Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phải gỡ vòng kim cô cho TP HCM

Gỡ vòng kim cô về ngân sách, tạo động lực làm việc cho cán bộ và tầm nhìn để phát triển, là quan điểm của TS Huỳnh Thế Du về khát vọng trở lại số 1 của TP HCM.

Tháng 10/2015, dịp Đại hội Đảng bộ TP HCM lần X, TS Huỳnh Thế Du đã viết trên Zing.vn hai bài phân tích về các vấn đề phát triển của TP HCM là Thành phố đáng sống cần lòng dân ủng hộ và TP TP HCM đủ sức vào top thành phố châu Á . Nhân câu chuyện Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng đưa ra tầm nhìn về Khát vọng trở lại vị trí số 1 của TP HCM TS Du lại chia sẻ cùng Zing.vn.

Sài Gòn chưa từng có vai trò trung tâm của vùng

Cái tên Hòn ngọc Viễn Đông có từ 1916, khi đó, Sài Gòn là trung tâm của Đông Dương. Thời đó, không có viện trợ của Pháp mà ngược lại các nước thuộc địa là nơi để đem của cải về cho mẫu quốc. Điều đó chứng tỏ, Sài Gòn có tiềm lực rất lớn để phát triển.

Bi thu Dinh La Thang muon TP HCM la so 1 anh 1
TS Huỳnh Thế Du. Ảnh: FETP.

Đến chiến tranh Việt Nam, sự phồn hoa của Sài Gòn dựa vào viện trợ từ bên ngoài và những khoản chi tiêu cho cuộc chiến. Từ 1945-1975, về cơ bản đây là một thành phố chiến tranh, nền tảng kinh tế chỉ phục vụ cho chiến tranh Việt Nam mà thôi.

Các nhà máy xí nghiệp cũng chỉ phục vụ cho nền kinh tế trong nước. Chứ xuất khẩu hay để phục vụ cho các nước xung quanh thì Sài Gòn chưa đạt đến vị thế đó.

Cái tên Hòn ngọc Viễn Đông mang tính biểu tượng về một thời huy hoàng hơn là hàm ý thực chất như nhiều người đang mường tượng hay với thước đo dựa vào năng lực cạnh tranh và đáng sống như hiện nay.

Trên thực tế, Sài Gòn - TP HCM chưa từng có vai trò trung tâm của cả vùng như Singapore hay Hong Kong bây giờ. Mức độ phát triển cách đây 50 năm hay 100 năm cũng rất sơ khai và mức độ hội nhập hay canh tranh của các đô thị dường như không có gì.

Do vậy, cái tên Hòn ngọc Viễn Đông mang tính biểu tượng về một thời huy hoàng hơn là hàm ý thực chất như nhiều người đang mường tượng hay với thước đo dựa vào năng lực cạnh tranh (competitiveness) và đáng sống (livability) như hiện nay.

Sau khi thống nhất đất nước, chúng ta trải qua 10 năm kinh tế kế hoạch và phi đô thị hóa, không có quy hoạch đô thị, phát triển đô thị. Từ 1975 đến đầu thập niên 1990, về cơ bản TP HCM không có phát triển gì mới cả, thậm chí có nhiều thứ còn bị đập phá vì bị cho là “tàn dư” của chế độ cũ.

Đến 1993, TP HCM mới có quy hoạch đầu tiên. Tuy nhiên, do cơ chế của Việt Nam cho dù có quy hoạch, thì các hoạt động của bộ máy về cơ bản cũng chỉ tập trung ở vấn đề sự vụ.

Bi thu Dinh La Thang muon TP HCM la so 1 anh 2

Ba trục trặc cơ bản kéo lùi sự phát triển của tp hcm

Quy hoạch đô thị chỉ đóng vai trò trong việc huy động nguồn lực chứ không có vai trò đúng nghĩa của nó. Theo tôi, đối với bộ máy vận hành thành phố, có ba trục trặc cơ bản kéo lùi sự phát triển của TP HCM.

1 ngân sách thành phố được giữ lại quá ít. Tính bình quân chi tiêu so với GDP của VN, trong hơn hai thập kỷ qua, chi khoảng trên dưới 30% GDP. Nhưng TP HCM, tính tất cả mọi thứ bao gồm cả ODA, chỉ chi khoảng chừng 10% tổng sản phẩm địa phương.

