Trận thua có phần bất ngờ của CLB TP.HCM trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở vòng 10 hé lộ những tín hiệu chẳng lành đối với thầy trò HLV Chung Hae-seong. Mùa trước, chính những cú ngã không đáng có từ vòng 10 trở về sau đã đẩy đội bóng này văng khỏi đường đua tới ngôi vô địch.
Lần đầu tiên sau 9 vòng đấu ở V.League, ông Chung Hae-seong bất đắc dĩ phải đá chấp “Tây” khi đem quân đi chinh chiến. 90 phút ở trận đấu với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ghi nhận những nỗ lực bất thành của các nội binh CLB TP.HCM trong hành trình tìm bàn thắng. Người phải chịu chỉ trích lại là Nguyễn Công Phượng.
Tính cả cúp quốc gia, đây là lần thứ 4 ở mùa này, CLB TP.HCM không thể thắng khi Công Phượng không ghi bàn. Ảnh: Việt Hùng. |
CLB TP.HCM vẫn phụ thuộc ngoại binh
Vắng Amido Balde và Pape Diakite do án treo giò, CLB TP.HCM ra sân với ngoại binh châu Á là Seo Dong-duk. Hàng công của ông Chung với Công Phượng, Xuân Nam, Phi Sơn và Văn Thành đã tìm đủ mọi cách để xâm nhập vòng cấm và dứt điểm, nhưng bóng không thể tìm đường vào khung thành đội chủ nhà.
Với hàng công toàn chân sút nội như thế, người hâm mộ kỳ vọng Công Phượng sẽ tỏa sáng. Sức ép càng đè nặng lên vai tiền đạo Nghệ An khi CLB TP.HCM bị dẫn từ hiệp một. Phượng kiên trì di chuyển, phối hợp với đồng đội, rồi dứt điểm, thế nhưng hiệu quả mà anh tạo ra không đủ lớn để tạo sự khác biệt. Phải tới khi thiếu chất “Tây” trong đội hình, người ta mới thấy hàng công của ông Chung bộc lộ nhiều khuyết điểm như thế nào.
Những lần có Amido Balde trên sân, CLB TP.HCM bất bại 8 trận. 2 trận ngoại binh người Guinea không thi đấu, họ đều thua ở thế không thể ghi bàn (thua 0-1). Trong 16 bàn của CLB TP.HCM, Amido ghi 3 bàn, nhưng lại có đóng góp lớn vào việc giúp đồng đội lập công. Anh có một đường kiến tạo cùng ít nhất 2 lần tham gia vào các bàn thắng của đội nhà.
Không tính Amido Balde, 13 bàn còn lại của đội được ghi bởi 7 cầu thủ khác nhau. Đội bóng của Chung Hae-seong không phụ thuộc vào ngôi sao nào, nhưng khi cần cái tên lên tiếng đúng lúc, hiếm ai chứng tỏ được mình, ngay cả khi người đó là ngôi sao sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam, Nguyễn Công Phượng.
Dẫn đầu bảng xếp hạng không được bao lâu, CLB TP.HCM phải trả lại ngôi đầu cho CLB Sài Gòn. Ảnh: Việt Hùng. |
Công Phượng chỉ là nạn nhân
Cả V.League đã thuộc cách đá của Công Phượng cho dù đó có là đội mới lên hạng Hà Tĩnh. HLV Phạm Minh Đức bảo: “Đội tôi có Công (Trần Văn Công). Công đi theo Phượng thì thành Công Phượng. Trận này tôi đặt ra nhiệm vụ cho em chỉ theo kèm Công Phượng mà thôi. Hóa giải được Phượng, thì Công có thưởng. Cuối cùng con công cũng hay hơn con phượng”.
Câu nói đùa tưởng như vô thưởng vô phạt của thuyền trưởng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có thể có một phần đúng. Công Phượng đẳng cấp, nhưng không thể không bị bắt bài.
Mùa thành công nhất ở HAGL trước khi chuyển sang Incheon United, Công Phượng tỏa sáng nhờ được việc được dồn bóng và tạo đất diễn. Ở CLB TP.HCM, Phượng chỉ là một phần của hệ thống. Muốn thành công, anh cần sự nâng đỡ tối đa của các vệ tinh xung quanh, nhưng không phải ai cũng luôn đạt điểm rơi phong độ tốt nhất.
Lần đầu tiên kể từ đầu mùa, Công Phượng được HLV Chung Hae-seong cho ra nghỉ sớm (từ phút 73). Thế nhưng, trong gần 20 phút còn lại, người vào thay anh là Vũ Quang Nam cũng không thể giúp đội nhà tạo ra khác biệt dù đối thủ của CLB TP.HCM lần này là đội đang đứng áp chót bảng xếp hạng.
Công Phượng chỉ là một phần trong hệ thống chiến thuật của CLB TP.HCM, bởi những đóng góp của anh lên xuống cùng thời điểm với biểu đồ phong độ của đội. Khi Phượng ghi bàn hoặc kiến tạo, CLB TP.HCM chơi tốt và ngược lại. Đội bóng của HLV Chung Hae-seong có những lúc bùng nổ, nhưng không thường xuyên và không giữ được sự ổn định trong khoảng thời gian đủ dài.
Nếu tính cả trận đấu cúp quốc gia gặp Đà Nẵng, CLB TP.HCM từng có 3 trận không thắng khi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hoạt động trở lại sau dịch. Cả 3 trận đấu đó, Phượng không ghi bàn, và CLB TP.HCM không thể có bàn thắng.
Để chuyển từ phòng ngự phản công sang thế đá áp đặt, đội bóng của ông Chung cần thêm thời gian. Ảnh: Việt Hùng. |
HLV Chung Hae-seong chưa quen đá tấn công
Trong 10 vòng đầu, CLB TP.HCM có 5 lần để đối thủ ghi bàn dẫn trước. 3 lần trong số đó, họ lội ngược dòng và giành thắng lợi theo cách tương đối chật vật.
Thống kê chỉ ra có 37,5% số bàn thắng của CLB TP.HCM được thực hiện từ phút 75 trở đi (Soccerway). Những chiến thắng muộn cho thấy bản lĩnh của đội bóng do HLV Chung Hae-seong dẫn dắt. Tuy nhiên, ông Chung không thể trận nào cũng đánh cược vận may vào khả năng ghi bàn của các cầu thủ, nhất là khi gặp phải những đội "không còn gì để mất" như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Ở V.League, ngoài CLB Hà Nội, chưa đội nào tấn công đủ mạnh mẽ, nhuần nhuyễn để áp đặt đối phương. CLB TP.HCM thành công mùa trước nhờ hàng phòng ngự chắc chắn và lối chơi phản công nhanh. Để chơi được theo cách áp đặt sao cho xứng với hàng công toàn “sao” và vị thế đương kim á quân, ông Chung cần thời gian. Nhóm cầu thủ tấn công tốt không thể lập tức tạo thành hàng công mạnh.
Sau 10 vòng đấu, CLB TP.HCM xếp thứ 3 với 17 điểm. Dẫn đầu là CLB Sài Gòn với 22 điểm. Những cú sảy chân của thầy trò HLV Chung Hae-seong đã tạo cơ hội cho người hàng xóm nới rộng khoảng cách, nhưng vẫn còn thời gian sửa sai. CLB TP.HCM cần có sự điều chỉnh nếu không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua vô địch mùa này.