Không phải thành viên nào của FOMC cũng đồng ý với việc giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu năm nay. Ảnh: Reuters. |
Theo biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố hôm 22/2, các quan chức chỉ ra những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đi xuống, nhưng không đủ để dừng tăng lãi suất.
Sau cuộc họp, FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đã quyết định giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm. Nhưng các quan chức vẫn lo ngại về việc lạm phát ở mức cao.
Biên bản nhấn mạnh lạm phát "vẫn cao hơn" mục tiêu 2% của Fed. Trong khi đó, thị trường lao động thắt chặt đã gây áp lực lên tiền lương và giá cả.
Vẫn còn lo ngại
"Các quan chức tham gia cuộc họp lưu ý rằng những dữ liệu lạm phát trong vòng 3 tháng qua cho thấy tốc độ gia tăng của giá cả đã giảm một cách đáng hoan nghênh, nhưng cần thêm nhiều bằng chứng hơn để chắc chắn về việc lạm phát đang giảm bền vững", biên bản nhấn mạnh.
Sau khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 84 điểm (-0,26%), xuống 33.045,09 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 6,29 điểm, còn 3.991,05 điểm.
Trước đó, trong phiên giao dịch 21/2, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ ghi nhận phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm. Toàn bộ mức tăng của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kể từ đầu năm đã bị xóa sạch.
Trong phiên giao dịch ngày 22/2 trên sàn New York, giá vàng thế giới giao ngay giảm 8,7 USD/ounce, xuống 1.825,8 USD/ounce.
Giá vàng lao dốc sau khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố. Ảnh: Kitco.com. |
Thị trường lo ngại nếu Fed hành động quá mạnh tay, ngân hàng trung ương Mỹ có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Biên bản cuộc họp cũng chỉ ra một số thành viên nhận thấy nguy cơ suy thoái đã "tăng cao".
“Các quan chức tham gia cuộc họp nhận thấy sự bấp bênh trong triển vọng của những hoạt động kinh tế, thị trường lao động và lạm phát”, biên bản cho biết.
Các quan chức chỉ ra một số yếu tố là xung đột ở Ukraine, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và khả năng thị trường lao động bị thắt chặt trong thời gian dài hơn dự kiến.
Một số thành viên FOMC muốn tăng lãi suất mạnh hơn
Đáng nói, không phải mọi quan chức tham gia cuộc họp đều ủng hộ việc tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Một vài thành viên cho biết họ muốn nâng 0,5 điểm phần trăm.
Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông James Bullard - Chủ tịch Fed St. Louis - tin rằng ngân hàng trung ương có thể vẫn phải đối phó với lạm phát và ủng hộ việc đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất.
Vị quan chức khẳng định việc tăng lãi suất mạnh tay hơn sẽ mang lại cho FOMC nhiều cơ hội kìm hãm lạm phát hơn. Ông cho rằng lạm phát đã giảm so với năm ngoái nhưng vẫn còn ở mức cao.
Cách đây một tuần, ông Bullard và Chủ tịch Fed Cleveland - Loretta Mester - đều ủng hộ việc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu tiên của năm 2023, thay vì 0,25 điểm phần trăm như quyết định của FOMC.
Cả hai tiết lộ sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất mạnh tay hơn trong cuộc họp tháng 3. Các bình luận của ông Bullard và Mester, cùng với những dữ liệu mới nhất của kinh tế Mỹ, đã khiến các thị trường chao đảo.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 16/2, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 1 đã tăng 0,7% so với tháng 12/2022 và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 và cao hơn dự đoán trước đó của giới quan sát.
PPI đi lên sẽ tiếp thêm nhiệt lượng cho đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vốn đã tăng vượt dự báo của giới quan sát trong tháng 1.
Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/2, lạm phát tại Mỹ tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên. CPI tăng 0,5% so với tháng trước đó và 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.