Trong khi đó, Hà Nội (chưa tính ODA) đã là 19%, Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc), khoảng 20-21%. Hong Kong khoảng 20-21%, Singapore 15%. Nhưng nên nhớ một điều Hong Kong với Singapore là tổng chi tiêu ngân sách, tức là được đồng nào thì người ta chi tiêu hết cho chính quyền.

Còn Thượng Hải, Bắc Kinh, chi tiêu ngân sách của nhà nước Trung Quốc khoảng chừng 19% GDP. Tức là bình quân của Thượng Hải, Bắc Kinh còn cao hơn bình quân của cả nước. Trong khi đó, TP HCM nếu tính ngân sách ròng chỉ khoảng 7%.

Đó là một trong những trục trặc lớn nhất, làm cho TP không xây dựng được cơ sở hạ tầng tử tế. Hãy nhìn TP HCM trong 40 năm qua, những công trình hạ tầng ra tấm ra món rất ít. Nếu ngân sách TP được gấp đôi (14%), hay bằng những nơi kia (20-21%) mọi chuyện sẽ khác hẳn.

Bình quân chi tiêu so với GDP của VN, trong hơn hai thập kỷ qua, chi khoảng trên dưới 30% GDP. Nhưng TP HCM, tính tất cả mọi thứ bao gồm cả ODA, chỉ chi khoảng chừng 10%. 

Cũng có người lập luận rằng còn các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản ở các thành phố (kể cả những thành phố đã phát triển) chủ yếu là do ngân sách nhà nước. Các loại hình đầu tư khác như hợp tác công tư (PPP) chẳng hạn chỉ có vai trò rất khiêm tốn.

Chúng ta hay so sánh tại sao Thượng Hải phát triển kinh khủng như thế. Cứ nhìn vào chi ngân sách sẽ biết. Cơ chế phân bổ ngân sách của Việt Nam hiện nay là một rào cản rất lớn vì nó tạo ra tình trạng “nghèo đều” thay vì để những nơi có tiềm năng, lợi thế cất cánh tạo ra cái bánh lớn hơn với phần của tất cả mọi người sẽ nhiều hơn trong tương lai.

Bi thu Dinh La Thang muon TP HCM la so 1 anh 3

2 đội ngũ công chức thiếu động cơ và công cụ hữu hiệu. Có ba vấn đề then chốt liên quan đến vấn đề này mà nguyên nhân cơ bản của nó phần lớn là do cơ chế chính sách chung của cả nước.

Một là, với cơ chế đánh giá và bổ nhiệm cán bộ theo nguyên tắc “không sai” chứ không phải “hiệu quả tổng thể". Việc này cộng với việc không phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn đã vô hình trung làm triệt tiêu phần lớn khả năng sáng tạo của cán bộ, không tạo động lực thôi thúc họ nghĩ ra cách làm mới nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh của thực tiễn công việc.

Tinh thần doanh nhân công cộng không được tạo ra. Phản ứng thường thấy của công chức là trình lên trên rồi chờ.

Hai là, số liệu thống kê không đủ độ tin cậy làm cơ sở cho việc hoạch định và đánh giá chính sách.

Ba là, công tác quy hoạch và lập kế hoạch không thể hiện được vai trò cần thiết của chúng.

Hậu quả là mọi thứ cứ giẫm chân tại chỗ và nhiều trường hợp gây ra sự kém hiệu quả hay lãng phí rất lớn. Ngay cả lãnh đạo cao cấp của Thành phố vẫn phải dành phần rất lớn thời gian cho các vấn đề sự vụ nên không còn đủ thời gian cần thiết cho việc định hình ra những đường hướng phát triển dài hạn và tổng thể cho Thành phố.

Nhìn chung, cả bộ máy chính quyền đang phải tập trung phần lớn nguồn lực vào các vấn đề sự vụ hàng ngày nên mọi thứ trông như luôn bị quá tải nhưng thực sự lại không được vận hành hiệu quả. Vấn đề này cùng với vấn đề thứ nhất dẫn đến trục trặc thứ ba.

Bi thu Dinh La Thang muon TP HCM la so 1 anh 4
Một góc quận 7, TP HCM. Ảnh: Max Hồ.

3 TP HCM chưa bao giờ có chiến lược hay tầm nhìn phát triển dài hạn một cách rõ ràng do eo hẹp về nguồn lực, thiếu động cơ và quan hệ giằng co trung ương địa phương và chưa tận dụng được sức mạnh của đội ngũ trí thức và các doanh nhân.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra tầm quan trọng của tầm nhìn và chiến lược dài hạn cho sự thành công trong “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của các thành phố năm 2014”. TP HCM đang thiếu điều này.

