Trước CLB Hà Nội, lịch sử giải thưởng Quả bóng Vàng chưa từng chứng kiến đội bóng nào 4 năm liên tiếp có cầu thủ được vinh danh ở hạng mục Cầu thủ trẻ xuất sắc. Hai đội bóng từng 3 lần liên tiếp có cầu thủ giành giải là SLNA và HAGL.
Trong 5 gương mặt giành giải Cầu thủ trẻ hay nhất, đội bóng xứ Nghệ có 3 trường hợp giành giải liên tiếp vào các năm 2000 (Phạm Văn Quyến), 2001 (Nguyễn Huy Hoàng) và 2002 (Phạm Văn Quyến). Với HAGL là 3 lần vào các năm 2014 (Nguyễn Tuấn Anh), 2015 (Nguyễn Công Phượng) và 2016 (Vũ Văn Thanh).
Bùi Hoàng Việt Anh là Cầu thủ trẻ hay nhất năm 2020. Ảnh: Quang Thịnh. |
Với việc Bùi Hoàng Việt Anh được vinh danh ở Gala trao giải năm 2020, CLB Hà Nội có lần thứ 4 liên tiếp giành giải ở hạng mục Cầu thủ trẻ hay nhất, sau các giải thưởng năm 2017, 2018 và 2019 của Đoàn Văn Hậu. Họ cũng có lần thứ 7 sở hữu cầu thủ trẻ nhận giải Cầu thủ trẻ xuất sắc, vượt qua SLNA với 6 lần.
Cả CLB Hà Nội, HAGL và SLNA đều sở hữu hệ thống đào tạo trẻ có tiếng. SLNA có bề dày truyền thống và thành tích, nhưng để tiêu biểu cho sự hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực tự đào tạo, thì CLB Hà Nội lại cho thấy họ là đơn vị có những bước chuyển mình ấn tượng nhất.
Chia sẻ với Zing, chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú lý giải: "Không nên chỉ nhìn vào những giải thưởng cá nhân và danh hiệu tập thể để đánh giá một hệ thống đào tạo trẻ có thành công hay không. Việt Nam có nhiều hệ thống đào tạo trẻ thành công. Công tác đào tạo của HAGL, SLNA, thậm chí Nam Định cũng đều được coi là thành công, bởi vì mục đích của đào tạo trẻ là sản sinh ra cầu thủ chất lượng".
"Quá trình đào tạo ra một nhân tài bóng đá gồm 3 khâu cơ bản: Phát hiện, đào tạo và phát triển. Đội bóng nào làm được cả 3 khâu này sẽ là đơn vị thành công. Hầu hết đội bóng ở Việt Nam đều làm tốt 2 khâu đầu tiên. Tôi lấy ví dụ HAGL. Khâu phát hiện và đào tạo của họ quá tốt, nhưng khâu cuối cùng là điều kiện phát triển thì đến nay vẫn là một dấu hỏi".
Những danh hiệu ở sân chơi trong nước và dấu ấn ở đấu trường quốc tế những năm qua giúp cầu thủ CLB Hà Nội được tôn vinh ở giải thưởng Quả bóng Vàng. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, CLB Hà Nội đã làm tốt cả 3 khâu của quá trình sản sinh ra nhân tài, nhất là giai đoạn cuối cùng.
"Khâu quan trọng nhất sau khi đào tạo là cho cầu thủ một môi trường để phát triển. Các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia là nơi để phát triển, nơi để chắp cánh cho ước mơ của anh ta. Nếu chỉ nhìn Quang Hải, Văn Hậu, Việt Anh giành giải thưởng mà bảo nhờ CLB Hà Nội đào tạo tốt là chưa đủ. Bởi vì mấu chốt là CLB Hà Nội đã phát triển tài năng trẻ như thế nào".
"Hãy nhìn cách làm của CLB Hà Nội. Họ gửi cầu thủ trẻ đi thi đấu các giải trẻ rồi đến hạng Nhất, trước khi nhặt vài em lên dần đội một. Chiến lược thông minh của các huấn luyện viên giúp các cầu thủ này không bị ngợp, nên chỉ cần một thời gian ngắn là họ có thể nhanh chóng bắt nhịp với V.League. Khi đã được đá V.League, cầu thủ sẽ có môi trường để phát triển".
"Nguyễn Hữu Thắng là một sản phẩm đào tạo chất lượng của CLB Viettel, nhưng sau này cậu ấy có trở thành ngôi sao hay không phụ thuộc vào việc đội bóng trao cơ hội phát triển như thế nào", theo chuyên gia Phan Anh Tú. Ảnh: Minh Chiến. |
CLB Hà Nội đã vượt SLNA để trở thành đội bóng có cầu thủ giành nhiều Quả bóng Vàng Việt Nam nhất (khi đang thi đấu cho CLB).
Trước Văn Quyết, các cầu thủ của Hà Nội từng được vinh danh là Dương Hồng Sơn, Phạm Thành Lương, Nguyễn Quang Hải và Đỗ Hùng Dũng. Ba trong 5 người là sản phẩm của công tác đào tạo trẻ Hà Nội. Thành Lương chính là người nắm kỷ lục về giải thưởng Quả bóng Vàng (4 lần).
SLNA có Võ Văn Hạnh, Phạm Văn Quyến và Lê Công Vinh. Đội bóng xứ Nghệ không còn cầu thủ nào giành Quả bóng Vàng kể từ sau khi Công Vinh được vinh danh năm 2007, cũng không còn ai được trao giải Cầu thủ trẻ xuất sắc sau Trần Phi Sơn năm 2012.
"Phải hiểu cho SLNA bởi đó là khó khăn trong thời gian dài của họ. Chúng ta không thể chê đội này đội kia đào tạo trẻ không tốt nếu chỉ nhìn vào những hạn chế thành tích. SLNA đào tạo ra nhiều cầu thủ giỏi, nhưng họ đều phải ra đi đến những môi trường khác. Khi những cầu thủ giỏi ra đi, những lớp kế cận ở SLNA chịu thiệt thòi bởi vì họ không có đàn anh kinh nghiệm dìu dắt, không có tính tiếp nối".
"CLB Hà Nội thành công được như thế là bởi họ tạo ra được môi trường cạnh tranh mơ ước cho các cầu thủ trẻ. Các lớp kế cận luôn được đàn anh chỉ đường dẫn lối, được HLV dìu dắt và sử dụng theo triết lý rõ ràng. Nói tóm lại, trong bóng đá chuyên nghiệp, đội bóng nào có tiềm lực, điều kiện và tham vọng rõ ràng ở V.League sẽ tạo ra môi trường tốt để cầu thủ trẻ được phát triển", ông Phan Anh Tú bình luận.