Sáng 17/4, Ngày sách Việt Nam lần thứ hai được khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Sách xưa và nay”. Phần giao lưu cùng Trần Đăng Khoa với chủ đề "Từ góc sân đến khoảng trời" thu hút đông độc giả. Nhà thơ đã có những tâm sự rất thật nhưng không kém phần dí dỏm về tuổi thơ, cuộc đời.
Góc sân và khoảng trời là tập thơ được tác giả xuất bản khi mới lên 10 tuổi. Trần Đăng Khoa cho rằng, cậu bé cách đây nửa thế kỷ giờ đã là một “lão Khoa tròn ùng ục”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu cùng độc giả. Ảnh: Hoàng Anh. |
Nhắc về kỷ niệm tuổi thơ, Trần Đăng Khoa nhớ về chú chó vàng trong bài Sao không về vàng ơi. Ông tâm sự: “Tôi nghĩ rằng, tại sao đám tang lại phải buồn? Sau này tôi sẽ an nghỉ tại gốc khế sau vườn như chú chó vàng. Trước đó mọi người hãy thay tôi đọc câu thơ:
"Sau bao năm ròng mệt mỏi
Xuống xứ này rong chơi
Giờ ta làm ngọn khói
Õng ẹo bay về trời".
Tuổi thơ luôn là vùng ký ức màu mỡ trong những tác phẩm của ông. Tuy nhiên, Trần Đăng Khoa lại tiết lộ suy nghĩ ít người biết: "Nếu được quay lại thời trẻ con, tôi sẽ tranh thủ chơi nhiều hơn làm thơ. Tôi bắt đầu từ giã tuổi thơ của mình từ khi công bố tác phẩm đầu tiên. Bấy giờ tôi 8 tuổi, tự nguyện làm công việc phát ngôn cho thế hệ trẻ con kháng chiến chống Mỹ”.
Ông quan niệm, ở cái thời “viên đạn nặng hơn người” – lời Chế Lan Viên, trẻ con đều làm thơ hay và già như "ông cụ non". Có thể kể ra những vần thơ sâu sắc của tác giả Hoàng Hữu Nhân:
“Bọn trẻ xóm em có đứa chưa thuộc hết nẻo đường làng
Nhưng nhớ hết con đường ra mặt trận
Có đứa chưa cao ngang tầm súng
Vẫn biết cách dùng đạn gém của dân quân
Có đứa mải chơi quên cả giờ ăn
Vẫn nhớ ngày giặc hành hình anh Trỗi
…
Anh chớ bảo chúng em là khôn trước tuổi
Cái gì cần nhớ trước thì nhớ trước
Cái gì cũng cần nhưng tạm nhớ sau…”
Phần giao lưu thú vị của nhà thơ Trần Đăng Khoa thu hút nhiều bạn đọc. Ảnh: Hoàng Anh. |
Đi qua tuổi thơ, Trần Đăng Khoa trưởng thành trong những năm tháng chiến tranh liên miên. Tháng 2/1975, cậu học trò bỏ dở lớp 10 để ra trận. Nhắc đến đây, ông ngậm ngùi: "Bạn bè một thời bây giờ chỉ còn tôi và một người nữa sống sót qua chiến tranh. Nhiều người đã nằm lại trên chiến trường và không tìm được hài cốt".
Từng đi học ở nước ngoài, nhiều năm làm việc tại Hà Nội, Trần Đăng Khoa vẫn tự nhận mình là kẻ nhà quê đến tận cùng bản chất. Đây cũng là lý do vì sao ông làm thơ về vùng nông thôn lại hay đến vậy.
Trước sự tiếc nuối của nhiều độc giả khi hiện tại Trần Đăng Khoa không còn làm thơ về trẻ con, ông lý giải: "Tôi không bí thơ, bỏ thơ. Tôi lựa chọn sự trải nghiệm trong những thể loại mới như phê bình, báo chí. Tôi nghĩ điều này cũng đơn giản như việc ngồi vào mâm cơm, người dùng đũa nhưng kẻ khác lại cầm thìa mà thôi".