Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP HCM tụt hạng, vì sao?

Là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng năng lực cạnh tranh của TP HCM những năm gần đây bị nhiều địa phương qua mặt.

Tại báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015, TP HCM bị “bật” khỏi nhóm 5 địa phương được đánh giá “rất tốt” trong bảng xếp hạng, khi chỉ đứng ở vị trí thứ 6 với 61,36 điểm (trong khi địa phương đứng đầu là Đà Nẵng với 68,34 điểm).

Địa phương khác cải cách mạnh hơn

Khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện ở lĩnh vực gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và chi phí thời gian. Đáng chú ý, ở chỉ số cơ sở hạ tầng PCI 2015, TP HCM nằm trong nhóm 5 địa phương được DN đánh giá tốt nhất về cơ sở hạ tầng. Nhiều địa phương đã biết khắc phục hạn chế về hạ tầng bằng chất lượng điều hành tốt, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.

Tổng hợp kết quả chỉ số PCI của TP HCM từ năm 2007 - 2015 cho thấy TP đã có nhiều nỗ lực trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN để vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng qua các năm. Năm 2007, TP HCM đứng ở vị trí thứ 10 và đến năm 2010 bị tụt xuống hạng thứ 23. Thế nhưng, khoảng 2 năm trở lại đây, TP luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu và có nhiều cải cách. Nhìn vào 10 chỉ số thành phần của PCI 2015 sẽ thấy TP bị các DN đánh giá còn khó khăn trong các lĩnh vực cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức và tính năng động. Bù lại, TP dẫn đầu ở các dịch vụ hỗ trợ DN, ghi điểm ở lĩnh vực gia nhập thị trường và đào tạo lao động.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh ở TP đã cải thiện hơn trước rất nhiều nhưng xếp hạng PCI 2015 vẫn bị tụt so với năm trước bởi nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ninh có sự cải thiện mạnh mẽ hơn. Cụ thể ở Quảng Ninh, lãnh đạo địa phương này đưa ra một bảng đánh giá cảm nhận của DN đối với các sở - ban - ngành, quận - huyện và làm công khai, liên tục nên họ tăng hạng là dễ hiểu.

Chi phí bôi trơn vẫn là rào cản

Nếu nhìn vào đồ thị hình sao các chỉ số thành phần PCI 2015 của TP HCM sẽ thấy chi phí không chính thức ở mức khá cao so với các địa phương khác. Giám đốc một DN xuất nhập khẩu nông sản tại TP HCM cho rằng dù có nhiều cải cách trong thủ tục hành chính, thuế, hải quan nhưng riêng khoản chi phí ngoài luồng thì DN “vẫn phải chi như thường”. Theo vị này, DN có “quen biết” dễ làm việc hơn, ngược lại thì bị làm khó hoặc kéo dài thời gian hoàn tất thủ tục hồ sơ, giấy tờ từ phía cán bộ các cơ quan quản lý.

Một số DN nhỏ và vừa khác cũng chia sẻ phí bôi trơn là “không thể thiếu” trong nhiều trường hợp bởi nếu không có, DN phải chờ đợi kéo dài hoặc phải bổ sung thêm nhiều thủ tục, đi lại nhiều lần mới xong việc…

Vì sao chi phí bôi trơn quá lớn, năm sau cao hơn năm trước? Ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng với đô thị lớn như TP sẽ khó tránh việc DN tốn chi phí ngoài luồng khi thủ tục hành chính, thuế, hải quan… bị ách tắc ở đâu đó.

Còn ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, từng chia sẻ có những lý do cơ quan quản lý Việt Nam đưa ra để đòi hỏi chi phí ngoài luồng mà DN không hiểu nổi. “Đến giờ, chúng tôi cũng rất đau đầu vì chuyện này mà chưa tìm được cách giải quyết. Do các DN Nhật sợ bị làm khó nếu đứng ra tố cáo cán bộ sai phạm nên chỉ phản ánh sự việc chung chung. Ở Thái Lan, tình trạng DN Nhật phải nộp phí không chính thức cũng có nhưng không nhiều như Việt Nam” - vị này nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng chủ trương công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo TP là bước tiến lớn. Rồi chuyện trước đây, lịch họp của lãnh đạo UBND TP hằng tuần chỉ gửi cho các sở, ngành và đóng dấu “mật” thì nay công khai trên website để bất cứ người dân, DN nào cũng có thể theo dõi, biết được. Những thủ tục hành chính này một khi được công khai minh bạch và áp dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử thì việc tiêu cực và nhũng nhiễu sẽ giảm đi, môi trường cho tiêu cực cũng bớt dần.

