“Cuộc đời sẽ mang tới những nỗi đau cho bạn. Bổn phận của bạn là tạo ra niềm vui” - Milt Erikson, bác sĩ y khoa. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến câu nói đó khi lần đầu tiên gặp Hoàng Diệu Thuần. Có lẽ vì tôi không nhìn thấy hình ảnh một người bệnh ở em. Khuôn mặt trẻ thơ, ánh mắt tinh nghịch gợi cho ta cảm giác vui thích được nói chuyện nhiều hơn với em những lần tiếp sau.
Hoàng Diệu Thuần, sinh năm 1987, quê Quỳ Hợp, Nghệ An. |
Buổi chiều hôm đó trời rất nắng, 3h chiều em và những người bạn đã có mặt ở sân khấu chuẩn bị cho buổi tọa đàm do nhà sách Đông Tây tổ chức ở Hội chợ sách Công viên Thống nhất nhân ngày sách Việt Nam. Câu nói em thốt ra một cách tự nhiên, hẳn không hàm ý gì, nhưng khiến tôi, và có lẽ nhiều người có mặt khi đó đột nhiên sững lại: “Em đang rất nóng. Nhưng em thấy vui, vì cảm giác của em bây giờ cũng giống như mọi người xung quanh”. Được là một người bình thường, có những cảm giác như người bình thường là hạnh phúc với em bây giờ. Và, tôi nghĩ, đó cũng là hạnh phúc của tất cả chúng ta. Số phận ưu ái cho ta được hưởng sự bình thường mà không cần phải đánh đổi hoặc trải qua biến cố nào mới có nên ta coi như đó là sự hiển nhiên.
Được sống đã là một kỳ tích rồi, những điều khác đều trở nên không đáng kể. Em nói: “Chị Loan may mắn hơn em vì đã được có một người chồng yêu thương. Em không có hạnh phúc đó nhưng em may mắn hơn chị là em vẫn được sống, hôm nay em còn được đến đây, được nói chuyện, được nhìn thấy mọi người”.
Chị Loan, người Thuần nhắc tới, ra đi vì bệnh suy thận cách đây vài tháng. Chị, Thuần và một số người nữa là tác giả của các cuốn sách trong tủ sách Vượt lên nghịch cảnh do Nhà sách Đông Tây đứng ra tổ chức in ấn, nhằm động viên, khích lệ những người có khả năng viết lách biết vươn lên từ nghịch cảnh. Đi qua lưỡi hái tử thần Thuần hiểu hết sự quý giá của sinh mạng. Em nhắc lại cái điều mà ai cũng biết nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu thấu.
Hoàng Diệu Thuần (người ngồi thứ 2, bên trái) trong buổi tọa đàm. |
Những ngày chờ thuốc mới - em được một hãng dược cung cấp thuốc miễn phí - Thuần về quê Quỳ Hợp. Nơi đó có vườn hoa hồng đang chờ tay người chăm sóc. Hơn một trăm bụi hoa đủ sắc màu, kiểu dáng thỉnh thoảng em lại chụp khoe bạn bè. “Em thích hoa mê mẩn. Ở Hà Nội đêm nằm cứ nhớ vườn hoa, mơ thấy từng cây hoa. Lần về nào em cũng tranh thủ vun gốc, xới cỏ, nhặt sâu, tỉa cành cho hoa. Hoa rất thích được tưới nước gạo, bã chè, cà phê”. Tôi vào facebook ngắm từng bông hoa em nưng niu lòng không khỏi rung động. Những cánh hồng mỏng manh - tươi tắn - đầy sức sống.
“Em mơ ước gì?”, tôi không biết mình có vô ý khi hỏi em câu đó.
Em không mơ ước gì hơn nữa. Em thấy hạnh phúc với mọi thứ đang có. Sống trong yêu thương, chăm sóc của bố mẹ, anh chị; được nhiều bạn bè yêu quý. Có một công việc nhẹ nhàng ở công ty truyền thông. Em vẫn đang luyện đàn. Em mong mình đàn thật hay những bản tình ca tươi vui để vào viện đàn cho các bệnh nhân. Bố em cũng là người yêu thích đàn hát, bố truyền cho con gái tâm hồn nghệ sĩ. Mỗi lần em về quê bố con lại ôm đàn ngẫu hứng.
