Paetongtarn Shinawatra - hậu duệ của triều đại chính trị nổi tiếng nhất Thái Lan - đang bước vào cuộc bầu cử vào ngày 14/5 với lời cam kết đứng lên lãnh đạo đất nước Đông Nam Á sau gần một thập niên cầm quyền bởi quân đội.
“Chúng ta sẽ hỗ trợ nhau giành lại nền dân chủ, lấy lại cuộc sống của chúng ta”, bà Shinawatra, 36 tuổi, phát biểu tại sân vận động ở Bangkok, nơi được trang trí bằng màu đỏ đặc trưng của đảng Pheu Thai vào tháng trước.
Bà Shinawatra đang tìm kiếm chiến thắng vang dội để không thể bị từ chối chiến thắng do các quy tắc bầu cử của Thái Lan.
Trước đây, quân đội Thái Lan từ chối trao quyền cho các chính trị gia dân sự, và đã có 13 cuộc đảo chính từ năm 1932, với hai trong số đó nhắm vào người nhà Shinawatra - hai cựu Thủ tướng Thaksin (năm 2006) và em gái Yingluck (năm 2014).
Do sức ảnh hưởng của quân đội Thái Lan ở các nước láng giềng, kết quả cuộc bầu cử ngày 14/5 cũng sẽ nhận nhiều ý kiến khác nhau trên toàn khu vực, theo Financial Times.
Straits Times nhận định cuộc bầu cử lần này dự kiến là lần đọ sức chính giữa đảng của thủ tướng đương nhiệm và ứng viên dẫn đầu của đảng Pheu Thai.
Cuộc cạnh tranh giữa các cam kết dân túy
Bà Shinawatra gia nhập nền chính trị Thái Lan một cách nghiêm túc vào năm ngoái. Một số người coi việc bà ứng cử là dấu hiệu báo trước của “trận động đất chính trị” lớn hơn: Sự trở lại của Thaksin Shinawatra - cha bà Paetongtarn, cựu thủ tướng bị lật đổ sau đảo chính năm 2006.
Một bộ phận công chúng Thái Lan - đặc biệt ở vùng trung tâm nông thôn phía bắc - vẫn yêu quý nhà Shinawatra vì các chính sách xóa đói giảm nghèo như chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện 1 USD/lần khám.
Ông Thaksin “đã thay đổi cuộc chơi”, Thitinan Pongsudhirak - Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn - nhận định. “Ông ấy khiến cho nền tảng chính sách tạo ra các thành tựu. Đảng trở nên hùng mạnh tới mức trở thành thách thức với các trung tâm quyền lực đã được thiết lập”.
Người Thái Lan bầu cử sớm hôm 7/5 ở Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền vào năm 2014, sau khi bà Yingluck Shinawatra - em gái ông Thaksin - bị lật đổ. Ngày 15/7/2019, ông Prayut chính thức tuyên bố kết thúc chế độ cầm quyền của quân đội sau 5 năm.
Bất chấp một số phản đối, ông Prayuth tiếp tục giành chiến thắng vào năm 2019 và tham gia chiến dịch tái tranh cử vào năm 2023. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Thái Lan, nhiệm kỳ tối đa của một thủ tướng là 8 năm.
“Quý vị sẽ tin tưởng một cơ trưởng già có nhiều kinh nghiệm như tôi hay một phi công trẻ lái chiếc máy bay này?”, ông nói trước những người ủng hộ.
Những thành tích của ông Prayuth bị lu mờ bởi đại dịch Covid-19, vốn ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu và nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan. Việc nối lại tuyến du lịch quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc, dự kiến cải thiện triển vọng kinh tế, nhưng đồng baht yếu cũng làm ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu.
Chính phủ ước tính mức tăng trưởng kinh tế của Thái Lan chỉ ở mức 2,7-3,7% cho năm 2023. Chiến dịch tranh cử trở thành cuộc cạnh tranh giữa các cam kết dân túy với tổng hàng chục tỷ USD, từ tăng lương và lương hưu tới trợ cấp và phát tiền mặt.
