Bình luận
Thắng một trận, người khác có thể nói bạn may mắn. Nhưng thắng 10 trận, đó là đẳng cấp.
CLB Hà Nội chưa thắng được TP.HCM 10 trận. Từ lúc đối thủ trở lại V.League, họ mới thắng 9 trận. Năm 2017, khi đội bóng miền Nam còn khoác trên mình tấm áo cũ, Nguyễn Văn Quyết và đồng đội rời sân với tỷ số 4-0. Hôm 16/9, khi đối thủ đã trở thành một thế lực, họ vẫn thắng với cách biệt bằng đúng năm xưa.
Cách mà CLB Hà Nội đánh bại đối thủ, cách họ dễ dàng vượt qua mọi khó khăn, cách họ làm đảo lộn mọi dự đoán chứng minh rằng họ vẫn là điều thực sự khác biệt trong thời đại này của V.League.
90 phút thể hiện quyền lực
Màn trình diễn của CLB Hà Nội trước đội TP.HCM ở Hàng Đẫy là sự mô tả ngắn gọn nhất về triều đại của họ ở V.League 10 năm qua. Những học trò của HLV Chung Hae-seong có thể đá tốt, có thể được đánh giá cao hơn đối thủ. Họ có thể đứng vững, thậm chí áp đảo Hà Nội ở vài thời điểm trong trận như cái cách mà SLNA, Bình Dương hay Thanh Hóa từng làm được trong quá khứ.
Nhưng cũng giống như các CLB kia, khi tiếng còi hết trận vang lên, CLB TP.HCM vẫn là đội thua.
Tính từ mùa giải 2010, CLB Hà Nội là đội duy nhất luôn nằm trong top 3. Các đội bóng khác có thể lên hoặc xuống, một mình họ vẫn vững vàng trên đỉnh.
CLB Hà Nội chỉ dùng duy nhất một ngoại binh ở trận gặp TP.HCM hôm 16/9. Ảnh: CLB Hà Nội. |
Nhiều người nói phiên bản 2020 là tập thể CLB Hà Nội yếu nhất lịch sử. Nhưng tập thể yếu nhất ấy đã vào tới chung kết Cúp Quốc gia và lặng lẽ trở lại top 4 V.League. Họ chỉ còn kém ngôi đầu của đối thủ Sài Gòn đúng 5 điểm. Cứ đá thế này, họ sẽ sớm đòi lại vị trí cũ.
Đấy là kịch bản quen thuộc đã xuất hiện xuyên suốt một thập kỷ qua. Nếu CLB Hà Nội ở trạng thái mạnh nhất, không ai cản được họ. Ngay cả khi đội Hà Nội gặp vấn đề, các đối thủ cũng khó lòng áp đảo. Mùa trước, đoàn quân của HLV Chu Đình Nghiêm đá bốn mặt trận, đặt châu Á làm mục tiêu lớn nhất, vắt kiệt sức các trụ cột. Nhưng ở V.League, họ vẫn về đích với 5 điểm cách biệt.
Trong mùa giải này, CLB Hà Nội và CLB TP.HCM đã gặp nhau ba lần. Quang Hải và đồng đội toàn thắng.
Ở trận đấu cụ thể tại Hàng Đẫy tối 16/9, HLV Chu Đình Nghiêm “chấp” đối thủ tới 2 “Tây”. Đại diện thủ đô chỉ có một mình Oloya Moses trong khi đội TP.HCM có cả Seo Yong-Duk cùng cặp đôi triệu USD tới từ Costa Rica. Nếu đây không phải CLB Hà Nội, chêch lệch về số lượng ngoại binh có thể đặt dấu chấm hết cho mọi đội bóng ở V.League.
Nhưng tại Hàng Đẫy, điều đó không diễn ra. Bộ tứ vệ với 4 cầu thủ tự đào tạo, không ai vượt quá tuổi 25 của CLB Hà Nội đã vô hiệu hóa thành công hai tiền đạo ngoại binh của đối thủ. Trong khi ấy, hàng công ghi 5 bàn. Cả 5 bàn đều thuộc về những cầu thủ nội.
Cùng với HAGL, Hà Nội là đội bóng hiếm hoi mà ngoại binh không đóng vai trò chủ đạo. Cầu thủ ngoại hay tới đâu về Hà Nội cũng phải thích ứng với lối chơi của đội bóng, phải thay đổi nếu muốn trụ lại. Đây là đội bóng có thể mỗi năm đều thay tiền đạo dù cầu thủ ấy mới giành Vua phá lưới, có thể để chân sút tốt nhất cho CLB khác mượn mà không ảnh hưởng tới thành tích (Hoàng Vũ Samson).
Nếu 90 phút ở Hàng Đẫy là trận cầu biểu tượng của CLB Hà Nội thì Quang Hải là nhân vật tiêu biểu cho đội bóng. Anh quê ở Hà Nội, là sản phẩm của lò đào tạo, là ngôi sao lớn nhất của đội bóng. CLB Hà Nội và Quang Hải đều có những điểm tương đồng.
Họ nói ít, làm nhiều, và khi đá nghiêm túc thì không ai cản nổi.
