Sống một cuộc đời bình thường là tập thơ thư 4 của nhà thơ Phong Việt sau những cuốn best-seller Đi qua thương nhớ, Từ yêu thương đến yêu thương, Sinh ra là để cô đơn. Vẫn là giọng thơ mộc mạc, dung dị và ngập tràn cảm xúc nhưng lần này, người đọc sẽ thấy một Phong Việt lạc quan hơn trong những trăn trở. Anh bảo, không muốn để độc giả của mình mãi đắm chìm trong nước mắt.
Phong Việt không chỉ là nhà thơ, anh còn làm báo, kinh doanh. |
- Tên tập thơ Sống một cuộc đời bình thường nghe khá bình yên nhưng câu đề từ: “Mình là đứa trẻ cho con người nhẫn tâm” lại tạo cảm giác hơi bất mãn về cuộc sống. Anh có thể chia sẻ về điều này?
- Với tôi, sống một cuộc đời bình thường nghe đơn giản nhưng vẫn là một điều mơ ước. Trong tập thơ này có những điều tôi viết bằng sự mơ ước, có bài viết bằng sự trải nghiệm, hay cảm nhận được từ thế giới xung quanh. Cuộc sống không có gì trọn vẹn vì thế dù viết về những thứ đủ đầy thì trong tôi vẫn man mác cô đơn. Còn viết về niềm vui thì vẫn lẩn khuất nỗi buồn, sự ám ảnh.
Rất hiếm khi tôi cảm thấy vui hết mình. Vốn sống, những mất mát, vấp ngã khiến tôi phải luôn tỉnh táo trước mọi việc. Cách tốt nhất để vượt qua những mất mát, đau khổ của cuộc đời là hãy đối diện bằng tinh thần của một đứa trẻ bởi vì với đứa trẻ, mọi vết thương đều dễ liền da.
- Mọi người nhìn anh thấy mọi thứ đều hoàn hảo: gia đình hạnh phúc, thơ phát hành và tái bản liên tục, kinh doanh tốt… còn nỗi đau nào lẩn khuất khiến anh trăn trở vậy?
- Người trẻ nào cũng có một câu chuyện đáng nhớ. Những tổn thương khi mới bước vào đời khiến mình quá tuyệt vọng, đau đớn. Thời tuổi trẻ, tôi từng có giai đoạn phải đối diện với mất mát về tình yêu khiến mình không còn tha thiết về cuộc sống.
Tuy nhiên, khi đi qua những mất mát, thì thấy tất cả những điều đó là cần thiết, giúp mình trưởng thành hơn, bao dung hơn. Nếu như tôi không trải qua những tuyệt vọng, chắc chắn tôi không được như ngày hôm nay. Bà xã, đứa con chính là hạnh phúc hiện tại của tôi. Phía sau ánh sáng luôn có một góc khuất bóng tối…
Nhà thơ Phong Việt trong buổi ra mắt tập thơ thứ 4 Sống một cuộc đời bình thường. |
- Ngoài làm thơ, anh còn kinh doanh, làm báo. Đối diện với những con số, có làm anh mất đi sự hồn nhiên, bay bổng của người sáng tác?
- Tôi xuất thân là lập trình viên nhưng tốt nghiệp đại học, tôi lại đi làm báo. Làm báo giúp tôi tỉnh táo trong mọi chuyện. Khi làm thơ lại cần một chút lãng mạn, tinh tế. Có lẽ tôi may mắn khi biết làm sao để những con người khác nhau đó không bị lẫn lộn.
Công việc kinh doanh là phần nhỏ và tôi chỉ là người lên kế hoạch chứ không làm trực tiếp. Nếu phải tính toán chi li từng đồng từng cắc sẽ khiến cho mình quá thực tế, thậm chí thực dụng. Khi con số hiện lên, chắc chắn mình sẽ không thể lãng mạn, bay bổng được. Hơn nữa, người trực tiếp quản lý việc kinh doanh là vợ tôi. Có lẽ vì thế, từ khi bắt đầu kinh doanh, bà xã đã ít làm thơ hơn trước.
