Cuốn sách đã tái hiện lại một xã hội bộn bề âu lo, một xã hội bị cuốn theo vòng quay của thời kỳ mở cửa, khi mà mối liên hệ tình cảm giữa con người với con người trở nên rất lỏng lẻo và nghiệt ngã.
Cơ hội của Chúa lấy bối cảnh xã hội Việt Nam từ năm 1989 đến năm 1997, bắt đầu với nhân vật chính tên Hoàng, một anh cựu sinh viên xuất sắc trường Tổng hợp thất nghiệp, nghiện rượu, ra sân bay đón em trai là Tâm vừa đi xuất khẩu lao động ở Đức trở về.
Từ bối cảnh ấy, những khuôn mặt phố phường trong thời buổi mở cửa, với đầy những âu lo, bon chen, nhộn nhạo cùng những mối quan hệ phức tạp về tình bạn, tình yêu, tình làng xóm, về ước mơ, sự tha hoá, về thù hận, lòng tốt…
Vào thời ấy, Chu Lai đã từng có một Phố đầy sâu sắc, ý nhị và xót xa về những con người bị mắc kẹt bởi thời cuộc. Nhưng nếu Chu Lai vẽ một bức tranh phố bằng những gam màu truyền thống, thì Nguyễn Việt Hà lại phá bỏ tất cả những màu sắc cũ ấy bằng cách mạnh dạn thử sức mình với những lối viết mới, với việc tạo nên nhiều nhân vật kể chuyện, thay đổi đột ngột không gian, thời gian, phá bỏ trật tự tuyến tính vốn có, Nguyễn Việt Hà đã tạo nên một tác phẩm đầy những gấp khúc, và mở rộng thêm đường biên suy tưởng cho cuốn sách.
Diễn biến câu chuyện trong Cơ hội của Chúa diễn ra một cách rời rạc, nếu không tập trung, độc giả có lẽ sẽ khó theo dõi. Đi từ nhật ký này sang nhật ký khác, độc giả như lạc vào mê cung.
Lối viết tưởng chừng rất ngẫu hứng, những mảnh vỡ tưởng chừng vô nghĩa, nhưng thực ra toàn bộ những mảnh vỡ trong cuốn sách đều có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, bởi cuộc sống. Cuộc sống, theo Nguyễn Việt Hà, không phải là một sợi dây thẳng tắp hay sự tiếp diễn của các sự kiện theo luật nhân quả, mà là tập hợp những mảng vỡ, những khoảng trống, những âm hưởng.
Tác phẩm Cơ hội của Chúa của nhà văn Nguyễn Việt Hà. |
Nguyễn Việt Hà đã tái hiện một cuộc sống đầy nhố nhăng. Đây là cơ hội lớn cho những trí thức tha hóa toàn diện và khốn nạn như Lâm, Sáng, Trần Bình…. Lâm thực sự tha hóa vì lợi, còn Sáng lại tha hóa đầy tính toán về danh. Còn Trần Bình lại tha hóa theo một kiểu khác, sống cuộc sống thượng lưu nhưng lối sống của Bình thể biện bản chất vô luân. Anh ta khiến người đọc ghê tởm trước sự đểu giả thượng lưu sạch sẽ của mình.
Hoàng cũng nằm trong mẫu nhân vật trí thức tha hóa vì bế tắc, trượt dốc nhưng lại không tìm được con đường và lời giải đáp cho bản thân trong cái xã hội mà anh đang sống.
Mỗi nhân vật đều có môt bộ mặt riêng, đầy sinh động. Không chỉ gợi ra một xã hội nhốn nháo, cuốn sách còn xoáy sâu vào những nỗi cô độc, bơ vơ, và sự hoang mang của những người trẻ trôi nổi trong vòng xoáy đổi mới. Những tự sự riêng tư của nhân vật chính là những mạch nước ngầm, khiến Cơ hội của Chúa mang trong mình dấu ấn của sự suy tư, chiêm nghiệm.
Đọc Cơ hội của Chúa, với cách viết đầy tính giễu nhại, hóm hỉnh của Nguyễn Việt Hà, độc giả dễ liên tưởng đến Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, trong hình dung về bức tranh sống động, đầy biến chất của đời sống.
Dù cách xử lý câu chuyện của Nguyễn Việt Hà còn đôi chỗ khiên cưỡng, và tham lam những chuyện vụn vặt nhưng tác phẩm đã tái hiện lại sinh động một xã hội Việt Nam thời kì đổi mới. Trong khuôn mặt ảm đạm của nền văn học Việt gần đây, Cơ hội của Chúa, xem xét một cách khách quan, vẫn là một cuốn sách đáng đọc.
Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Việt Hà học kinh tế, rồi về làm cán bộ Phòng Thanh toán Quốc tế của một ngân hàng tại Hà Nội. Năm 1999, khi Cơ hội của Chúa ra đời, cả ngân hàng nơi anh làm việc không ai mảy may nghi ngờ rằng, Cường “ngân hàng” (tên thật của Nguyễn Việt Hà) là tác giả của cuốn tiểu thuyết đang gây một luồng tranh luận kinh hoàng trên báo chí ở thời điểm đó.
Cho đến năm 2002, tác giả được lựa chọn là gương mặt nhà văn tiêu biểu, mời tham dự một chuyến giao lưu văn chương tại Mỹ. Nguyễn Việt Hà là một trong những gương mặt tiêu biểu của bức tranh văn học hiện đại của Việt Nam, với nhiều những cuốn sách nổi bật như Cơ hội của Chúa, Ba ngôi của người, Khải huyền muộn…