Pheu Thai phải lựa chọn giữa 2 vị tướng?
Ông Prayuth đang dẫn sau trong các cuộc thăm dò dư luận, tuy nhiên thủ tướng đương nhiệm cũng có lợi thế nhờ quân đội hậu thuẫn. Chức vụ cao nhất chính phủ Thái Lan được chọn từ cuộc bỏ phiếu kết hợp giữa 500 nghị sĩ dân bầu ở Hạ viện và 250 nghị sĩ bổ nhiệm ở Thượng viện.
Những thành viên Thượng viện hiện nay do ông Prayuth chọn, do đó nhiều khả năng sẽ bầu cho ứng viên phe bảo thủ và chống lại những người thuộc gia đình Shinawatra. Vì vậy, phe đối lập cần giành ít nhất 376 ghế.
Số phận của đảng Pheu Thai của bà Shinawatra - với mục tiêu khoảng 310 ghế - có khả năng phụ thuộc vào đảng Move Forward. Move Forward là đảng kế thừa của Future Forward - lực lượng bùng nổ trên chính trường Thái Lan cách đây 5 năm. Đảng này đã tham gia cuộc bầu cử đầu tiên sau vụ chính biến năm 2014.
Future Forward - đại diện cho những cử tri trẻ khao khát thay đổi - là lực lượng mới mẻ, hứa hẹn những thay đổi sâu rộng với cấu trúc chính trị của Thái Lan, gồm cả hạn chế quyền lực của lực lượng vũ trang và thay đổi nền quân chủ - khi ấy vốn là điều cấm kỵ.
Ông Pongsudhirak nhận định nền tảng của Move Forward tương đương với “thay đổi mô hình”. “Cam kết không chỉ nằm ở việc công nhận người nghèo và giải quyết bất bình đẳng, mà còn ở cải cách cơ cấu với những thể chế truyền thống đang vận hành Thái Lan”, vị chuyên gia nói.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 7/5. Ảnh: Reuters. |
Pheu Thai không nêu quan điểm rõ ràng về sửa đổi hiến pháp hoặc hạn chế chế độ quân chủ, có khả năng để ngỏ cánh cửa cho khác đối tác liên minh khác.
Trong khi đó, đảng cầm quyền Palang Pracharath đang ủng hộ cấp phó của ông Prayuth, cựu tư lệnh quân đội Prawit Wongsuwan, trong khi ông Prayuth chuyển sang đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất mới thành lập.
“Pheu Thai không thể một mình thành lập chính phủ”, Punchada Sirivunnabood - Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mahidol của Thái Lan - cho biết. Bà nói thêm để đảm bảo sự ủng hộ của thượng viện, đảng phải đối mặt với sự lựa chọn giữa “hai vị tướng, hoặc Prayuth hoặc Prawit”.
Hôm 7/5, trong nỗ lực cuối cùng nhằm củng cố cơ sở ủng hộ cho đảng, bà Paetongtarn Shinawatra loại trừ khả năng hợp tác với Palang Pracharath. Dẫu vậy, liên minh giữa phe Shinawatra và Move Forward có thể làm tăng nguy cơ can thiệp quân sự hoặc tư pháp.
“Có khả năng diễn biến một số bất ổn. Nếu mọi thứ đúng theo thăm dò, thì các trung tâm quyền lực lâu đời sẽ không thể ngồi yên trước màn thể hiện mạnh mẽ của Move Forward”, bà Pongsudhirak nói.
Trong khi đó, Thaksin Shinawatra - người sống lưu vong ở Dubai từ năm 2008 - cam kết quay lại quê hương dù đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng. Ông và đảng Pheu Thai phủ nhận việc ứng cử của con gái nhằm dàn xếp ân xá.
Cựu thủ tướng 73 tuổi hôm 9/5 nhắc lại ý định quay về Thái Lan. “Tôi đang xin phép một lần nữa. Tôi quyết định sẽ về thăm các cháu vào tháng 7, trước sinh nhật của tôi”, Reuters dẫn lời ông Thaksin.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.