuyển và bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay CIF phải cộng thêm chi phí lợi nhuận kinh doanh và quảng cáo của doanh nghiệp tương đương với 10% nữa", đại diện nhà nhập khẩu cho biết.
Thuế tăng, phí tăng, tỷ giá liên ngân hàng tăng, kéo theo giá ôtô bán ra thị trường tăng. Đại diện những doanh nghiệp nhập khẩu nói trên cho biết, họ có thể giảm đi vài khách mua nhưng người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là khách hàng.
Một đại diện doanh nghiệp ôtô nhập khẩu tại Sài Gòn đưa ví dụ: Theo tỷ giá USD quy ra VND hiện nay, một chiếc ôtô bán ra thị trường trước kia nếu giá chỉ khoảng 2 tỷ thì hiện nay đã tăng lên 2 tỷ 50 triệu đồng. Giá trên chưa tính các loại thuế và phí khác.
Trong một chia sẻ gần đây với Zing.vn về việc vấn đề điều chỉnh thuế suất đối với ôtô, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Nguyễn Minh Phong đồng quan điểm cho rằng, để có một chiếc ôtô giá rẻ trên thị trường, nhà nước cần thực hiện điều chỉnh giảm nhiều loại thuế, không riêng gì thuế nhập khẩu.
Bởi thuế nhập khẩu chỉ là một yếu tố cấu thành giá. Bên cạnh đó, theo cách tính thuế lũy kế, bằng việc tăng thuế TTĐB ở lũy kế sau, việc giảm thuế nhập khẩu không có nhiều ảnh hưởng tới giá bán xe ra thị trường.
Trao đổi với báo chí chiều 20/10, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho biết, việc giảm thuế ôtô không khiến ngân sách thất thu. Thậm chí, theo ông Thi, thuế suất giảm giúp giá xe bán ra giảm. Qua đó, dung lượng thị trường tăng lên và nguồn thu ngân sách lại tăng.
Tại một triển lãm ôtô quốc tế tại Hà Nội mới đây, theo thống kê từ ban tổ chức, nhiều hãng đã chốt thành công 40-50 hợp đồng mua các dòng xe hạng sang có giá bán hiện ở mức 3-5 tỷ đồng.