Bản thân tôi cũng không chắc chắn mình sẽ có cảm xúc mãi, không bao giờ tâm hồn bị chai sạn trước những áp lực của cuộc sống. Có thể đến một lúc nào đó, đặt bút xuống mà không cảm nhận được điều mình nghĩ thì tôi sẽ dừng lại.
- Trước đây, nhà văn Nam Cao trong hình ảnh ông giáo Thứ đã không thể sáng tác khi nghe tiếng con khóc và xung đột vợ chồng. Còn anh, lại là người chăm con nhiều hơn vợ. Điều này có ảnh hưởng đến cảm hứng thơ văn trong anh?
- Tôi là người chăm con nhiều hơn bà xã. Bé khó ngủ, hay bị mộng mị vì thế khi con cựa mình thì tôi sẽ vỗ về: “Không sao, có ba đây” thì con sẽ ngủ tiếp. Hình như tôi quá nuông chiều cảm xúc bản thân vì cứ nghĩ mình là người chăm con tốt nhất, không ai tốt bằng mình. Tôi luôn có suy nghĩ rằng nếu không phải là mình, con sẽ không được ăn, ngủ tốt.
Thực sự, khi chưa có con, tôi nghĩ mình khó chu toàn được cuộc sống vì cả ngày bước ra khỏi nhà là một cuộc chiến, tối về nhà, mệt rã rời, thậm chí cơm không muốn ăn và mình chỉ muốn một giấc ngủ vùi. Nhưng hiện tại, đi làm về, con chạy ào đến, kêu: “Ba ơi!” và ôm hôn thì tôi cảm thấy đây mới là niềm vui của mình. Đó chính là động lực giúp mình tiếp tục mạnh mẽ chiến đấu với cuộc sống ngoài kia.
- Ngược với anh, chị Thanh Xuân nổi tiếng trong nhóm thơ Ngựa trời với những bài thơ táo bạo. Trong cuộc sống, anh có bị vợ kìm cương không?
- Tôi là người nhường nhịn vợ vì Xuân là con một. Tính cách bà xã hình thành do được chiều từ nhỏ. Nhường nhịn nhưng khi cần, tôi cũng phải nói cho bà xã hiểu cô ấy sai, cần rút kinh nghiệm. Vợ chồng tôi cũng có những xung đột nhưng cơ bản là ngồi nói chuyện được với nhau.
Nhà thơ Phong Việt ký tặng bạn đọc trong ngày ra mắt sách. |
- Ngày anh dành cho việc kinh doanh và làm báo, tối dành trọn cho con, vậy thời gian nào để anh sáng tác?
- Nghe có vẻ nghịch lý nhưng sự thật là tôi viết thơ ngay trong những lúc căng thẳng, dầu sôi lửa bỏng nhất. Lúc viết thơ, tôi trở thành con người của sự lãng mạn, bay bổng. Tôi luôn cảm thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng khi làm thơ. Buổi tối, tôi chơi với con nên không còn thời gian sáng tác nữa.
- Được mệnh danh là nhà thơ best-seller, nếu nói về công thức thành công của Phong Việt, anh sẽ nói gì?
- Tôi không biết có công thức nhưng có lẽ, tôi may mắn khi mình có cảm xúc. Ngay từ tập thơ đầu, tôi là người làm thơ không câu nệ câu chữ. Mình nghĩ câu đó cần 20 từ thì viết 20 từ chứ không phải vì để cho ngắn gọn, cho người đọc dễ chịu thì viết ngắn hơn. Mình viết mình cảm nhận được trước đã, rồi độc giả mới hiểu. Sau này, tôi có sự thỏa hiệp nho nhỏ, thay đổi vài từ để cảm xúc của câu chữ không bị bóp nghẹt trong đau đớn.