Tầm nhìn không đơn thuần là những câu nói mà phải xác định rõ hiện đang ở đâu, 10 hay 20 năm nữa tôi đi đến đâu với những cách tiếp cận khoa học và việc làm cụ thể có tính khả thi cao.

Giai đoạn 1975-1985 thường được nhắc đến như một trong những thời gian năng động nhất của TPHCM trong 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, trên thực tế thành phố cũng chỉ tập trung vào việc “chạy gạo”. Chính ông Mai Chí Thọ đã tự nhận là “Chủ tịch gạo” ý nói là chỉ lo nhu cầu trước mắt của thành phố mà không thể làm những việc mang tính dài hạn.

Từ khi đổi mới đến nay, cách làm việc về cơ bản vẫn tập trung vào sự vụ. Do không gian ngân sách và quyền tự chủ quá hạn hẹp nên TP HCM không thể chủ động hoạch định chiến lược dài hạn mà một thời lượng và nguồn lực rất lớn của cả bộ máy phải dành cho việc “xin” trung ương cho thêm nguồn lực để ứng phó với những vấn đề trước mắt.

Tầm nhìn không đơn thuần là những câu nói mà phải xác định rõ hiện tôi đang ở đâu, 10 hay 20 năm nữa tôi đi đến đâu với những cách tiếp cận khoa học và việc làm cụ thể có tính khả thi cao. Giống như Lý Quang Diệu xác định đưa Singapore từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất.

Hay trường hợp ở Lee Myung Bak khi đặt mục tiêu làm sống lại Seoul, cũng xác định trở thành thành phố cạnh tranh nhất thế giới. Chỉ trong thời gian 5 năm Lee Myung Bak đã làm được rất nhiều cho Seoul.

Bi thu Dinh La Thang muon TP HCM la so 1 anh 5

Đập bỏ hay tạo ra thể chế mềm?

Sửa chữa những trục trặc nêu trên không phải là câu chuyện của riêng TP HCM. Đặt ra vấn đề đột phá, sửa chữa toàn bộ hệ thống rất khó khả thi, vì nó động chạm đến cả 10 triệu dân thành phố với một nền kinh tế và các quan hệ rất phức tạp và tinh vi. Cả Việt Nam cũng vậy.

Tôi cho rằng cách tiếp cận của Đặng Tiểu Bình rất đáng tham khảo. Khi ông lên nắm quyền, nhiều người nghĩ ngay trong đầu rằng ông sẽ đập hết  hệ thống mà Mao Trạch Đông xây. Nhưng Đặng Tiểu Bình biết rằng hệ thống có rệu rã đến đâu thì Trung Quốc có đến 40 triệu đảng viên, 80 triệu công chức vẫn đang sống vào hệ thống đó. Ông đập hệ thống có nghĩa là đập nồi cơm của những người đó.

Giải pháp của ông xây dựng một ê-kíp và tìm ra những chính sách mới. Mô hình đặc khu kinh tế được đặt trong bối cảnh một nước Trung Quốc như thế. Đặc khu kinh tế với những thể chế mới được coi là cái mầm ươm, sau đó sẽ được lan toả và nhân rộng ra.

Còn Việt Nam cũng có những các tiếp cận tương tự. Tuy nhiên, dường như chúng ta chọn sai cách làm. Ví dụ, khu Nam Sài Gòn hay Bình Dương tuy không được gọi là những đặc khu kinh tế, nhưng chúng có những yếu tố cơ bản và có những thành công nhất định. Nhưng chúng ta lại không thể học cái nhân tố nào tạo ra thành công ở đó để nhân rộng ra.

Ngược lại, thấy mô hình khu chế xuất Tân Thuận thành công thì cả nước lại đi xây mấy trăm khu công nghiệp kín cổng cao tường và rồi phát triển các khu kinh tế cũng vậy.

Mình sao chép mô hình cứng chứ không phải là thể chế mềm. Hàn Quốc, Đài Loan hay Trung Quốc thành công là do họ biết tạo ra và nhân rộng các thể chế mềm.

Do vậy, tôi cho rằng bây giờ muốn sửa cũng phải chọn một vài trọng điểm khả thi để kích hoạt lên. Nếu đập cả hệ thống là bất khả thi vì nó dính đến lợi ích, miếng cơm manh áo của quá nhiều người.