Sống mãi trong nỗi buồn rồi cũng quen. Những khi cô quạnh quá em lại làm thơ, viết linh tinh. Bạn bè hỏi sao không in thành một tập thơ em bảo thơ buồn vậy ai đọc. Em viết cho vợi bớt nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn của một người phụ nữ khi đối diện với những khát khao. Nhưng rồi nỗi buồn tự nó qua đi, rất nhanh, như khi tìm đến. Em lại thấy mình là người may mắn, mình đang có cuộc sống hạnh phúc. Trong bệnh viện còn biết bao nhiêu người bất hạnh, bế tắc hơn em mà họ vẫn lạc quan và từng ngày vượt qua.
Nhiều lúc em nghĩ rằng có một đấng thiêng liêng nào đó thương cảm lòng thành của bố mẹ mà giữ em ở lại với cuộc đời. Niềm tin đó đủ mạnh để đẩy đi nỗi sợ hãi bệnh tật. Ca ghép tủy đã thành công, như lời bác sĩ nói, “rất ngoạn mục”, em đã từ cõi chết trở về hưởng những niềm vui trần thế. Em không hề đơn độc trong cuộc chiến với bệnh tật. Em được các bác sĩ, các tổ chức, bạn bè, và cả những người chưa từng biết tới đã giúp đỡ em số tiền lớn. Em thấy mình được hưởng quá nhiều ân huệ cuộc đời. Mỗi sáng thức dậy, nghe những âm thanh cuộc sống, em chỉ muốn nói mãi những lời biết ơn.
Bìa sách Như hoa hướng dương. |
Thuần không muốn nói nhiều về cuốn sách nữa - Như hoa hướng dương - “Sách đã xuất bản gần ba năm, nhiều người viết chuyện đó rồi, hơn nữa em thấy mình viết chưa được tốt lắm”. Thuần à, giá trị một cuốn sách đâu phải mới hay cũ, dày hay mỏng, mà chính là tư tưởng của người viết trong đó và ý nghĩa của nó thế nào với mỗi người đọc.
Tôi đã đọc cuốn sách của em ngay sau buổi tọa đàm. Cuốn sách chưa tới một trăm trang nhưng tôi phải ngắt quãng rất nhiều lần. Dù đã hình dung ra điều em viết nhưng ngay từ trang đầu tiên tim tôi thắt lại. Em bình tĩnh kể lại chuyện đã xảy, từ buổi chiều định mệnh ở bệnh viện Huyết học, nhưng tôi, một người đọc, không thể nào bình tĩnh được trước nỗi đau quá lớn em phải hứng chịu. Một cô học sinh trường Phan Bội Châu nhí nhảnh, xinh tươi, hăm hở bước tới giảng đường, tràn trề ước mơ. Một bệnh nhận phải gấp gáp nhập viện trong nỗi kinh hãi đến mức không thể nói được gì nữa: bệnh ung thư máu.
Ranh giới giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đối với tôi bị xóa nhòa. Tôi sống phần nhiều với quá khứ hơn là với hiện tại, tìm về hạnh phúc của quá khứ như một liều thuốc để xoa dịu những nỗi đau của hiện tại. Thời thơ ấu của tôi ngập tràn tiếng cười trên những triền đồi, bờ khe cùng lũ bạn học và lũ trẻ con trong làng.
Thuần hoàn thành cuốn sách trước khi chuẩn bị vào nhập viện để ghép tủy, năm 2012, sau 7 năm chung sống với căn bệnh, sau những chuỗi ngày đau đớn với không biết bao nhiêu lần hút tủy xét nghiệm.
Nhớ lại những kỷ niệm và viết ra, tôi không biết mình có để cho ai đó đọc nó không, nhưng tôi cứ viết. Bởi ít nhất tôi muốn mình sẽ là người đọc lại nó sau cuộc điều trị và thật hạnh phúc khi những điều không may mắn đã trải qua có thể khép lại, giống như việc đọc xong một cuốn sách. Tôi sẽ gập nó lại và chọn một cuốn sách mới.
Chiều hôm đó, trong công viên đầy nắng, với chiếc áo phông đỏ nhẹ nhàng, chuyện trò với bạn bè, tôi nhìn thấy Thuần đã bước sang cuốn sách mới. Cuốn sách như em nói, tươi sáng hơn, đậm màu sắc và thanh âm hơn. Ánh mắt, điệu cười, phong thái đó khiến cho người đối diện có cảm giác rất yên ổn về em. Bởi em biết đón nhận tất cả những gì trời đất ban tặng cho mình một cách tự nhiên nhất và cố giữ cho mình - dù không còn trọn vẹn nữa - sự tự nhiên mộc mạc của một con người xuất thân từ vùng rừng núi.