Vài ngày sau trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan tuyên bố sẽ xây dựng lại vùng thảm họa phía nam trong vòng một năm.
"Chúng tôi sẽ xây dựng lại những tòa nhà này trong vòng một năm và trao lại cho người dân", ông nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định chính phủ sẽ trang trải tiền thuê nhà cho những người rời khỏi các thành phố bị động đất tàn phá.
Các nhà chức trách cho biết trong tổng số 2,5 triệu công trình trên toàn khu vực, hơn 380.000 căn hộ thuộc 105.794 tòa nhà cần được phá dỡ khẩn cấp hoặc đã bị sập.
Thế nhưng, các chuyên gia tin rằng Tổng thống Erdogan sẽ phải làm nhiều hơn thế. Ông sẽ cần cẩn thận hơn trong việc thực thi những tiêu chuẩn an toàn địa chấn và xây dựng lại những công trình chắc chắn hơn tại khu vực nằm giữa một trong 3 đường đứt gãy cắt ngang Thổ Nhĩ Kỳ.
"Không chỉ cần thay thế các tòa nhà bị phá hủy mà còn phải quy hoạch lại các thành phố dựa trên dữ liệu khoa học, chẳng hạn không xây dựng trên đường đứt gãy. Chúng ta cần rút ra bài học từ những sai lầm trong quá khứ", Esin Koymen, cựu giám đốc Phòng Kiến trúc Istanbul, cho biết.
"Ưu tiên hàng đầu là quy hoạch mới, không phải tòa nhà mới", bà nhấn mạnh.
Quá ít thời gian để sửa chữa sai lầm
Các trận động đất vào ngày 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến hơn một triệu người mất nhà cửa.
Các chuyên gia cho biết thảm họa cho thấy sự yếu kém của cơ sở hạ tầng Thổ Nhĩ Kỳ, khi chúng tàn phá những tòa nhà hiện đại và cổ kính, bao gồm bệnh viện, nhà thờ, thánh đường Hồi giáo và trường học.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Tayyip Erdogan thông báo sẽ xây dựng lại 200.000 công trình ở 11 tỉnh hứng chịu động đất vào tháng 3, Al Jazeera đưa tin.
Tuy nhiên, một số người lo lắng khung thời gian đầy tham vọng mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra không đủ để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ.
"Khi họ nói 'chúng tôi bắt đầu xây dựng trong tháng tới, hoàn thành trong một năm', mà không có công tác quy hoạch thành phố, thẳng thắn mà nói, điều này có nghĩa là thảm họa mà chúng tôi trải qua không được chú ý", Nusret Suna, phó giám đốc Phòng Kỹ sư Xây dựng, nói.
"Phải mất nhiều tháng để lập kế hoạch quy hoạch thành phố... thật sai lầm nếu bỏ qua giai đoạn đó", ông Suna cho biết.
Bộ trưởng Đô thị hóa Murat Kurum tuần trước thông báo chính phủ sẽ xem xét các cuộc khảo sát địa chất chi tiết trong kế hoạch tái thiết thành phố, đồng thời các cuộc đấu thầu sẽ được tổ chức.
Những con số lớn
Trong báo cáo gần đây, Ngân hàng Mỹ JPMorgan cho hay chi phí xây dựng lại nhà ở, đường dây truyền tải và cơ sở hạ tầng ở Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng 25 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP.
Một báo cáo khác từ hiệp hội doanh nghiệp Turkonfed ước tính thiệt hại về nhà ở là 70,8 tỷ USD.
Các nhà phân tích nhận định chi phí có thể vượt qua ước tính ban đầu.
Trong hơn 20 năm cầm quyền, ông Erdogan đã sử dụng các dự án bất động sản lớn để thể hiện sự thịnh vượng đang lên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các khu chung cư mới từng là hình ảnh tượng trưng cho sự dịch chuyển xã hội ở nước này khi tầng lớp trung lưu mở rộng, theo Wall Street Journal.
Các công trình công cộng và tư nhân cũng thúc đẩy việc làm cùng nguồn cung nhà ở mới, đồng thời giúp tăng tỷ lệ tín nhiệm trong cuộc thăm dò dư luận với ông Erdogan.
Tuy nhiên, thảm họa gần đây đặt ra thách thức chính trị lớn.
Trận động đất hủy diệt ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2 khiến hơn 46.000 người thiệt mạng tính đến ngày 20/2 và con số chưa dừng lại. Lúc này, câu hỏi ai chịu trách nhiệm cho thảm họa đang đè nặng lên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù chưa có dữ liệu chính xác về hơn 20 triệu tòa nhà trong nước, cựu Bộ trưởng Đô thị hóa Mehmet Ozhaseki khi nhậm chức vào giữa năm 2018 cho biết "có lẽ hơn 50% tổng số tòa nhà" vi phạm quy định về nhà ở.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ điều tra bất cứ ai bị nghi ngờ phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của các tòa nhà. Hơn 230 chủ xây dựng, kiến trúc sư và kỹ sư đang phải đối mặt với thủ tục pháp lý.
Các chính trị gia đối lập cũng cáo buộc chính quyền ông Erdogan không thực thi nghiêm quy định về xây dựng. Họ cho rằng chính phủ đã chi tiêu sai những khoản thuế đặc biệt, thu được sau trận động đất lớn vào năm 1999, để giúp các tòa nhà có khả năng chống chịu động đất tốt hơn.
Tổng thống Erdogan đã nhiều lần bác bỏ và gọi đó là những lời dối trá của phe đối lập nhằm cản trở đầu tư.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.
Thêm hai trận động đất liên tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ
Hai trận động đất mạnh 6,4 và 5,8 độ đã xảy ra tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 20/2, khiến 3 người chết và hơn 200 người bị thương.
Liên tục có động đất, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn trung thành với 'ân xá xây dựng'
Chính sách giúp các nhà thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ "lách luật" đã thành đề tài tranh cãi khi các công trình không đạt chuẩn an toàn phần nào khiến thương vong sau động đất vượt kỷ lục.
Israel đình chỉ các chuyến bay đến cảng hàng không Cộng hòa Cyprus
Theo truyền thông Israel, cơ quan an ninh nước này đã ra lệnh đình chỉ các chuyến bay đến sân bay Paphos, một trong hai cảng hàng không của Cyprus từ đêm 26/1 (giờ địa phương).