Genre: Hài hước, Tâm lý
Director: Vũ Ngọc Đãng
Cast: Uyển Ân, Lê Giang, Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Hồng Vân, Samuel An...
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Tú Lạc, một cô gái trẻ đẹp, lớn lên trong gia đình tại xóm lao động bình dân. Ba cô bán đồ vàng mã, anh trai lêu bêu trộm cắp vặt, còn mẹ đi làm giúp việc cho một gia đình khá giả.
“Nghèo không phải cái tội. Nhưng nghèo tới hai, ba đời thì phải xem xét lại”. Nghĩ là làm, Tú Lạc tìm cách đổi đời. Kế hoạch thoát nghèo của cô gái trẻ là tiếp cận thiếu gia Bảo Hoàng, CEO của một tập đoàn y tế nổi tiếng.
Thế nhưng, bước chân vào cuộc sống thượng lưu đâu dễ. Tú Lạc phải tìm cách vượt qua cửa ải lớn nhất: mẹ của Bảo Hoàng - bà Phượng - người luôn đặt nặng chuyện môn đăng hộ đối, với những đòi hỏi khắt khe về gia thế con dâu.
Không hề đạo nhái nhưng góc nhìn thiếu chiều sâu
Cô dâu hào môn do Will Vũ sản xuất, Vũ Ngọc Đãng ngồi trên ghế đạo diễn. Nhà sản xuất tiết lộ nảy ra ý tưởng làm phim về góc khuất làm dâu nhà giàu sau khi tham dự hôn lễ của một người bạn. Về concept những kẻ sống “phông bạt”, Vũ Ngọc Đãng cho rằng: “Một cô gái phông bạt thì không xa lạ với khán giả. Nhưng cả một gia đình chọn sống phông bạt thì hoàn toàn mới”.
Thực tế, câu chuyện này không mới. Parasite - phim tâm lý/hài đen đình đám một thời của Hàn Quốc từng mang về 4 tượng vàng Oscar, có concept tương tự. Cũng bởi vậy mà từ trước khi khởi chiếu, nhiều khán giả đã đặt phim của Vũ Ngọc Đãng lên bàn cân với đứa con tinh thần của Bong Joon Ho.
Hay trước Parasite, không ít tác phẩm quốc tế cũng sở hữu ý tưởng tiền đề tương tự, từ Focus, Leverage, Logline cho tới Maid in Manhattan...
Cô dâu hào môn ra rạp vào thời điểm thuận lợi. |
Nói như vậy không có nghĩa rằng Cô dâu hào môn vay mượn ý tưởng. Bởi chủ đề này, dưới bàn tay nhào nặn của mỗi nhà làm phim, lại hiện lên với những đường nét khác nhau. Trong phim Vũ Ngọc Đãng, nam đạo diễn lựa chọn kể lại câu chuyện theo sắc màu hài hước. Nửa già thời lượng phim liên tục đan cài tình huống chọc cười khán giả. Mảng miếng hài chủ yếu xây dựng từ những tình tiết “ô dề”, qua sự ngốc nghếch của tuyến nhân vật. Bước tới hồi kết, phim chuyển dần sang thể loại tâm lý.
Song, được đặt ở trung tâm Cô dâu hào môn vẫn là mâu thuẫn giữa hai tầng lớp xã hội. Các gia đình nghèo liên tục bị đẩy vào tình thế lưỡng nan, để rồi dù cố gắng che đậy, “phông bạt” kỹ càng vẫn phải bộc lộ bản chất. Trong khi, giới nhà giàu tỏ ra trịch thượng, bề trên một cách kệch cỡm và luôn coi thường, khinh miệt người nghèo.
Dẫu vậy, tái hiện những phân hóa giai cấp của đạo diễn lại chưa thực sự sâu sắc, chỉ mới dừng lại ở bề mặt. Sự đối địch giữa hai tầng lớp thể hiện qua nhiều gia vị bị nêm nếm quá tay, từ phục trang, bối cảnh cho tới tình huống đều tạo cảm giác có phần kỳ quặc, khiên cưỡng.
Bà Phượng, đại diện tầng lớp thượng lưu, mỗi lần mở miệng chỉ nói về tiền hay sự giàu có. Với nhân vật, “tiền là lá bùa hộ mạng”. Bà Phượng sẵn sàng miệt thị thẳng mặt người yêu của con trai, biết cô vừa tắm đã yêu cầu “thay nước, chà hồ”. Bà Kỳ cùng con gái còn kệch cỡm, thô lỗ hơn, từ lối ăn mặc, phong cách sống cho tới đối đáp với người ở, điển hình là việc bắt cô giúp việc phải móc phân cho thú cưng.
