Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái ở xóm chạy thận viết nên điều kỳ diệu

Bằng nghị lực sống cô gái Trần Phương Nhung đã vượt lên nghịch cảnh, cởi mở với cuộc đời và ghi lại những mảnh ghép cuộc sống quanh mình.

Sống cho ngày hôm nay

“Bạn thử tưởng tượng một ngày nào đó thức dậy và biết mình không thể sống được bao lâu nữa. Bạn sẽ đau khổ, tuyệt vọng lắm phải không? Vậy mà tôi đã phải sống chung với cảm giác đó trong suốt thời gian dài.  Nhưng giờ đây với tôi chuyện đó không còn là vấn đề nghiêm trọng”.

Trần Phương Nhung đã bắt đầu kể câu chuyện về mình như thế.

18 tuổi, Nhung phải nằm trên giường bệnh. Hai năm sau đó cô trở thành công dân chính thức của xóm chạy thận Phương Mai.

Khi nhập viện cấp cứu Nhung bị thiếu máu trầm trọng, độc tố lên rất cao gây suy đa phủ tạng. Bác sĩ khuyên nên đưa cô về nhà vì không còn hy vọng nhưng bố mẹ vẫn quyết tâm cho con gái ở lại điều trị lâu dài với suy nghĩ “còn nước còn tát”.

Đến nay, hơn 11 năm gắn bó với bệnh viện, Nhung không nhớ nổi đã bao nhiêu lần bên bờ vực cái chết. Nhiều lúc chán nản, không muốn sống nữa nhưng chính những người bệnh giàu nghị lực ở xung quanh đã tiếp thêm sức mạnh cho Nhung vượt qua mọi đau đớn. Đó là người em mới 16 tuổi, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi ba đứa con nhỏ nên dù bệnh hiểm nghèo nhưng em vẫn tự chăm sóc bản thân, hàng ngày xách vài chai nước vào bệnh viện bán. Đó là người anh đang là sinh viên nhưng sau khi mắc bệnh phải bỏ học, đi đánh giày kiếm tiền để mua thuốc. So với họ, Nhung thấy mình may mắn hơn vì còn được bố mẹ lo lắng, chăm sóc.

Không trở thành giáo viên, bác sĩ hay nhà báo như từng ước mơ  Nhung cũng không buồn nữa. Bởi cô biết rằng điều mình cần làm lúc này là chiến đấu với bệnh tật và sống sao cho ngày nào trôi qua cũng thật ý nghĩa. Hàng ngày Nhung viết báo, bán nước, làm đồ handmade.  Gần đây cô thêm công việc bán quần áo cũ, khăn rằn… gây quỹ cho nhóm Cơm từ thiện Visky. Nhung nói: “Bây giờ mình đang mong tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nơ bờm để  những bệnh nhân sức khỏe yếu không thể đi bán nước, nhặt ve chai được có thể làm những công việc thủ công”.

Trần Phương Nhung, sinh năm 1983 tại Nam Định. 

Điều kỳ diệu quanh ta

Điều kỳ diệu quanh ta chủ yếu là những bài viết về cuộc sống của những con người ở xóm chạy thận. Những câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng qua con mắt quan sát tinh tế của Nhung lại trở nên lay động tâm hồn.

Làm sai mà vẫn đúng là một câu chuyện xúc động về tình người. Xóm chạy thận được nhà hảo tâm tặng một chiếc tivi. Mới sử dụng được vài ngày thì chiếc tivi bị mất tích. Kẻ trộm chính là một bệnh nhân trong xóm. Hoàn cảnh anh rất đáng thương: bố mất, mẹ già bệnh tật, một mình phải bươn chải kiếm tiền chữa bệnh và trang trải cuộc sống. Tiền đã hết, ngày mai phải lên giường bệnh, đứng giữa sự sống và cái chết anh phải làm liều. Hiểu được sự cùng quẫn đó nên không ai nỡ đòi anh phải trả lại chiếc ti vi. Kể lại câu chuyên này Nhung muốn mọi người hiểu thêm về một khía cạnh khác của cuộc sống, chẳng ai bênh vực cho việc làm sai nhưng đôi khi vẫn có ngoại lệ.

Điều kỳ diệu nhắc đến bác bệnh nhân trong xóm trọ có người con trai bị khiếm thính, bác nghèo đến nỗi không mua nổi cho con một bộ máy trợ thính. Một lần hai bố con dắt tay nhau đi qua cửa hàng bán máy trợ thính, anh con trai chỉ vào chiếc máy rẻ tiền nhất ra hiệu: “Khi nào có tiền bố mua cho con chiếc máy này nhé”. Nghe câu nói của con trai lòng bác nghẹn ngào bởi chẳng biết đến khi nào bác mới đủ tiền mua chiếc máy trợ thính đó.

 “Có những lúc đau đớn tới mức chỉ muốn chết đi” nhưng xuyên suốt cuốn sách người đọc không nhìn thấy cái tôi khổ sở vật lộn với bệnh tật , thay vào đó là một tinh thần lạc quan, tràn đầy tình yêu thương và niềm tin về cuộc sống. Nhung ít viết về mình, câu chuyện tập trung ở những cảnh đời, tình huống mà cô chứng kiến.

Cuốn sách Điều kỳ diệu quanh ta, giá 60.000 đồng.

Nhung tâm sự: “Mình viết văn rất khó. Nhiều khi thấy từ ngữ dùng vậy chưa ổn nhưng không biết làm sao. Có những thời điểm sức khỏe yếu quá nhưng vẫn ham nên viết xong bị rơi vào tình trạng thiếu máu nặng. Thế nhưng hôm trước đi bán sách, chứng kiến một bạn nhỏ hồ hởi mua sách mình vui lắm. Với một người mới học hết lớp 12, rồi chuyển từ giường bệnh này tới giường bệnh khác như mình vậy mà có bài đăng báo, được in sách, có người đón nhận là một sự an ủi quá lớn”.

 “Bây giờ tôi chẳng sợ buồn nữa rồi”. Nhung không sợ buồn chứ không phải là không buồn. Bằng nghị lực sống cô đã vượt lên nghịch cảnh, cởi mở với cuộc đời và kể cho chúng ta nghe những cảnh đời bất hạnh khác nhau. Điều kỳ diệu là họ đứng dậy để sống những tháng ngày ý nghĩa.

“Mẹ dắt tôi đi trên con đường đầy sỏi đá để về xóm trọ. Con đường không dài nhưng nó thật quá sức đối với một người bệnh như tôi. Bước chân của tôi trở nên nặng trĩu khiến mẹ tôi cứ phải động viên: Cố lên con! Sắp tới nơi rồi”.

 

 

Phan Thúy Hà

Bạn có thể quan tâm