Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cố gắng phát huy nhé!' - sự hờ hững dưới vỏ bọc lời khen

Dù được trao cho quyền lực tuyệt đối là thế, Andreas vẫn phải nếm trải thứ dư vị chua chát: loại cảm giác khi biết rằng sếp của anh chẳng hề bận tâm tới những gì anh đang làm.

Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Trong suốt nhiệm kì đảm nhiệm vị trí người đứng đầu khu vực châu Á, Andreas Krebs có một vị sếp không thực sự quan tâm tới những thách thức liên đới và cả những giải pháp quan trọng mà họ cần quản lý ở những đất nước thuộc khu vực này. Người này gần như chỉ sành sỏi về văn hóa Nam Âu và không có chút hứng thú đặc biệt nào với cái gọi là “những thị trường mới nổi”.

Thêm nữa, vì khu vực châu Á lúc đó làm ăn ổn định và mọi thứ có vẻ đều vận hành trơn tru nên cách vị sếp nọ “lãnh đạo” chỉ giới hạn ở việc kí vào những chỗ ông được phép kí, phê chuẩn những gì ông được phép phê chuẩn và luôn không quên kèm thêm một câu nói động viên “Làm tốt lắm! Cứ thế phát huy nhé!”.

Dù được trao cho quyền lực tuyệt đối là thế, Andreas vẫn phải nếm trải thứ dư vị chua chát: loại cảm giác khi biết rằng sếp của anh chẳng hề bận tâm tới những gì anh đang làm. Đến đây, một vài người có lẽ sẽ tranh luận rằng đã là lãnh đạo thì phải có khả năng tự khích lệ bản thân.

Điều đó có lẽ đúng và trên thực tế thì việc kinh doanh ở khu vực châu Á đang tiến triển tốt, nhưng điều này vẫn khiến Andreas có cảm giác bỏ lỡ cơ hội khi nghĩ về “những điều đáng lẽ có thể thực hiện” nếu như sếp của anh dành nhiều tâm huyết hơn để tham gia vào quá trình thảo luận về các thách thức, thành công và thất bại trong khu vực. Là một nhà tham vấn giàu kinh nghiệm với góc nhìn mới lạ, vị sếp này hoàn toàn có thể mở mang tư duy của công ty về tình hình khu vực cũng như khuyến khích những nỗ lực lớn hơn qua sự công nhận thực tâm.

Có một lằn ranh rất mỏng manh giữa chủ trương trao quyền tuyệt đối và thái độ thờ ơ rõ rệt. Hành động trao quyền thực sự sẽ khác hẳn sự thờ ơ bởi nó dựa trên những cuộc thảo luận và trao đổi có ý nghĩa nhằm tạo ra những cơ hội phát triển mới, được suy tính kĩ lưỡng cho cả nhân viên và sản phẩm, chứ không chỉ là những cái gật đầu hờ hững cùng lời nói “Ồ, vậy thì cứ thế mà làm thôi…”

Tái bút: Người kế nhiệm vị sếp này lại trái ngược ở rất nhiều điểm: kĩ tính quá mức, hay ngờ vực, thích áp đặt, tóm lại là một nhà quản lý vi mô điển hình. Chẳng ngạc nhiên là không lâu sau đó, mọi người đều mong mỏi vị sếp hờ hững trước kia quay trở lại... hoặc là một người giỏi hơn, một ai đó có thể kết hợp cả hai phương thức lãnh đạo này và biết nên áp dụng chúng khi nào!

Andreas Krebs và Paul Williams/NXB Dân trí & Tân Việt Books.

SÁCH HAY