Nếu người giàu xấu tính và lố bịch, thì người nghèo trong Cô dâu hào môn hiện lên cũng chẳng tốt đẹp là bao. Bà Mạt lấy phân chó bôi lên chùm nho “tiền triệu” của bà Kỳ, trộm đồ hiệu từ nhà chủ về làm của riêng... Những người lao động nghèo, thay vì bảo bọc nhau, lại chìm trong đố kỵ, giành giật và đấu đá. Phụ nữ vì đàn ông mà bất chấp đánh ghen, mạt sát, thóa mạ nhau bằng ngôn từ không thể xấu xí và tục tĩu hơn.
Nhiều tình tiết phim bị làm lố. |
Vì vậy mà bức tranh Cô dâu hào môn tạo cảm giác tiêu cực, phiến diện thái quá. Hiếm có bất kỳ tia sáng hay sự tử tế, ấm áp nhỏ nhoi nào hiện lên khi nửa già thời lượng phim trôi qua.
Sự ngột ngạt này một phần được giải tỏa bằng những tiếng cười. Song, điều tiếc nuối nhất với tác phẩm là chưa thể tận dụng chất liệu sẵn có để tạo ra những châm biếm sâu cay về xã hội.
Kịch bản còn nhiều khiên cưỡng
Chuyện phim Cô dâu hào môn phát triển thiếu tự nhiên, một phần tới từ những khiên cưỡng trong kịch bản.
Ý tưởng biên kịch xoay quanh việc gia đình nữ chính Tú Lạc vì hoàn cảnh xô đẩy mà túng quá hóa liều, bất chấp tự trọng mà lập ra kế hoạch lừa đảo. Song, những tái hiện về cuộc sống nhân vật lại chưa thực sự thuyết phục. Gia đình Tú Lạc không nghèo khổ tới cùng quẫn, vẫn đủ ăn đủ mặc, công việc ổn định ngoại trừ người con cả lêu bêu. Họ sống trong căn hộ tập thể, người ba có tiền tiết kiệm, trong khi mẹ cũng có công việc.
Vì lẽ đó, ước mơ “đổi đời” của Tú Lạc đơn thuần xuất phát từ sự ích kỷ, tham lam, chưa thể làm người xem đồng cảm.
Điều tương tự xảy ra với gia đình Bảo Hoàng. Mẹ anh khắt khe tới cực đoan, đặt tiền lên trên mọi thứ. Việc tìm con dâu với bà Phượng không vì hạnh phúc của con trai, mà nhằm mục đích “nhân đôi khối tài sản”. Hành động, tính cách của nhân vật thiếu sự đồng nhất. Bà Phượng giàu ba đời, luôn coi thường người nghèo và “new rich”, nhưng xử sự như trưởng giả học làm sang.
Việc biên kịch tạo cho nhân vật một quá khứ đẫm nước mắt cũng không lấy lại mấy thiện cảm. Cái chết oan nghiệt của chồng khiến bà Phượng hận thù, căm ghét người nghèo. Nhưng điều đó đâu nhất thiết phải thể hiện bằng lời thoại kể lể, khi để nhân vật không ngừng trì triết người nghèo dơ bẩn, hèn hạ? Trong khi bà, một người tỏ ra thâm sâu, lại dễ dàng để lộ sơ hở, bị đối thủ “nắm thóp”.
Dàn cast thể hiện tròn vai. Kiều Minh Tuấn tỏa sáng. |
Các chiêu trò lừa đảo trong Cô dâu hào môn cũng ngớ ngẩn và đầy tính sắp đặt. Người nghèo qua mặt người giàu chỉ bằng vài ba mánh khóe vặt vãnh, trẻ con. Các nhân vật suy nghĩ và đưa ra quyết định vô cùng đơn giản, dễ dàng tin tưởng vào điều người khác nói.
Sự khiên cưỡng còn lộ rõ trong cách biên kịch “vẽ đường thoát” cho nhân vật khi gặp thế bí. Trong cuộc chiến giàu - nghèo, mỗi rắc rối ập đến lại vội vã được giải quyết qua một cú twist. Bà Mạt dùng bí mật vườn cần sa khống chế nhà bà Kỳ, bà Kỳ hợp tác với bà Phượng “bóc mẽ” nhà bà Mạt, ba Tú Lạc lợi dụng cơ hội để trả thù nhà bà Phượng... Mọi chi tiết trong kế hoạch gả Tú Lạc vào làm dâu hào môn đều tỏ ra ngẫu hứng.
Để rồi cuối cùng, khi mọi thứ đổ bể, ai cũng có câu chuyện muốn kể, ai cũng có quá khứ cần cảm thông. Phim lúc này sa đà vào câu nước mắt. Chuyển biến tâm lý của nhân vật cũng vì vậy mà có phần vội vàng.
Giá như hành trình thay đổi của nhân vật được xây đắp kỹ càng, sự tươi sáng trong cái kết Cô dâu hào môn có lẽ đã kịp để lại ấn tượng chân thật hơn.
Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.