Ở tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những thành phố bị tàn phá nặng nề nhất trong trận động đất thảm khốc gần đây, Alev Altun - một phụ nữ 25 tuổi - mẹ của 2 đứa trẻ - trở thành người vô gia cư chỉ sau một đêm, giống hàng nghìn người khác.
Không còn nơi nào để đi, cô nhận lời đến nhà chồng cũ ở tạm. Altun nghĩ rằng dù sao ở với cha của các con cô sẽ an toàn hơn là ở một mình trong lều tạm hay trong một tòa nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, cô bị chồng cũ trút nước sôi lên người khi đang ngủ. Anh ta hét lên rằng cô nên biết ơn vì vẫn còn mạng sống, theo Guardian.
Altun vẫn đang phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện địa phương với những vết bỏng nặng ở đầu, mặt và cơ thể. Bi kịch của người mẹ trẻ ở Hatay này là một trong nhiều câu chuyện đau lòng của phụ nữ và trẻ em gái trong các khu vực khủng hoảng.
Sống trong cực hình
Phụ nữ chịu thiệt hại hơn cả sau hậu quả của thiên tai. Trong khi hàng chục nghìn người mất nhà cửa và việc làm, phụ nữ vẫn tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ trong những chiếc lều và container tạm thời được dựng lên cho những người sống sót đã mất tất cả. Họ xoay xở tìm kiếm thức ăn hoặc cố gắng nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp ở những nơi vẫn còn nước sinh hoạt, để chăm sóc người xung quanh.
Những phụ nữ bên đống đổ nát ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/2. Ảnh: Reuters. |
Trong các xã hội gia trưởng truyền thống, toàn bộ gánh nặng chăm sóc gia đình lớn đều đè lên vai phụ nữ. Theo các tổ chức tại khu vực, hàng loạt phụ nữ được tìm thấy đã chết - một số trường hợp còn sống - được đưa ra khỏi đống đổ nát từ phòng trẻ em bị chôn vùi trong trận động đất. Khi những cơn chấn động bắt đầu, những người phụ nữ này đã chạy tới đó để cứu con. Unicef cho biết số trẻ em thiệt mạng trong trận động đất “có thể lên tới hàng nghìn”.
Ước tính 356.000 phụ nữ mang thai trên khắp các khu vực bị ảnh hưởng trong trận động đất. Trong số này, khoảng 39.000 người dự kiến sinh con trong những tuần tới. Đối với mọi phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai, việc thiếu nhà vệ sinh và các thiết bị vệ sinh không khác gì cực hình.
"Ông ấy đã dùng một từ mà tôi không bao giờ quên - ayip"
“Lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã nhiều lần bị dạy dỗ phải im lặng và xấu hổ về cơ thể phụ nữ, đặc biệt là kinh nguyệt. Cho đến ngày nay, một trong những định nghĩa phổ biến của từ "dơ bẩn" (kirli) trong từ điển tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là ‘một phụ nữ đang có kinh nguyệt’. Khi còn nhỏ, thường mỗi khi tôi mua một sản phẩm vệ sinh ở chợ, người thu ngân ngay lập tức bọc nó trong tờ báo cũ, giấu đi như thể đó là một cái gì đó xấu xa”, Elif Shafak - nhà văn kiêm nhà khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ - chia sẻ với Guardian.
“Một lần, ở Istanbul, tôi đã bị một người đàn ông bán tạp hóa mắng mỏ khi hỏi lớn trước mặt mọi người về băng vệ sinh. Ông ấy đã dùng một từ mà tôi không bao giờ quên - ayip - nghĩa là xấu hổ”, bà chia sẻ thêm.
Trong nền văn hóa phân biệt giới tính này, những phụ nữ sống sót sau trận động đất rất khó để mở lời về nhu cầu băng vệ sinh. Nếu ai đó cho rằng nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn về sự tàn phá và hủy diệt của trận động đất thảm khốc, những vấn đề như “chiếc băng vệ sinh” chỉ là một mối quan tâm tầm thường, thì họ đã hoàn toàn sai lầm.
Action Aid cho biết tình cảnh của phụ nữ và trẻ em gái và các cộng đồng bị thiệt thòi “ngày càng trở nên đáng báo động”.
