Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người lính cảm tử Nhật trong ‘Không chiến zero rực lửa’

Tiểu thuyết của Naoki Hyakuta miêu tả đội đặc công Thần Phong và tâm trạng người lính cảm tử Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Vào giai đoạn cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2, do sự tấn công của lực lượng Đồng Minh, phe trục phát xít Nhật- Đức-Ý lâm vào tình thế khó khăn. Trong cuộc chiến tranh trên biển Thái Bình Dương, Nhật Bản đã tỏ ra thua kém Mỹ về nhiều mặt, đặc biệt là vũ khí. Trước tình hình đó, quân đội Nhật Bản nghĩ mọi cách để cứu vãn tình thế.

Họ lập ra các đội đặc công cảm tử hòng lấy lại thế trận. Bên cạnh đội đặc công trên không của Nhật ta thường biết đến với tên gọi Kamikaze - Thần Phong, còn có đội đặc công trên bộ, đặc công dưới nước…là những đội đặc công có nhiệm vụ tấn công đối phương theo dạng “cảm tử” đầy bi tráng.

Cuốn Không chiến zero rực lửa của tác giả Naoki Hayakuta đã miêu tả lại đội đặc công Thần Phong và tâm trạng của những người lính cảm tử Nhật Bản khi đó.

Khong chien zero,  Chien tranh The gioi II anh 1
Sách "Không chiến zero rực lửa" bản tiếng Việt. Ảnh: AB

Câu chuyện bắt đầu vào mùa hè thứ 60 sau khi chiến tranh thế giới 2 kết thúc. Chàng trai ngành tư pháp Sahaku Kentaro được chị gái Keiko là một nhà văn tự do nhờ đi tìm hiểu về cuộc đời của ông ngoại mình. Ông tên là Miyabu Kyuzou vốn là một lính đặc công đã tử nạn trong cuộc chiến số không.

Hăm hở tìm hiểu về cuộc đời chưa biết của ông ngoại, họ bị sốc khi gặp một vài người bạn chiến đấu cũ của ông mình và được tiết lộ: Ông Kyuzou bị mọi người cười nhạo là “người mắc bệnh sợ” “người hèn nhát của đội hàng không số 1 hải quân”.

Liệu có điều gì khuất tất ở đây, khi người khuất bóng đã học được kỹ thuật điều khiển máy bay thiên tài, từng bắn rơi máy bay địch? Tại sao người đàn ông bị coi là người hèn nhát đó luôn mồm hứa với vợ là “anh sẽ không chết cho đến khi gặp được con gái”, lại tình nguyện vào đặc công để rồi bỏ mạng ngay trước khi cuộc chiến kết thúc?

Cuốn tiểu thuyết dài gần 600 trang bao gồm nhiều câu chuyện triển khai đan xen giữa hiện tại và quá khứ, cuối cùng hé lộ chân dung thực sự của người lính đặc công Miyabu Kyuzou của đội Thần phong, cũng là chân dung của một thế hệ người lính Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Trong tiểu thuyết, tác giả khéo léo vận dụng và tổng hợp, xâu chuỗi các sự kiện dựa trên tư liệu lịch sử để hoàn thành tác phẩm.

Tác giả Naoki Hayakuta cho biết cả cha và bác của ông đều là những người lính tham gia chiến trận. Họ thường kể cho con của mình về chiến tranh, nhưng tuyệt nhiên không chia sẻ với các cháu. Naoki Hayakuta nhận thấy những cựu binh khác cũng vậy, họ ít kể lại những trải nghiệm đó cho thế hệ sau.

Với mong muốn làm cầu nối để thế hệ trẻ Nhật Bản không quên những hy sinh mất mát của cha ông, biết quý trọng hòa bình, tác giả đã viết nên tiểu thuyết.

Bên cạnh đó, Hyakuta còn muốn đưa ra thông điệp liên quan trạng thái giới hạn của con người. “Ngay ngày mai bản thân ta hoặc người ta yêu có thể bỏ mạng. Điều đó chắc chắn không chỉ là sự việc xảy ra trong ngày xưa xa xôi”. Ông muốn mọi người cảm nhận được sự đáng quý của việc đang được sống trong hiện tại.

Không chiến zero rực lửa – Thần phong huyền bí Phương Đông của Naoki Hayakuta được xuất bản tại Nhật Bản năm 2006, trở thành tác phẩm bán chạy thời điểm ra mắt. Tới năm 2013, có 3,4 triệu bản sách được bán ra.

Tháng 7/2013 tiểu thuyết được chuyển thể thành truyện tranh. Cũng trong năm 2013, tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, được hàng chục triệu người Nhật nhất là thế hệ trẻ hào hứng đón nhận.

Tại Việt Nam, tác phẩm được Nguyễn Vương Ngọc Chân dịch, mới được NXB Văn học phát hành.

Tiểu thuyết về người đàn bà huyền thoại Argentina

Tờ New York Times đã từng đánh giá tác phẩm này là một hiện tượng văn học quan trọng ở Mỹ La tinh sau "Trăm năm cô đơn" của Gabriel Garcia Marquez.

Minh Quân

Bạn có thể quan tâm