“Tại Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X đã đặt ra 7 chương trình đột phá, trong đó nổi bật là nâng cao tính cạnh tranh của TP, đặc biệt là của các DN trên địa bàn; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Nếu TP quyết tâm thực hiện như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại những cuộc họp gần đây, đặc biệt là làm sao để bộ máy quản lý nhà nước là bộ máy phục vụ DN, từ một chính quyền quản lý sang phục vụ là chuyển biến rất lớn. Làm được điều này, TP sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu” - ông Hưng nhận định.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM: Ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian, bớt chờ đợi

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Cụ thể, sở đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kéo giảm thời gian và chi phí khi DN thực hiện các thủ tục đầu tư. Tất cả các công đoạn của quá trình giải quyết thủ tục, giám sát công tác giải quyết thủ tục đều bảo đảm công khai, minh bạch.

Bên cạnh việc sử dụng Hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia và Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư để giải quyết thủ tục hành chính, sở còn thiết lập hệ thống phần mềm riêng nhằm quản lý quy trình giải quyết, bảo đảm giám sát chặt chẽ từng công đoạn xử lý, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh và xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức tham gia.

Các quy trình đều được liên thông để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và hạn chế việc DN, nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn: Nói không với tiêu cực

Không chỉ Garmex Sài Gòn mà tôi tin rằng nhiều công ty khác có tài chính minh bạch, hồ sơ giấy tờ rõ ràng đều nói không với chung chi. Tuy nhiên, phải thừa nhận là thể chế hiện tại gây không ít phiền hà cho DN. Đơn cử trong lĩnh vực thuế. Theo quy định, DN tự kê khai và nộp thuế; 2-3 năm sau, cơ quan thuế kiểm tra thì thế nào DN cũng “dính” sai sót, vi phạm này nọ vì nhiều quy định, văn bản ngành thuế đưa ra không đến tay DN hoặc DN không cập nhật kịp. Cơ quan thuế kiểm tra xong, đến lượt kiểm toán đến kiểm tra, phủ nhận kết quả của thuế và bắt đầu kiểm tra lại từ đầu. Lại chỉ ra những sai phạm khác.

Bên cạnh đó, với quy định hoàn thuế hiện nay là kiểm trước hoàn sau sẽ phát sinh nhiều vấn đề nhưng chúng tôi dứt khoát không chung chi. DN đầy đủ chứng từ, nếu cán bộ thuế cố tình xử lý hồ sơ chậm theo quy định thì chúng tôi gửi văn bản phản ánh đến cơ quan thuế, chấp nhận hoàn thuế chậm nhưng quyết nói không với tiêu cực.

Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM: Mong mỏi sự bứt phá

Để bứt phá, cải thiện năng lực cạnh tranh, TP HCM cần có nỗ lực toàn diện chứ không phải một cơ quan, ban ngành hay chỉ cộng đồng doanh nhân. Giảm thiểu giấy phép con, tránh nhũng nhiễu là khao khát, mong mỏi chung của cộng đồng DN. TP bắt buộc phải cải cách hành chánh và tinh thần phục vụ của bộ máy hành chánh, quản lý nhà nước nếu muốn vươn lên vị trí số 1. Trong chương trình thành phố khởi nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nói là nếu TP khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp mà các cơ quan, ban ngành không hợp tác tốt thì không thể mang lại hiệu quả. Phải quán triệt từ trên xuống dưới, tất cả mọi người chứ không chỉ riêng bộ phận nào. Thanh Nhân - Thái Phương

TP HCM cấp phép cho 31 dự án 'bán nhà trên giấy'

Sở Xây dựng TP HCM đã công bố danh sách 31 dự án nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

http://nld.com.vn/kinh-te/tp-hcm-tut-hang-vi-sao-20160402221722767.htm

Theo Thái Phương/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm