Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 48/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù cho TP.HCM, trong đó có một số chính sách được coi là "đèn xanh" ưu tiên như bội chi nhân sách, đổi đất lấy hạ tầng hay mức thưởng vượt thu.
Trao đổi với Zing.vn, GS Nguyễn Thị Cành (Đại học Kinh tế - Luật) cho rằng những cơ chế này mang lại nhiều hi vọng đột phá nhưng với những ràng buộc của nó, tiến trình thực hiện có thể không như kỳ vọng.
TP.HCM sẽ có thể "đổi đất lấy hạ tầng" nhằm phát triển các công trình trọng điểm về giao thông, môi trường. Ảnh: Max Hồ. |
Bật "đèn xanh" nhưng cũng chỉ giới hạn!
- Giáo sư đánh giá như thế nào về những tác động của các chính sách từ Nghị định 48 đối với sự phát triển của TP.HCM?
Các quy định của Nghị định 48/NĐ-CP, theo tôi có những điểm tích cực nhằm thực hiện một số mục tiêu mang tính đột phá của TP.HCM về phát triển cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị.
Theo đó, các dự án lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi của TP.HCM sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khi những dự án này vượt khả năng ngân sách hạn hẹp hiện nay của TP.
Điểm nổi bật nữa là TP.HCM được sử dụng quỹ đất thuộc TP quản lý để phát triển hạ tầng thông qua việc tạm ứng tiền từ nguồn ngân sách TP hoặc từ nguồn vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và sau đó lấy tiền đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn vay. Hình thức giống như cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”.
Ngoài ra, các quy định cho phép TP.HCM được vay lại vốn ODA, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cho các dự án hạ tầng, cũng như TP.HCM được tạm ứng từ quỹ dự trữ thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng….
Ngân sách bị cắt giảm, khống chế dư nợ vay, TP.HCM sẽ khó có nguồn lực để phát triển theo mục tiêu chiến lược.
GS Nguyễn Thị Cành
Như đã biết, TP.HCM là đô thị lớn, đang thực hiện chiến lược phát triển TP theo hướng văn minh, hiện đại và thực hiện các chương trình phát triển đô thị bền vững, chương trình đột phá. Tăng nguồn và cơ chế tự chủ tài chính là góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của TP.HCM.
Mặt khác, đầu tư cho TP.HCM sẽ có tác động lôi kéo cả vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cùng phát triển. Hiện nay, các tỉnh xung quanh vẫn còn sử dụng các dịch vụ của TP.HCM (cơ sở hạ tầng, bệnh viện, giáo dục, giao thông, sân bay, bến cảng….). Tăng đầu tư cho TP.HCM sẽ có tác động phát triển kinh tế thành phố, nuôi dưỡng nguồn thu trên 30% ngân sách quốc gia và ảnh hưởng đến phát triển cả vùng Kinh tế động lực phía Nam.
Tuy nhiên, những ưu đãi về vốn này cũng có giới hạn. Vì TP muốn được hỗ trợ hoặc vay các nguồn vốn cho các dự án cũng phải trình xin ý kiến một số bộ ngành Trung ương và Chính phủ, đồng thời dư nợ vay bị khống chế không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương.
- TP.HCM cũng được phép bội chi ngân sách hay cơ chế thưởng nếu vượt thu ngân sách. Theo tính toán của GS, những chính sách này có ảnh hưởng như thế nào đến cán cân ngân sách của TP.HCM?
Theo cơ chế phân bổ ngân sách hiện hành, ngân sách thành phố được hưởng một tỷ lệ trên tổng giá trị thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM đã giảm dần qua từng thời kỳ, trước đó giai đoạn 2001 – 2006 thành phố được hưởng tỷ lệ là 29%, giai đoạn 2007 – 2010 được hưởng 26% và sang giai đoạn 2011 – 2016 giảm xuống 23%, năm 2017 giảm còn 18%.
TP.HCM có quy mô dân số lớn, có nhiều chương trình dự án đang dở dang, do vậy ngân sách phân bổ từ Trung ương giảm dần sẽ gây rất nhiều khó khăn, áp lực lớn cho TP.HCM. Việc được hưởng một số cơ chế đặc thù của Nghị định 48 chỉ giải quyết cho một số dự án và bị khống chế bởi dư nợ vay của TP.HCM.