Bi thu Dinh La Thang muon TP HCM la so 1 anh 6

Tập trung vào Thủ Thiêm với mô hình chính quyền đô thị 

Nếu muốn học hỏi mô hình Thượng Hải mà cụ thể là phố Đông, theo tôi, nên tập trung vào Thủ Thiêm với mô hình chính quyền đô thị với quyền tự chủ cao.

Thủ Thiêm cùng với khu trung tâm hiện hữu và một số nơi khác như Khu công nghệ cao chẳng hạn sẽ là điểm tựa để biến TP HCM thành: i) Nơi đặt các trụ sở quốc tế và phối hợp hoạt động của các công ty toàn cầu; ii) Trung tâm dịch vụ tài chính;

iii) Trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm; iv) Trung tâm nghiên cứu về khoa học đời sống kết hợp với nghiên cứu thử nghiệm; v) Trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp các dịch vụ cho các công ty toàn cầu như tài chính, hỗ trợ khách hàng, nguồn nhân lực và IT.

Một khu vực thứ hai có thể là khu Nam Sài Gòn theo hướng liên kết vùng. Có thể tổ chức như chính quyền đô thị, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò thúc đẩy.

Việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng vì ở Việt Nam hiện nay các tỉnh địa phương cạnh tranh với nhau để giành giật doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc các tỉnh bế quan toả cảng, không liên kết với nhau.

Nhưng doanh nghiệp theo thị trường chứ không phải địa giới hành chính. Nó phải được kết nối, khi đó cái bánh lợi ích còn to lên.

TP HCM rất khó có thể cạnh tranh sòng phẳng, tổng lực với những đô thị đã có trình độ phát triển rất cao như Hong Kong, Singapore hay Seoul, nhưng có thể tập trung vào những thứ có điểm mạnh, hoặc những phân khúc nào đó có khả năng phát triển. Ở thập niên 60, Seoul làm sao cạnh tranh được với Tokyo, nhưng điều gì đã xảy ra sau 30 năm và lại càng rõ hơn ở thời điểm hiện nay.

Bi thu Dinh La Thang muon TP HCM la so 1 anh 7
Quận 1, TP HCM nhìn từ flycam. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Muốn bằng các nước, TP HCM cần 30 năm

Nhiều phân tích cho thấy, khoảng cách của TPHCM với Bangkok đang trên dưới 2 thập kỷ. Đối với các đô thị khác còn xa hơn nữa. Do vậy, đến năm 2025, thời điểm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, khả năng TP HCM đạt được mức thu nhập bình quân đầu người hay có quy mô nền kinh tế như Bangkok lúc đó là không cao.

Tuy nhiên, nếu có sự quyết tâm dựa trên: i) sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân thành phố, ii) sự hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong vùng; iii) một số tháo gỡ quan trọng về nút thắt thể chế của Việt Nam thì khả năng đuổi kịp Bangkok về các hạ tầng thiết yếu hay những yếu tố nền tảng khác là có thể.

Quan trọng hơn, nếu chọn được hướng đi phù hợp thì đến năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm Việt Nam độc lập - khả năng TP HCM trở thành một thành phố cạnh tranh trong khu vực và vươn ra thế giới là khả dĩ.

Tóm lại, 10 năm có thể đủ để thay đổi những nền tảng cơ bản của thành phố. Nếu TP HCM đi đúng thì sau 30 năm có thể ngang ngửa với những thành phố phát triển trong khu vực ở nhiều lĩnh vực.  

Do vậy, giờ đây TP HCM cần định vị và xác định mục tiêu sau một thập kỷ nữa có được những nền tảng của các thành phố xếp hạng trung bình trong khu vực và năm 2045 trở thành đô thị phát triển có sức cạnh tranh cao và đáng sống.

Bí thư Thăng: 'Không ai cấm khát vọng số 1'

"TP HCM đặt mục tiêu cao hơn mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra. Không ai cấm chúng ta khát vọng trở lại vị trí số 1", Bí thư Đinh La Thăng trả lời câu hỏi của Zing.vn.

Ông Đinh La Thăng: TP HCM phải giành lại vị trí số 1

"Trước đây, Singapore, Thái Lan nhìn về Sài Gòn với một sự ngưỡng mộ, khao khát, bao giờ mới được như Sài Gòn nhưng nay chúng ta đã tụt hậu", Bí thư TP HCM Đinh La Thăng trăn trở.

 






Hà Hương ghi

Bạn có thể quan tâm