Nhân dân tệ có thể đi lại con đường của USD để gia tăng sức ảnh hưởng. Ảnh: Reuters. |
Theo Barrons, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, việc Mỹ "vũ khí hóa" đồng USD đã giúp nhân dân tệ hưởng lợi. Đồng tiền của Trung Quốc trở thành giải pháp thay thế cho việc thanh toán và dự trữ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu đã muốn gia tăng sức ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ. Nhưng ông cần sự tham gia của các nước lớn trên toàn cầu để thực hiện hóa tham vọng này.
Trước đây, có rất ít lý do để các chính phủ tìm tới những đồng tiền khác thay thế USD. USD vẫn tham gia vào phần lớn giao dịch ngoại hối và hoạt động kinh tế mỗi ngày trên toàn cầu.
Đồng tiền của Mỹ cũng được sử dụng từ các giao dịch qua thẻ tín dụng của khách du lịch đến những khoản đầu tư quốc tế.
Quyền lực của USD
Nhưng giờ đây, thế giới đã nhận ra những điều bất tiện khi sử dụng và nắm giữ USD. Ngoài lãi suất thấp, các sự kiện liên quan tới xung đột Nga - Ukraine cho thấy đồng bạc xanh vẫn có thể gặp rủi ro trong khủng hoảng, vốn là thời điểm một khoản dự trữ phát huy tác dụng nhất.
Hơn nữa, với quyền lực của đồng bạc xanh, Mỹ có khả năng cắt đứt quyền tiếp cận của USD với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, từ đó cô lập và khiến nền kinh tế đó kiệt quệ. Điều này làm nhiều quốc gia lo ngại.
Để bảo vệ nền kinh tế, một số quốc gia đã tìm mọi cách đa dạng hóa các khoản đầu tư từ USD sang tiền tệ khác.
Trong khi đó, Trung Quốc không để tuột mất cơ hội vàng này. Một trong những ưu tiên trước mắt của Chủ tịch Tập là phát triển mối quan hệ với Trung Đông. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đang trên bờ vực rạn nứt.
Trong một chuyến thăm tới Saudi Arabia hồi tháng 12 năm ngoái, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu mua dầu bằng đồng nhân dân tệ. Theo Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, chính phủ nước này sẵn sàng đón nhận ý tưởng của Bắc Kinh.
Saudi Arabia được coi là nước dẫn dắt OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) và có tiếng nói trong các kế hoạch liên quan đến sản lượng dầu của nhóm.
Cơ hội vàng của nhân dân tệ
Những động thái này là dấu hiệu cho sự kết thúc của kỷ nguyên Petrodollars, tức đồng USD được các nước nhập khẩu dầu mỏ dùng để trả cho những quốc gia xuất khẩu.
Một số công ty Ấn Độ cũng dùng đồng nhân dân tệ trả cho hàng hóa. Đó là bước ngoặt lớn với đồng tiền Trung Quốc. Bởi để nhân dân tệ trở thành một tiền tệ toàn cầu, cần có nhiều nước sẵn sàng tham gia.
Bắc Kinh còn có thể yêu cầu các công ty xuất khẩu yêu cầu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, từ đó buộc những đối tác thương mại thanh toán và dự trữ đồng tiền nước này.
Như vậy, đồng nhân dân tệ Trung Quốc có thể đi lại con đường mà USD từng đi. Mỹ là công xưởng thế giới sau Thế chiến thứ hai. Nước này cung cấp hàng hóa cho các đồng minh châu Âu vốn đang cạn kiệt đồ thiết yếu.
Trong khi đó, tác động của các đợt phong tỏa ở Trung Quốc đã nhắc nhở thế giới về sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của nước này.
Dĩ nhiên, việc soán vị thế độc tôn của USD là không dễ. Đồng bạc xanh vẫn tham gia vào khoảng 90% giao dịch ngoại hối trên toàn cầu, chiếm 6.000 tỷ USD hoạt động kinh tế mỗi ngày trong giai đoạn trước đại dịch.
"Sẽ mất bao lâu để đồng nhân dân tệ gia tăng vị thế trên toàn cầu? Không ai biết. Đồng USD cũng mất nhiều thập kỷ để đi lên. Nhưng hành trình đó cần những bước đi đầu tiên, và đây là bước đi đầu tiên của đồng tiền Trung Quốc", nhà báo Jason Hsu của Barron's viết.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.