Cắt giảm ngân sách sẽ khiến TP.HCM gặp khó trong việc giải bài toán hạ tầng đô thị. Ảnh: Lê Quân. |
Theo điều 5 của nghị định thì mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Ngân sách bị cắt giảm, khống chế dư nợ vay, TP.HCM sẽ khó có nguồn lực để phát triển theo mục tiêu chiến lược.
Về cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho TP từ số tăng thu ngân sách, theo điều 6, nếu thành phố tăng thu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, ngân sách thành phố được thưởng 30% số tăng thu này và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương so với thực hiện thu năm trước. Theo tôi mức thưởng này là không có gì khác so với cơ chế hiện hành mà TP được hưởng (theo nghị định 124 năm 2004 và nghị định 61 năm 2014), thậm chí còn thấp hơn so với mức thưởng cũ do quy định giới hạn phạm vi khoản thu vượt mức.
Chính sách đặc thù sao phải "xin phép" bộ, ngành?
- Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ TP.HCM trong việc sử dụng vốn ODA để xây dựng các công trình trọng điểm liên quan đến giao thông, môi trường. Đó hẳn là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ đã không giải ngân đủ vốn ODA cho TP.HCM thực hiện tuyến metro số 1 Bến Thành Suối Tiên khiến nhà thầu gần đây “gay gắt” đòi nợ. Vậy, theo đánh giá của bà, hai câu chuyện này nói lên điều gì?
Nghị định 48 có quy định rõ Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi cho TP.HCM để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, môi trường và chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn.
Việc bố trí vốn đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn TP được thực hiện theo nguyên tắc: Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP, Chính phủ cho TP vay lại hoặc cấp phát một phần theo quy định của pháp luật.
TP có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng từ ngân sách TP để thực hiện và hoàn trả gốc, lãi phần vay lại đầy đủ, đúng hạn theo quy định của pháp luật; đối với các doanh nghiệp thuộc TP quản lý được vay lại để đầu tư chương trình, dự án có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ vốn vay.
GS Nguyễn Thị Cành hiện giảng dạy tại ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Các doanh nghiệp thuộc TP quản lý phải hoàn trả gốc, lãi vay theo đúng thời hạn quy định. Mức bố trí cụ thể về vốn ODA hoặc các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thực hiện các chương trình, dự án cho TP.HCM theo quy định, trên cơ sở đề nghị của TP, ý kiến của Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Chính phủ cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
Nghị định cũng nêu rõ UBND TP được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho TP không phụ thuộc vào quy mô viện trợ; riêng đối với các khoản viện trợ có liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Như vậy, theo quy định này thì Chính phủ ưu tiên cho vay lại các nguồn vốn ODA, và nguồn vốn ưu đãi khác cho TP.HCM để đầu tư vào dự án hạ tầng như giao thông. Quy trình vay vẫn phải theo thủ tục hiện hành là phải có ý kiến của Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Chính phủ cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
Khoản vay cũng bị khống chế tiếp về quy mô cùng với thủ tục rườm rà hiện nay, chắc chắc khi thực hiện không như kỳ vọng!
GS Nguyễn Thị Cành
Trường hợp dự án metro số 1 Bến Thành Suối Tiên cũng phải theo quy trình trên. Tuy nhiên, quá trình giải ngân có thể vướng mắc về mặt kỹ thuật, thủ tục nào đó, phải xem cụ thể nguyên nhân mới trả lời chính xác. Theo tôi, các quy định hiện hành vẫn thông qua nhiều đầu mối nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án!
- Theo Giáo sư, đâu là những vướng mắc nếu những chính sách ưu đãi này được đưa vào thực thi?
Các chính sách ưu đãi theo Nghị định 48 tăng thêm được một số mặt tích cực về cam kết đảm bảo nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng của TP.HCM. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn các ràng buộc như phải trình, xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan.
Khi thực hiện theo quy trình phải xin ý kiến bộ này, bộ kia chắc chắn không thể nhanh được như quyền tự quyết hoàn toàn. Mặt khác, khi TP.HCM được quyền vay vốn để phát triển hạ tầng đô thị, nhưng các khoản vay cũng bị hạn chế.
Cụ thể, dư nợ vay bị khống chế không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương. Trong khi ngân sách địa phương bị cắt giảm với tỷ lệ còn 18% nguồn thu trên địa bàn. Vậy khoản vay cũng bị khống chế tiếp về quy mô cùng với thủ tục rườm rà hiện nay, chắc chắc khi thực hiện không như kỳ vọng!