Nếu Công Phượng vào sân, kết quả trận đấu có lẽ cũng không khác nhiều. Ảnh: Minh Chiến. |
Sức mạnh từ hệ thống đào tạo
Lịch sử V.League luôn là cuộc đua kim tiền của các ông bầu. Nguyên tắc ấy gần như không đổi suốt hai thập kỷ qua. Ông bầu nào chi nhiều nhất, đội bóng ấy sẽ giành ngôi vô địch. CLB Hà Nội từng là một đội bóng như thế với thương vụ Lê Công Vinh là dẫn chứng điển hình.
Nhưng trong 5-6 năm qua, điều đó đã thay đổi. Khi hệ thống đào tạo trẻ của CLB Hà Nội bắt đầu có kết quả.
Sự khác biệt của lò đào tạo Hà Nội có lẽ không nằm ở phương pháp hay giáo án huấn luyện, thứ vốn luôn là thiếu sót của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tinh túy của lò đào tạo này có lẽ đến từ hệ thống HLV. Khoảng một nửa số đội V.League từng được dẫn dắt bởi những HLV đến từ lò trẻ Hà Nội. Rất nhiều trong số ấy đã nắm quyền ở tuyển Việt Nam, U23 và U19.
Trong 5 HLV Việt Nam đầu tiên có bằng Pro, bằng cấp cao nhất của nghề huấn luyện, 3 người đã trực tiếp làm việc tại Hà Nội. Đấy là Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Thắng và Phan Thanh Hùng.
Người ta thường nói triết lý ngày nay của Hà Nội có nguồn gốc từ lối đá của tuyển Việt Nam dưới thời Henrique Calisto, người đã trọng dụng Phan Thanh Hùng làm trợ lý số một. Nhưng qua thời gian, CLB Hà Nội đã phát triển được một hệ triết lý riêng của họ, trực diện hơn, hiệu quả hơn. Khác với tuyển Việt Nam của Calisto vốn sở trường phòng ngự phản công, CLB Hà Nội luôn là đội chủ động tấn công, kiểm soát và áp đặt.
7/11 vị trí trong đội hình CLB Hà Nội trước TP.HCM là những cầu thủ tự đào tạo. Ảnh: Minh Chiến. |
Có thầy giỏi, ắt có trò giỏi
Thành công của một lò đào tạo phải xem xét dựa trên số lượng cầu thủ trẻ lên đội một và đá chuyên nghiệp. Không đội nào ở V.League làm điều đó tốt hơn Hà Nội. V.League 2020 có hai đội bóng “xuất phát điểm” từ CLB Hà Nội là Hà Tĩnh và đội đầu bảng Sài Gòn. Cầu thủ Hà Nội chơi rải đều từ Bắc tới Nam. Đội trưởng của CLB TP.HCM ở trận vừa qua là Sầm Ngọc Đức, người đã làm nên sự nghiệp từ những năm tháng ở Hàng Đẫy.
Bởi thế, khi Đỗ Hùng Dũng bảo lên đội một Hà Nội khó hơn vào tuyển Việt Nam, mọi người đều gật gù đồng ý.
Chất lượng cầu thủ tự đào tạo cực cao khiến CLB Hà Nội không cần lệ thuộc vào thị trường. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, đội bóng này gần như không phải mất tiền cho hoạt động chuyển nhượng nội binh. Trong khi các CLB khác liên tục đổ tiền vào bom tấn, đội Hà Nội chọn tăng cường cho thượng tầng. Vài sự bổ sung thú vị của họ trong thời gian qua đều nhắm tới mục tiêu củng cố hoạt động đào tạo như GĐKT Daniel Enriquez (đã rời đội bóng) hay Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ Dương Nghiệp Khôi. Họ cũng suýt có thêm “hàng xịn” Jurgen Gede nếu quá trình đàm phán không đổ bể vào phút chót.
Nền tảng cực tốt ấy giúp họ liên tiếp chiến thắng ở sân chơi quốc nội. Chiến thắng lại đẻ ra chiến thắng. Càng thắng nhiều, sự tự tin của cầu thủ càng lên cao. Khi CLB Hà Nội đá tứ kết Cúp Quốc gia, HLV Cần Thơ đã nói đội bóng của ông vinh dự vì được gặp đối thủ này. Đó là một sự tôn trọng hiếm thấy dành cho một CLB bóng đá Việt Nam.
Nhìn CLB Hà Nội ra sân, người ta thấy họ có cái khí phách của Manchester United hay Juventus thời kỳ đỉnh cao. Đấy là những đội bóng luôn tin rằng họ đủ sức thắng trong mọi hoàn cảnh. Khí thế của họ khiến đối thủ ra sân là tim đập chân run, chưa đá đã nhận phần thiệt.
Khi Đỗ Văn Thuận ghi bàn rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2 cho TP.HCM tối 16/9, không nhiều người dám tin rằng đội bóng của anh có thể lội ngược dòng. Nhưng nếu vai ấy được đổi cho CLB Hà Nội, nhiều kẻ sẽ không ngại đặt cược. Lịch sử chứng minh CLB Hà Nội đã từng nhiều lần làm được điều đó.
Quang Hải và đồng đội chưa trở lại đỉnh bảng V.League. Nhưng ở thời đại này, họ vẫn là ông vua của bóng đá nội.