Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

CIA đổi chiến lược, 'xoay trục' để ứng phó Trung Quốc

CIA đang thay đổi cách đào tạo, quản lý mạng lưới gián điệp để rời xa cuộc chiến chống khủng bố từng kéo dài 20 năm và tập trung hơn vào các nước như Trung Quốc hoặc Nga.

CIA nham vao Trung Quoc anh 1

Sau hai thập kỷ hoạt động chống lại các nhóm khủng bố Hồi giáo, một số sĩ quan và quản lý tình báo cho rằng Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phải hướng sự tập trung trở lại vào những kỹ năng truyền thống - loại kỹ năng cần thiết để thu thập tình báo từ các nước phức tạp, đặc biệt là Trung Quốc.

Trên lý thuyết, sự thay đổi trên sẽ cho phép CIA bố trí nhân lực tốt hơn tại những tiền đồn then chốt với việc thu thập tình báo từ Trung Quốc từ các địa điểm xa xôi.

Chẳng hạn, miền Tây châu Phi có nhiều khoản đầu tư cơ sở hạ tầng Trung Quốc nhưng không ai muốn được điều động tới đây vì bị cho là cách xa so với diễn biến quan trọng, các nguồn tin cho biết.

Ngoài ra, động thái này cũng sẽ đảm bảo CIA đào tạo được các sĩ quan có chuyên môn phù hợp về lâu về dài.

Chính sách cũ đã tồn tại từ hậu 11/9

Tuy không quá nổi bật, sự thay đổi trong cách quản lý nhân sự của CIA có thể có tác động đáng kể tới cuộc sống của nhân viên tình báo, đặc biệt là trong giai đoạn đầu sự nghiệp.

Trước đó, chính sách nhân sự của CIA được đưa ra sau vụ khủng bố 11/9/2001 để đáp ứng nhu cầu nhân lực tại các vùng chiến sự đang ngày một phình ra của Mỹ.

Theo chính sách này, đặc vụ CIA sẽ được tự do hơn khi luân chuyển giữa các đơn vị khác nhau, thay vì bị gò bó hành trình.

Những thay đổi hậu 11/9 đã gây ra nhiều tranh cãi. Một số cựu đặc vụ CIA cho rằng chính sách cũ giúp nhân sự được linh hoạt hơn, nhưng kết quả là họ được đào tạo ít hơn, các bước phát triển có ý nghĩa trong sự nghiệp cũng bị giảm về số lượng.

CIA nham vao Trung Quoc anh 2

Tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia. Ảnh: AP.

Theo chính sách mới, những trung tâm sứ mệnh của CIA - tức các đơn vị phụ trách một vùng địa lý hoặc một thách thức xuyên quốc gia - sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với việc đào tạo dài hạn về kỹ năng, ngôn ngữ và các hình thức đào tạo khác dành cho cán bộ tình báo.

Chính sách mới phần nào vẫn có độ linh hoạt, tức là cán bộ tình báo sẽ không bị khóa chặt vào duy nhất một vùng địa lý. Nhưng các nguồn thạo tin cho biết nhân sự CIA sẽ không trở thành điệp viên tự do cho tới giai đoạn sau này trong sự nghiệp.

Dù có một số thay đổi nhỏ, chính sách mới là cách CIA quay trở lại phương thức quản lý sự nghiệp các cán bộ tình báo trẻ từ trước khi có cuộc chiến chống khủng bố.

“Trên nhiều phương diện, CIA dường như đang cố gắng khôi phục một số thứ từng rất hiệu quả trước khi cuộc chiến chống khủng bố chi phối trí óc của mọi người”, Thad Troy, cựu sĩ quan tình báo CIA từng làm chỉ huy ở thủ đô một số nước châu Âu, nhận xét.

Việc “trói” đặc vụ vào một vùng địa lý hoặc một vấn đề chuyên biệt “sẽ cải thiện nhiệm vụ chung trên phạm vi toàn cầu, vì bạn xây dựng và hoàn thiện được vấn đề hoặc kỹ năng chuyên biệt ở khu vực ấy, đồng thời giúp các cán bộ tình báo có một nơi để trau dồi, phát triển và được dẫn dắt”, ông Troy nói.

CIA nham vao Trung Quoc anh 3

Căn cứ CIA ở Kabul bị phá hủy khi quân đội Mỹ rời đi. Ảnh: New York Times.

Sự thay đổi trên không phải chỉ để ứng phó Trung Quốc.

