Yvette mười chín tuổi, là một cô gái trung lưu, sống trong một tòa nhà cũ kĩ cùng bà nội trăm tuổi, với một ông bố mục sư, yếu đuối, sầu thảm và mang trong mình nỗi mặc cảm với cuộc đời vì sự ra đi của vợ. Góp mặt trong không khí sầu thảm, cũ kĩ ấy là một ông chú già, một cô người người hầu xanh xao, lúc nào cũng căm phẫn cuộc đời, là những bữa ăn lặng lẽ, những đồ vật hỏng hóc, cũ mòn... Mọi thứ trong căn nhà đều sộc lên một mùi khí u uẩn và chán ngán.
Yvette và Lucille đi học từ Thụy Sĩ về, và không thể nào chịu đựng được không khí già nua xung quanh. Nhưng Lucille đã biết cách sắp xếp cuộc sống của mình, trong khi Yvette vẫn lang thang triền miên trong những suy nghĩ, nửa chán chường, nửa nổi loạn, nửa lạnh nhạt, nửa mê dại, dường như không hề hòa hợp với khung cảnh buồn chán nơi nàng đang sống. Và cuộc gặp gỡ tình cờ với chàng du mục ấy chính là nguồn cơn thúc đẩy những cơn xúc cảm, đánh thức bản năng đam mê của nàng, khiến nàng chạm được vào khao khát thực sự.
Tác phẩm Cô gái đồng trinh và chàng du tử
của D.H. Lawrence. |
Trong suốt hai phần ba cuốn sách, Lawrence viết bằng một giọng văn gợi cảm chậm chạp. Ngôn từ vừa rất hoa mỹ, đầy những ẩn ý về sự khao khát và đam mê, nhưng rõ ràng nó vẫn ẩn chứa sự kìm nén. Người đọc đi lại trong không gian của cuốn sách đều cảm thấy một mối lặng câm ngột ngạt, nặng nề, treo lơ lửng trên đầu, cứ lơ lửng ấy, chờ đợi một cú bứt phá để mọi thứ nổ tung, và quay trở về bản thể thực sự của con người.
Cơn lũ đột ngột ập đến ở phần cuối cùng của câu chuyện, khiến Trưởng Mẫu chết, và căn nhà cũ kĩ sụp đổ. Và trong cơn lũ ấy, cô gái đồng trinh cùng chàng du mục đã được nằm cạnh nhau, trên một chiếc giường. Họ đợi để sống.
Giữa cơn phập phồng cảm động ấy, Yvette đã ngủ thiếp đi, trong vòng tay rắn chắt của chàng du mục. Nàng ngủ cho đến khi người ta tìm thấy nàng, và chàng du mục đã đi rồi. Chỉ cho đến lúc ấy, cảm xúc của nàng mới trở nên mãnh liệt hơn bao giờ ấy. Nàng nhận ra rằng, nàng đã yêu chàng du mục. Đó cũng chính là lúc mỏi mệt treo lơ lửng trên đầu chúng ta được phá bỏ. Cái quá khứ níu kéo, kìm kẹp chúng ta trong những cơn co giật của khao khát bức phá cuối cùng đã sụp đổ. Cái chết của người Trưởng Mẫu lừng lững, cùng sự sụp đổ của tòa nhà, đã thực sự khép lại một thời quá khứ đầy sầu não, uể oải và mỏi mòn.
Sự sống dai dẳng của một người già trăm tuổi, trong một căn nhà già cỗi chính là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với độc giả của cuốn sách. Những cơn buồn nôn ập đến khiến ta ghê sợ. Nếu ai đã từng đọc Nàng Aura của Carlos Fuentes, hay Hoa hồng cho Emily của William Faulkner, hẳn cũng sẽ không thể quên được cái mùi chết chóc sộc lên trong những căn nhà buồn bã, chật hẹp và lưu cữu quá khứ như thế. Căn nhà bên trong toàn mục sở, “trông xấu xí, có phần nhớp nhúa, với không khí ẩm ướt kiểu trung lưu, một vẻ tiện nghi đang trên đà thoái hóa không còn chất tiện nghi mà đã trở nên ngột ngạt, bẩn thỉu”. Đó không chỉ là sự tồi tàn, ảm đạm, già nua của một ngôi nhà, nó là sự lưu cữu, cố chấp của cả một nền văn minh xưa cũ, nơi mà mọi bản năng, đam mê của con người đều bị kìm kẹp xóa bỏ.
Cái văn minh cũ kĩ ấy cũng biểu hiện trong chính cái cách các nhân vật trong Cô gái đồng trinh và chàng du tử, đối xử với người mẹ đã bỏ đi theo tiếng gọi của một tình yêu ngoài lề xã hội của Yvette, hay với cặp tình nhân người thiếu phụ Do Thái. Đó là minh chứng cho những rào cản, luân lý xã hội mà Yvette, đến cuối cùng của câu chuyện, là người kháng cự lại mạnh mẽ nhất. Và chàng du mục, là kẻ tự do, giữa đất trở đã mở lối cho nàng, đem đến sinh khí mới mẻ cho câu chuyện.
Nhà văn người Anh H.D. Lawrence. |
Trong khi hầu hết các tiểu thuyết của Lawrence bị cấm xuất bản một thời gian rất dài, như Con trai và tình nhân, Người tình của phu nhân Chatterley, hay Người đàn bà đang yêu..., thì Cô gái đồng trinh và chàng du tử là một cuốn sách may mắn đã được xuất bản sau khi tác giả qua đời. Mặc dù vẫn mang đậm bản sắc văn chương đầy nhục cảm, đầy khiêu gợi của Lawrence, nhưng sự lơ lửng, miên man và ý nhị trong cách thể hiện, đã khiến cuốn sách được độc giả dễ đến gần, dễ chấp nhận hơn. Dĩ nhiên, Cô gái đồng trinh và chàng du tử vẫn là một cuốn sách đẹp đẽ và mãnh liệt, ca ngợi bản năng, khao khát và tự do.
Khi qua đời, dù phần đông dư luận vẫn xem Lawrence là một người viết truyện khiêu dâm, thì E.M.Forster, trong bản cáo phó khi ấy đã lên tiếng thách thức dư luận và gọi ông là “tiểu thuyết gia sáng tạo bậc nhất trong thời đại chúng ta”; Sau đó nhà phê bình có sức ảnh hưởng lớn tại Đại học Cambridge là F. R. Leavis đã nghiên cứu các tác phẩm của Lawrence, và đặt những tiểu thuyết của ông nằm trong số những tác phẩm truyền thống kinh điển của tiểu thuyết Anh, minh chứng cho tài năng và sáng tạo của Lawrence.