Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Y Ban - 'Cuối cùng thì đàn bà muốn gì?'

"Cuối cùng thì đàn bà muốn gì" là cuốn sách thứ 19 của nhà văn Y Ban. Tác phẩm hiện thu hút sự chú ý của độc giả.

 - Có phải“Cuối cùng thì đàn bà muốn gì?" là tên gọi để câu khách cho tác phẩm? 

- Tên sách rất quan trọng. Tôi có cách đặt tên khá câu khách, ví dụ như Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Đàn bà xấu thì không có quà, I am Đàn Bà… Nhưng "Tấm áo không làm nên thầy tu", tên sách không thể thay thế nội dung. Chất lượng cuốn sách mới là điều quan trọng nhất.

Bìa cuốn Cuối cùng thì đàn bà muốn gì?

-Con trai ơi, dù con có là người thế nào mẹ cũng luôn yêu con. Lúc nào mẹ cũng mong con quay về, là một người lương thiện và chăm chỉ lao động” (Trích truyệnƠi những chú ngựa bất kham”). Phải chăng đó là mong muốn cuối cùng của người đàn bà?

- Ngày trước đàn bà "xuất giá tòng phu, xuất phu tòng phụ". Cả đời họ chỉ quanh quẩn với hai chữ chồng con. Thời hiện đại này vẫn vậy. Họ vào đại học và phấn đấu cho bản thân trong sự nghiệp để làm chủ cuộc sống của mình. Họ có thể không chồng nhưng vẫn muốn có con. Khi sinh con, người mẹ hiện đại hay truyền thống, thậm chí cố hủ chăng nữa  đều  mong muốn đứa trẻ của mình là người lương thiện, chăm chỉ lao động. Đó cũng là một trong những thông điệp của cuốn sách.

- Truyện ngắn“Gái góa là gái góa ơi” của dồn dập chi tiết về đời thường. Đó là do vốn sống quá nhiều hay cách thể hiện có chú ý của chị?

- Người ta thường bảo nhà văn có hai loại: một là sống rồi mới viết, hai là viết bằng sự tưởng tượng. Nếu ứng với sự phân chia đó thì tôi thuộc loại một - sống rồi mới viết. Tôi đã sống trong cuộc đời đầy biến động. Mọi giá trị đang thay đổi từng ngày. Có cái ngày hôm qua đúng hôm nay sai. Có người hôm qua anh hùng, giờ là tội phạm. Đôi khi tôi có cảm giác bị chìm trong cảm xúc từ sự biến động đó.

Tác giả Y Ban. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

-  Ám ảnh trong trang viết của chị là những phận người. Họ bị khuyết tật, một số về thể chất, còn rất nhiều là tâm hồn. Đấy cũng là báo động về cuộc sống đương thời. Là một nhà văn, chị có chia sẻ gì thêm với bạn đọc, ngoài những gì đã viết?

- Tôi không muốn tin vào những điều mình viết. Vì đôi khi nhà văn thường hư cấu và tưởng tượng ra những thứ không có trong cuộc sống. Nhưng những điều tôi viết lại là sự thật chúng ta đang phải chứng kiến.

Cái ác đang hiện hữu ngày một nhiều quanh chúng ta. Tại sao? Vì những kẻ khuyết tật tâm hồn không có gì khác chúng ta đâu. Nhưng kẻ đó cứ âm thầm nuôi dưỡng cái ác, để một lúc nào đó thì ra tay. Còn những người xung quanh như chúng ta, đôi khi đã bao che cho nó vì sự vô cảm và những luật lệ tự đặt ra.

Nhà văn Y Ban sinh năm 1961. Hiện công tác tại báo Giáo dục và Thời đại.

Chị đạt các giải thường:

Giải nhất cuộc thi truyện ngắn và thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1989 - 1990 với các truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và Người đàn bà có ma lực.

Giải B cuộc thi viết về Hà Nội của Nhà xuất bản Hà Nội:Ttập truyện ngắn Người đàn bà có ma lực.

Giải nhất cuộc thi viết  truyện ngắn về đề tài giáo dục đạo đức cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Giáo dục với truyện ngắn Ngôi nhà thân thiện.

Giải nhì cuộc thi truyện ngắn viết về công an Hà Nội với  Con đường qua bảy ngã tư.

Giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam qua tiểu thuyết Xuân Từ Chiều.

 

Phan Thúy Hà

Bạn có thể quan tâm