Dường như đây là tiếng nói thẳng “thất vọng” với các hiệp định thương mại tự do đầu tiên được đưa ra một cách chính thức từ khi Việt Nam ký kết hiệp định TPP. Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch - đầu tư, đã nói điều này ngày 17/12 tại buổi công bố đánh giá về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế 2011-2015.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, mặc dù Việt Nam đã có bước tiến lớn, tạo điều kiện cho người dân gia nhập thị trường, nhưng Việt Nam vẫn chưa có môi trường kinh doanh cạnh tranh trật tự và công bằng.
Vẫn còn những vấn đề lớn như số lượng ngành kinh doanh có điều kiện còn quá lớn, rào cản gia nhập các thị trường này còn cao và tốn kém, thậm chí ngăn cản cạnh tranh.
Tới đây, theo cam kết, người lao động có quyền tham gia các tổ chức hợp pháp đại diện người lao động ngoài Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. |
Là người từng trực tiếp tham gia soạn thảo Luật doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung cho biết vẫn còn tư duy quản lý nhà nước sợ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng, không nhận thức được cạnh tranh công bằng là động lực với doanh nghiệp và người dân.
“Việt Nam thiếu một chính sách toàn diện về cạnh tranh”, ông Cung nói.
Đặc biệt, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, nhiều người đã kỳ vọng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để cải cách thể chế và hành động ở Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mua sắm công liên quan ngân sách, minh bạch hóa, cải cách hành chính.
Tuy nhiên, ông Cung thẳng thắn nêu “thấy thất vọng” vì các FTA này quá chung chung, không có yêu cầu cụ thể liên quan cải cách thể chế trong nước, trừ quyền tự do lập hội của người lao động.
Ngay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là thế hệ mới nhất, với các DNNN, ông Cung nêu cũng chỉ nhấn mạnh yêu cầu bình đẳng giữa DNNN của Việt Nam với các doanh nghiệp thành viên TPP. “Chứ bất bình đẳng, đặc quyền gì đó của DNNN với doanh nghiệp tư nhân trong nước, thì cơ bản, không có…”.
Ngay việc TPP cam kết về cho thành lập công đoàn ngoài Tổng liên đoàn Lao động, ông Cung đánh giá có dân chủ hơn, có cạnh tranh, liên đoàn lao động phải hoạt động tốt hơn vì quyền người lao động, nhưng ông Cung đặt câu hỏi: “Việc được thành lập liệu có đương nhiên hay phải có luật, hay nghị định? Cơ chế thực thi cũng chưa rõ…?”.
Ông đề nghị đã hội nhập phải tiến cùng thời đại, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ theo hướng thị trường đầy đủ, cạnh tranh công bằng hơn. Có như vậy Việt Nam mới hội nhập đầy đủ.
Ngoài ra, ông Cung thẳng thắn đề nghị: cần thay đổi từ cơ cấu tổ chức đến cả chức năng, vai trò của từng bộ và Chính phủ.
Cảnh báo hệ quả của việc không tiếp tục cải cách, ông Cung nêu: kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng lệ thuộc vào bên ngoài, tăng trưởng chủ yếu nhờ doanh nghiệp FDI, DNNN là công cụ phân phối các nhóm lợi ích, doanh nghiệp tư Việt Nam, người lao động Việt Nam bị cuốn vào dòng chảy hội nhập không được hưởng lợi, thậm chí bị vùi dập. Đặc biệt là khả năng “đất nước Việt Nam cứ tụt hậu và tụt hậu ngày càng xa hơn”…