“Chúng tôi lúc này rất tập trung vào Trung Quốc, nhưng tôi cần phải nói là trong mọi cuộc thảo luận về đại lục, chúng tôi đã nói rõ rằng mình là Cục Tình báo Trung ương, không phải Cục Tình báo Trung Quốc”, Phó giám đốc CIA David Cohen nói trong một hội thảo tình báo gần đây.

Tuy nhiên, ông Cohen cũng lưu ý “chúng tôi nhận ra mình thật sự cần tăng cường và đồng bộ các hoạt động về Trung Quốc”.

Mục tiêu khó nhằn

Theo lời các chuyên gia tình báo, Trung Quốc là một “mục tiêu khó nhằn” vì nước này khó bị CIA thâm nhập, dù là thông qua phương thức điện tử hay tuyển mộ gián điệp.

Quan chức tình báo đã và đang làm việc cho CIA đều cho rằng tình báo Mỹ bên trong Trung Quốc yếu kém tới "phát bực" vì nhiều lý do.

Chính sách mới có thể giúp khắc phục thách thức trên, thông qua việc xây dựng những chuyên gia về khu vực trong thời gian dài, đồng thời bố trí họ vào đúng nơi, đúng chuyên môn, các cựu quan chức CIA cho biết.

“Với chúng tôi, điều quan trọng là sứ mệnh tổng thể có sự tham gia của người vững chuyên môn về một khu vực hoặc về một vấn đề”, ông Troy nói. “Một người không thể có được điều đó chỉ trong 6 tháng mà phải làm việc trong một khu vực hoặc về một vấn đề trong 10 năm trở lên”.

CIA nham vao Trung Quoc anh 4

Hệ thống giám sát tiên tiến tại Trung Quốc làm khó tình báo Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trong vài năm kể từ sau năm 2010, Bắc Kinh đã phá hủy mạng lưới gián điệp của CIA với ít nhất hơn 10 người bị tiêu diệt hoặc bỏ tù chỉ trong hai năm, theo New York Times. Những mạng lưới như vậy tốn nhiều năm để phát triển, và đến nay chưa thể khôi phục.

Những người chỉ trích tin rằng việc CIA tập trung vào nhiệm vụ chống khủng bố khiến công tác thu thập tình báo truyền thống bị suy yếu.

Cùng lúc đó, sự phát triển của dữ liệu lớn (big data) và công nghệ giám sát đã tạo ra khó khăn lớn cho người làm công tác thu thập tình báo. Thời kỳ mà đặc vụ CIA chỉ cần cầm cuốn hộ chiếu mới và lấy tên giả khi đặt chân vào nước khác đã trôi qua từ lâu.

Dù vậy, các quan chức cấp cao vẫn cho rằng CIA chưa thể giảm bớt sự tập trung vào chống khủng bố. Phát biểu tại một hội nghị vào ngày 6/12, Giám đốc CIA William Burns liệt kê Nga, Trung Quốc, Iran và chống khủng bố là các thách thức mà Mỹ không được thờ ơ.

Sự thay đổi trong chính sách quản lý nhân lực chỉ là một trong nhiều biện pháp của CIA nhằm tăng cường năng lực tình báo và phân tích để nhắm vào Trung Quốc.

Thời gian qua, CIA đã thành lập Trung tâm Sứ mệnh Trung Quốc. Đây là trung tâm sứ mệnh duy nhất chỉ tập trung vào một quốc gia, thay vì một vùng địa lý.

Giám đốc Burns cũng từng công khai cho biết đang cân nhắc triển khai các chuyên gia về Trung Quốc và bố trí họ ở những nơi Mỹ và Trung Quốc cùng hoạt động.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ trong tháng này cũng cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đã tăng 20% chi tiêu cho hoạt động liên quan tới Trung Quốc trong năm tài khóa trước.

Hàng chục gián điệp CIA bị bắt giữ, hành quyết ở nước ngoài

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ thừa nhận ngày càng nhiều gián điệp của họ ở nước ngoài bị bắt hoặc hành quyết. Một số người còn bị tình báo sở tại lợi dụng để hoạt động hai mang.

Cựu tù nhân của CIA: 'Tôi phải cúi mình như một con chó'

Lần đầu tiên trong lịch sử, một cựu thành viên al-Qaeda từng bị Mỹ giam giữ trong hệ thống nhà tù bí mật miêu tả chi tiết các biện pháp tra tấn mà ông phải chịu đựng.

Quốc Đạt

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm