|
Sau bài viết khi TS Huỳnh Thế Du Phải gỡ vòng kim cô cho TP HCM , GS. TS Nguyễn Thị Cành, ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM) đã nhắn trên Facebook TS Du trao đổi thêm về chiến lược phát triển TP HCM. GS. TS Nguyễn Thị Cành, trước đây làm việc ở Viện Kinh tế TP HCM, là người tham gia các nhóm nghiên cứu phát triển TP HCM từ thời ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải còn làm lãnh đạo TP HCM. Zing.vn đã gặp lại GS.TS Cành.
Nhiều tranh luận gay cấn về chiến lược phát triển TP HCM
- Nhiều chuyên gia cho rằng, TP HCM thiếu chiến lược, tầm nhìn phát triển dài hạn. Theo bà, đó có phải là nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của TP hiện nay?
- Tôi tin rằng, TP HCM từng có chiến lược phát triển dài hạn chứ không phải không có. Tôi từng làm việc ở Viện Kinh tế TP.HCM từ năm 1990, đã chứng kiến nhiều cuộc họp của các nhóm chiến lược, chuyên gia, lãnh đạo, qua các thời kỳ từ ông Võ Văn Kiệt đến Phan Văn Khải, sau này là ông Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang... Họ đã làm việc và tranh luận rất nhiều để vạch ra chiến lược và tầm nhìn dài hạn cho TP HCM.
GS.TS Nguyễn Thị Cành. Ảnh: Hà Hương. |
Thậm chí cả khi ông Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt đã ra Trung ương, không có cuộc họp nào bàn về chiến lược, qui hoạch phát triển TP HCM mà không có mặt một trong hai ông. Nhóm chuyên gia tư vấn có cả người từ chế độ Sài Gòn, kể cả nguyên Phó Thủ tướng Chính quyền cũ Nguyễn Xuân Oánh, đã có rất nhiều ý tưởng cho phát triển TP HCM. Nếu không có họ làm sao TP HCM có các khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam?
- Không khí tranh luận để tìm ra một đường hướng phát triển cho TP HCM đã diễn ra như thế nào?
- Các chuyên gia cũng đã đánh giá những lợi thế và thách thức cho phát triển TP HCM và đặt ra hướng phát triển của các quận nội thành, hướng mở rộng ngoại thành, giải quyết vấn đề nhập cư, giao thông đô thị...
Đặc biệt, họ bàn nhiều đến các biện pháp thực hiện Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị (ngày 14/9/1982). Theo đó, TP HCM là một trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của cả nước…. Đồng thời, chiến lược phát triển TP HCM cũng đặt ra mục tiêu dài hạn là làm sao để đưa thành phố trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước và tiến tới là trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
TP HCM cũng từng tiếp kiến cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Lúc đó, ông Lý Quang Diệu gợi ý phát triển khu vực Nhà Bè - Cần Giờ thành khu kinh tế giống Singapore. Nhưng cơ chế chưa làm được.
Tôi cũng được giao nhiệm vụ ghi chép những vấn đề tranh luận rất gay cấn giữa các nhóm chuyên gia, giữa TP HCM với các bộ, ngành Trung ương về "đòi cơ chế đặc biệt" cho TP HCM để thực hiện chiến lược đưa thành phố trở thành trung tâm kinh tế, khoa học của vùng và khu vực.
Nhưng bao nhiêu năm với đề án này đến đề án khác, từ xin cơ chế đặc thù đến chính quyền đô thị... đều bị từ chối và dần dần đi vào "quên lãng"! Bây giờ hết cách lại chạy xin "đặc khu kinh tế". Tôi không có kỳ vọng về đặc khu kinh tế cho TP HCM.
Ông Lawrence S.Ting (bìa trái, nhà đầu tư của Phú Mỹ Hưng) và chuyên gia Phan Chánh Dưỡng trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về mô hình đô thị mới Nam Sài Gòn. Ảnh tư liệu |
Xin cơ chế là con đường vất vả
- Vậy nếu không phải thiếu chiến lược, tại sao TP HCM với đầy đủ những lợi thế hiếm có lại không thể cất cánh như nhiều thành phố trong khu vực?
- Vấn đề là không có một cơ chế nào để phát triển cả. Cho nên, TP HCM chỉ phát triển đến tầm này thôi. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay chiếm 40% GDP của cả nước. đóng góp 60% Ngân sách quốc gia. Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương cũng phát triển rất mạnh, thành một chuỗi đô thị. Đóng góp là vậy nhưng cơ chế cũng giống như một tỉnh bình thường khác, TP HCM cũng giống như Lạng Sơn thì làm sao thúc đẩy phát triển được?
Lịch sử phát triển của TP HCM luôn phải đi xin, xin từ cơ chế đầu tư, phát hành trái phiếu, xin và chờ đợi rất lâu cuối cùng Trung ương cũng cho nhưng rất chậm.
Trước đây, khi TP HCM xin thí điểm phát hành trái phiếu đô thị để làm đường Nguyễn Tất Thành cũng phải chờ mấy năm mới được phép. Tức cái gì cũng phải xin và phải chờ đợi rất lâu. Cho nên thành phố không có được tính chủ động trong vấn đề phát triển. Muốn vị trí số 1 nhưng mà có nguồn lực để phát triển hay không. Trong tình huống cứ phải phụ thuộc vào trung ương thì hơi khó.
Lịch sử phát triển của TP HCM luôn phải đi xin, xin từ cơ chế đầu tư, phát hành trái phiếu, xin và chờ đợi rất lâu cuối cùng Trung ương cũng cho nhưng rất chậm.
- Vậy có nghĩa rào cản lớn nhất làm chậm sự phát triển vẫn là cơ chế?
- Đúng vậy. Nhưng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, nếu không có những bàn luận như vậy thì làm sao hiện nay TP HCM có những khu chế xuất, khu công nghiệp hay khu công nghệ cao. Nhưng có những cái làm được, có những cái không thể làm được. Ví dụ chính quyền đô thị, phân cấp lại để cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu thì không thực hiện được. Giao quyền tự chủ về đầu tư, đất đai thì không thực hiện được.
Phải xây dựng chính quyền đô thị
- Vậy TP HCM cần một cơ chế như thế nào để phát triển khi đặc khu kinh tế không phải là một giải pháp hợp lý?
Năm 2013, tôi thực hiện một đề tài về chính quyền đô thị do quỹ Châu Á tài trợ. Lúc đấy, chúng tôi thực sự kỳ vọng Hiếp pháp 2013 sửa đổi, TP HCM có quyền tự chủ và tiến hành cải cách hành chính trên nền tảng chính quyền đô thị.
Tôi cũng nghiên cứu mô hình Đà Nẵng để so sánh với TP HCM. Đà Nẵng đi theo hướng chính quyền đô thị rất tốt mặc dù chưa được xác nhận trên thực tế. Tuy nhiên, Đà Nẵng dễ quản lý hơn với 1 triệu dân, còn TP HCM thì rất khó quản lý bởi có tới 10 triệu dân.
Đề án của tôi đề xuất xây dựng chính quyền đô thị kết hợp với giao quyền tự chủ cho thành phố. Nếu được thực hiện thì nó tốt hơn là xin cơ chế đặc khu kinh tế. Vì đặc khu thì phải một khu vực nào đó thôi chứ không thể bao cả thành phố 10 triệu dân thành đặc khu được.
Kết quả nghiên cứu của các giáo sư ở ĐH Hong Kong đã có kết luận rằng nếu Trung Quốc phân quyền cho các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải thì việc này sẽ có tác động làm cho tăng trưởng kinh tế nhanh hơn là cứ tập trung quyền lực vào Trung ương. Các nước họ đã thực hiện phân quyền và tổ chức chính quyền đô thị, tại sao chúng ta không làm?
- Những đặc điểm nào của chính quyền đô thị sẽ thúc đẩy thành phố phát triển?
-Thứ nhất chính quyền đô thị hình thành phải đi kèm với cải cách hành chính, xem xét lại yếu tố con người. Lúc đó quyền lực của người đứng đầu thành phố (thường gọi là thị trưởng) cao hơn rất nhiều so với kiểu quản lý tập thể hiện nay. Người đứng đầu làm việc không hiệu quả, chỉ số nào xuống thì người dân không tín nhiệm nữa.
Nếu làm đúng mẫu hình của quốc tế thì điểm đột phá nhất sẽ là cải cách hành chính, giảm bớt bộ máy chồng chéo, cồng kềnh. Theo Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, thành phố cũng giống tỉnh, phân cấp quá nhiều cho quận mà quận lại không có khả năng thực hiện nhiều chức năng như quản lý kinh tế trên địa bàn.
Liên kết giữa quận này với quận kia cũng có vấn đề. Ví dụ một con đường đến ranh giới giữa hai quận quản lý mà có ổ gà thì trách nhiệm thuộc về ai. Tại sao chỗ này có nhiều ổ gà, vì nó nối liền hai quận, hay hai tỉnh.
Hiện nay mình hô hào một cửa, một dấu, nhưng thực chất “một cửa nhiều khoá”, người ta vẫn khó vào!
Do vậy, cái gì mang tính kinh tế, chiến lược phải tập trung về thành phố hay rộng ra là cả vùng. Ví dụ, phải liên kết các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng do không có bộ máy tổ chức vùng điều phối nên mỗi tỉnh lại chạy theo một kiểu, không theo quy hoạch chung, chạy theo chỉ tiêu kế hoạch và lợi ích riêng của tỉnh dẫn tới cạnh tranh lẫn nhau.
Chính quyền đô thị sẽ bỏ đi nhiều chức năng của quận, phường, lúc đó quận và phường chỉ là những cơ quan hành chính địa phương, cơ cấu rút gọn thì còn ít người. Cơ cấu tổ chức tinh giản thì chỉ còn ít đầu mối, khi đó một cửa, một dấu mới đúng thực chất. Hiện nay mình hô hào một cửa, một dấu, nhưng thực chất “một cửa nhiều khoá”, người ta vẫn khó vào!.
Bí thư Đinh La Thăng thăm Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Hải An. |
- Vậy trong bối cảnh hiện nay, đâu là con đường phát triển của TP HCM?
TP.HCM có đặc thù là đô thị lớn, là trung tâm khoa học, định hướng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, với lợi thế của mình, TP.HCM có thể trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng và cả nước. Đồng thời, TP.HCM là đầu tàu trong thúc đẩy mối quan hệ liên kết vùng với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.
Muốn vậy, TP.HCM cần dứt khoát với các dự án đầu tư sử dụng lao động nhân công giá rẻ, ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ cao để tránh “cuộc đua xuống đáy về lao động giá rẻ” trong sự cạnh tranh với các tỉnh, thành khác.
Với vai trò hạt nhân, đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM có thể liên kết với các tỉnh trong vùng để hình thành các trung tâm chế biến, chế tạo Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong các trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam.
TP HCM đã thành lập khu phần mềm Quang Trung, khu công nghệ cao là đúng hướng. Đấy là ý tưởng của những thế hệ trước đây nhưng giờ mới thành hiện thực.
TP.HCM cần dứt khoát với các dự án đầu tư sử dụng lao động nhân công giá rẻ, ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ cao để tránh “cuộc đua xuống đáy về lao động giá rẻ” trong sự cạnh tranh với các tỉnh, thành khác.
Đặc biệt là từ năm 2004 TP.HCM đã thành lập Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2010.
Khu Nông nghiệp Công nghệ cao dù mới đi vào hoạt động nhưng đã hỗ trợ, dẫn dắt chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Trong tương lai, sản phẩm của khu này có thể phục vụ cả đồng bằng Sông Cửu Long. Ý tưởng đó có từ lâu rồi nhưng bây giờ mới bắt đầu thực hiện vì thành phố không được chủ động quyết nên phải làm từng bước.
Hướng phát triển của TP HCM vẫn là trung tâm dịch vụ, tài chính và khoa học công nghệ. Thực ra, hiện nay, các công ty có nhà máy ở Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và nhiều tỉnh thành trong cả nước vẫn đặt văn phòng giao dịch ở TP HCM. Có nghĩa là dịch vụ ở TP HCM vẫn tốt.