Thậm chí, việc thiếu vắng chiến lược gia gốc Thanh Hóa trên băng ghế huấn luyện còn khiến đương kim á quân V.League trải qua những kỷ lục buồn.
Dưới sự dẫn dắt của ông Nghiêm, Văn Quyết và đồng đội chưa thua HAGL, khiến Viettel "khớp" mỗi khi đối đầu. Song, đó chỉ là quá khứ. HLV tạm quyền Hoàng Văn Phúc là lựa chọn mang tính tình thế, khi HLV Park Choong-kyun chưa thể bắt tay vào công việc.
Dười thời HLV Chu Đình Nghiêm, CLB Hà Nội là đội bóng rất khó bị đánh bại. Đồ họa: Minh Phúc. |
Kết quả, sau ba vòng đấu, CLB Hà Nội chỉ có được một trận thắng trước Quảng Ninh - đội bóng đang trong cơn khủng hoảng tài chính. Lần đầu tiên từ mùa giải 2016, họ thua HAGL. Lần đầu tiên họ thua Viettel từ khi đối thủ lên chơi chuyên nghiệp. CLB Hà Nội từ vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng sau vòng 7, tụt xuống đứng thứ 8. Khoảng cách so với HAGL bị nới rộng từ 6 điểm lên thành 12 điểm.
Khó trách HLV Hoàng Văn Phúc
HLV Hoàng Văn Phúc đồng ý làm "người đóng thế" trong bối cảnh CLB Hà Nội khủng hoảng. Bruno, Geovane và Quang Hải chấn thương, còn Văn Quyết cùng Bùi Hoàng Việt Anh bị treo giò. Cùng với đó là chuỗi thành tích không tốt với vị trí thứ 6. Thậm chí, Chủ tịch Đỗ Vinh Quang của đội bóng này còn nhắc đến khả năng phải đua trụ hạng ngay trong ngày đầu ông Phúc làm việc.
Nhà cầm quân sinh năm 1964 chỉ có ít ngày làm việc trước khi đối đầu liên tiếp Viettel, Quảng Ninh rồi HAGL. Ở thời điểm đó Quảng Ninh còn đang đứng vị trí thứ hai, còn Viettel đứng thứ tư trên bảng xếp hạng.
Sẽ là bất khả thi nếu yêu cầu HLV Hoàng Văn Phúc thay đổi lối chơi vốn trở thành bản sắc của CLB Hà Nội chỉ trong vòng 10 ngày và tới trận gặp HAGL, điều đó được thể hiện rõ trong hiệp một. CLB Hà Nội không còn cầm bóng, chơi áp đặt như thường thấy. Những đường bóng dài dường trở nên vô hiệu trước hàng thủ chơi tập trung và có phong độ cao của HAGL.
Sang hiệp hai, CLB Hà Nội dường như nôn nóng và sử dụng nhiều những pha bóng mang tính cầu may hơn. Trong một thế trận kín kẽ, tập trung từ đối thủ, việc cầu may là không đủ để đem về một bàn thắng. Thất bại là điều khó tránh với CLB Hà Nội.
HLV Hoàng Văn Phúc chỉ đóng vai trò tạm quyền trong thời gian CLB Hà Nội chờ HLV người Hàn Quốc. Ảnh: Thế Anh. |
Sai lầm khi sa thải HLV Chu Đình Nghiêm?
Cuối mùa giải 2019, thông tin HLV Chu Đình Nghiêm chia tay CLB Hà Nội rộ lên. Thực tế, đội bóng thủ đô gần như hoàn tất việc đàm phán với người thay thế chiến lược gia gốc Thanh Hóa.
Song, thương vụ bị đổ bể vào phút chót. HLV Đức Thắng thay vì dẫn dắt CLB Hà Nội đã chọn Bình Định làm điểm dừng chân. Ông Nghiêm tiếp tục công việc ở mùa giải 2020 và khi CLB Hà Nội không thể bảo vệ chức vô địch V.League, chuyện đi hay ở của nhà cầm quân này lại được đem ra bàn tán.
HLV Chu Đình Nghiêm ngồi ghế nóng ở CLB Hà Nội từ đầu mùa 2016. Dưới thời nhà cầm quân này, CLB Hà Nội không chỉ trở thành thế lực trong nước mà còn vươn tầm ra sân chơi châu lục với việc lọt vào tới chung kết liên khu vực AFC Cup 2019.
HLV Chu Đình Nghiêm giúp CLB Hà Nội giành 8 chiếc cúp. Đồ họa: Minh Phúc. |
Sau quãng thời gian dài thành công, CLB Hà Nội đang ở giai đoạn đi xuống và cần một sự thay đổi về mặt con người. Việc HLV Chu Đình Nghiêm ra đi, với nhiều người, chỉ là vấn đề thời gian. Song, thời điểm chiến lược gia này nói lời chia tay đương kim á quân V.League ở giữa cơn khủng hoảng là lựa chọn không mấy sáng suốt.
"Thay tướng, đổi vận" dường như không áp vào CLB Hà Nội như CLB Hà Tĩnh hay Quảng Nam. Giữa lúc khủng hoảng, việc chia tay vị thuyền trưởng có nhiều gắn bó khiến lòng quân có nhiều biến động. Nhìn cách họ chơi trước Viettel hay HAGL, có thể thấy rõ sự tự tin không còn. CLB Hà Nội đã không còn chơi ở thế cửa trên.
Khi gặp vấn đề tâm lý, và không còn chơi thứ bóng đá vốn là sở trưởng, CLB Hà Nội trở nên vô hại, trước cả những đối thủ chưa bao giờ thắng họ.