Trong thời kỳ xung đột và thảm họa, các quyền và sự tự do của phụ nữ cùng các nhóm thiểu số luôn bị hy sinh trước “các vấn đề cấp bách và quan trọng hơn” của chính sách thực dụng.
Tổ chức nhân đạo Plan International cho hay: “Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, phụ nữ và những gia đình nghèo nhất, có nguy cơ bị bóc lột cao nhất trong thảm họa như động đất. Phụ nữ và trẻ em trong vùng thảm họa sẽ có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng nếu họ một lần nữa phải di tản”.
Người phụ nữ chờ đợi con trai được giải cứu khỏi một tòa nhà bị sập ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/2. Ảnh: Reuters/Sertac Kayar. |
Cộng đồng LGBTQ+ cũng đối mặt với tình cảnh khó khăn tương tự. Quấy rối và bạo lực tình dục là mối đe dọa ngày càng tăng đối với nhiều người vẫn dễ bị tổn thương trong môi trường kỳ thị đồng tính và chuyển giới.
Báo cáo từ các tổ chức nhân quyền cũng cho thấy phụ nữ độc thân cũng gặp khó khăn hơn trong việc tìm lều trú tạm hoặc tiếp cận viện trợ. Những lời thù ghét luôn hiển hiện.
Xung đột, thiên tai và động đất cũng làm gián đoạn giáo dục. Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, các bé gái có nhiều khả năng bị đuổi học hơn. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất châu Âu. Tuy nhiên, thay vì giúp đỡ phụ nữ và người thiểu số bằng cách thực hiện công ước Istanbul - hiệp ước được thiết kế để chống bạo lực đối với phụ nữ - chính phủ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã làm điều ngược lại, rút khỏi công ước và nhắm mục tiêu vào cả các nhà hoạt động vì nữ quyền và LGBTQ+. Ông Erdoğan đã nhiều lần nói rằng phụ nữ không thể bình đẳng với nam giới và bình đẳng giới là "đi ngược lại tự nhiên".
Thời kỳ khủng hoảng phơi bày cả điều tốt nhất và điều tồi tệ nhất trong nhân loại. Mặc dù chúng ta đã chứng kiến sự giúp đỡ và hỗ trợ vô cùng cảm động trong cộng đồng sau động đất thảm khốc, vẫn nổi lên những vấn đề như tham nhũng, trốn tránh trách nhiệm, trộm cắp…
Một điều đáng buồn nữa là luận điệu chống người tị nạn cũng nở rộ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc khủng hoảng này. Ở Mersin, những người Syria ở trong ký túc xá đã bị đuổi ra ngoài, với lý lẽ lạnh lùng là họ phải nhường chỗ cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Người tị nạn bị đẩy lên xe buýt và vứt bỏ trên đường phố. Ngay cả những người đang cố gắng giúp đỡ trong nỗ lực cứu hộ cũng bị hành hung ở một số nơi.
Trong khi đó, ở phía bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Iran, nhiều nữ sinh đang bị đầu độc. Tại ít nhất 26 trường tiểu học và trung học, hơn 1.000 nữ sinh được cho là mục tiêu của các vụ tấn công bằng khí hóa học. Sự việc xảy ra trong bối cảnh phụ nữ và trẻ em gái đã và đang là tiếng nói hàng đầu trong việc đòi thay đổi xã hội, đòi bình đẳng và tự do tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Chúng ta thường nghe nói rằng thế giới đang chịu nhiều cuộc khủng hoảng và do đó các nỗ lực cứu trợ và viện trợ không thể duy trì quá lâu ở một nơi. Tuy nhiên, có thể nhìn nó từ một góc độ khác. Cho dù ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Afghanistan, Iran… khi chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, phụ nữ và trẻ em gái cũng như các nhóm thiểu số trên khắp thế giới đang phải chịu đựng và đấu tranh giữa những bất công.
Các nỗ lực cứu trợ dựa trên giới tính là rất cần thiết để tái xây dựng các xã hội tốt hơn và công bằng hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi phụ nữ được hỗ trợ tài chính và tâm lý, họ chủ yếu sử dụng đòn bẩy này cho gia đình, con cái và cộng đồng. Sự đoàn kết toàn cầu, và đặc biệt là phụ nữ toàn cầu đang cấp bách hơn bao giờ hết.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.