Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu tù nhân của CIA: 'Tôi phải cúi mình như một con chó'

Lần đầu tiên trong lịch sử, một cựu thành viên al-Qaeda từng bị Mỹ giam giữ trong hệ thống nhà tù bí mật miêu tả chi tiết các biện pháp tra tấn mà ông phải chịu đựng.

Majid Khan, 41 tuổi, cựu thành viên al-Qaeda, xuất hiện tại tòa án quân sự Mỹ trong căn cứ hải quân Guantanamo hôm 28/10, theo New York Times. Từng tốt nghiệp trung học tại Mỹ, Khan gia nhập tổ chức khủng bố khét tiếng trên sau những biến cố gia đình và vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Tại phiên tòa, Khan kể lại chi tiết các biện pháp tra tấn mà ông phải chịu đựng trong giai đoạn 2003-2006, trong thời gian bị giam giữ tại hệ thống nhà tù bí mật của Mỹ tại nước ngoài. Ông là tù nhân đầu tiên công khai mô tả các “kỹ thuật tra tấn nâng cao” mà nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng để moi thông tin.

Biện pháp tra tấn tàn bạo

Trong hơn hai giờ đồng hồ, Khan hồi tưởng về cảnh tra tấn, từ việc bị lột trần và trùm kín đầu tới những lúc bị trói tay khiến bản thân không thể ngủ. Ông cũng kể lại về những lần suýt chết ngạt khi bị nhân viên thẩm vấn dí đầu vào nước lạnh. Biện pháp này được thực hiện tại không chỉ một, mà là hai nhà tù khác nhau.

Ngay sau khi bị bắt giữ tại Pakistan tháng 3/2003, ông tỏ ra hợp tác và khai ra toàn bộ những gì mình biết với mong muốn được thả. “Tuy vậy, khi tôi càng hợp tác, tôi càng bị tra tấn nhiều hơn”, ông kể lại.

cia tra tan anh 1

Majid Khan cho biết ông tiếp tục bị tra tấn dù đã hợp tác với những người bắt giữ mình. Ảnh: New York Times.

Theo hồ sơ, năm 2012, Khan thừa nhận các tội danh khủng bố, bao gồm chuyển 50.000 USD từ Pakistan cho một chi nhánh của al-Qaeda đầu năm 2003. Số tiền này được sử dụng vào vụ đánh bom khách sạn Marriott tại Jakarta, Indonesia tháng 8/2003, khiến 12 người thiệt mạng và 150 người bị thương.

Ông cũng lên kế hoạch nhiều hành vi phạm tội khác cùng với Khalid Shaikh Mohammed, kẻ được cho là chủ mưu vụ tấn công khủng bố 11/9.

Tại phiên tòa, Khan bày tỏ sự hối hận vì làm tổn thương người khác, tiếp nhận chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và gia nhập al-Qaeda. Đồng thời, ông cũng tìm cách vượt qua sự kiểm duyệt của tình báo Mỹ để tiết lộ về các biện pháp tra tấn mà bản thân phải chịu đựng.

“Tôi tha thứ cho những người từng tra tấn mình”, ông nói. “Mong rằng ở ngày phán xét, thánh Allah sẽ đối xử với tôi và họ như nhau. Tôi cũng mong nhận được sự tha thứ từ những người bị tôi làm hại, làm tổn thương”.

Ông kể lại bản thân bị đánh đập, lột bỏ quần áo, bị xích vào tường và phải cúi mình “như một con chó”, hay bị treo lên xà nhà. Bị giam giữ trong bóng tối, mỗi lần chuyển giữa các xà lim ông đều bị trùm kín đầu, kéo lê và cùm chân, khiến đầu liên tục bị đập vào sàn nhà, tường và cầu thang.

Mỗi khi di chuyển giữa các nhà tù, ông đều bị thụt hậu môn và đóng bỉm để không cần đi vệ sinh khi di chuyển. Ông cũng bị trùm kín đầu, trừ một lần bị cuốn băng dính khắp mặt.

Khi bị giam giữ tại một quốc gia Hồi giáo, ông được phép cầu nguyện. Tuy vậy, thi thoảng người Mỹ không cho phép ông làm vậy.

Trước đó, luật sư của Khan cho biết ông bị thiếu ngủ đến mức gặp ảo giác. Ông hồi tưởng bản thân từng thấy một con bò và một con thằn lằn khổng lồ lao đến khi bị treo trên xà nhà. Khi cố đá chúng đi, ông mất cân bằng và bị các sợi xích siết chặt.

cia tra tan anh 2

Môt cuộc biểu tình chống các biện pháp tra tấn của CIA bên ngoài Nhà Trắng, thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: Guardian.

Ông Khan nhận được sự chú ý sau khi Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố báo cáo về hoạt động của CIA năm 2014. Bản báo cáo miêu tả CIA xay nhuyễn thức ăn và bơm vào cơ thể Khan khi ông từ chối ăn. CIA gọi đây là “nuôi ăn”, còn Khan gọi đây là “cưỡng bức”.

Ông tố cáo CIA bơm nước vào hậu môn khi tù nhân không tuân theo lệnh uống nước. Sau khi bị tra tấn, ông mất kiểm soát đường ruột và có dấu hiệu của bệnh trĩ.

Một phương pháp khác được CIA sử dụng khi tù nhân tuyệt thực là cắm đường ống qua mũi đến họng để đưa thức ăn vào cơ thể. Ít nhất một lần ông Khan bị dùng ống bơm để đưa thức ăn vào dạ dày. Kỹ thuật này khiến ông bị co thắt dạ dày và tiêu chảy.

Con đường trở thành khủng bố

Sau phiên tòa, CIA từ chối bình luận về những miêu tả của ông Khan. Họ cũng khẳng định chương trình giam giữ và thẩm vấn đã kết thúc từ năm 2009.

Cha và chị gái của ông Khan, đều là công dân Mỹ, được phép tham dự phiên tòa. Đây là lần đầu tiên họ thấy ông kể từ khi ông rời nước Mỹ để gia nhập al-Qaeda.

Ban đầu, họ không nhận ra ông Khan. Chính ông Khan là người nhìn thấy họ và vẫy tay trước. Trong phiên tòa, ông Khan thường xuyên quay đầu về phía sau, thậm chí tạo hình trái tim bằng tay.

Các luật sư xin cấp phép để vợ con ông Khan được đến phiên tòa. Tuy vậy, giới chức quân sự Mỹ phản đối sự hiện diện của họ. Giống như Khan, vợ con ông là công dân Pakistan.

Theo New York Times, ông Khan và cơ quan công tố đã đạt thỏa thuận với các quan chức cấp cao trong Lầu Năm Góc. Theo đó, ông Khan sẽ được thả sớm nhất vào tháng 2/2022 và muộn nhất vào tháng 2/2025 nhờ quá trình hợp tác với giới chức Mỹ.

cia tra tan anh 3

Một góc nhà tù Guantanamo của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Theo lời khai của Khan trước tòa, ông sinh ra tại Saudi Arabia và lớn lên tại Pakistan, trước khi cả gia đình chuyển đến Mỹ năm ông 16 tuổi. Khan tốt nghiệp phổ thông tại Mỹ và làm việc tại một công ty viễn thông, trước khi hai sự kiện năm 2001 khiến cuộc đời ông thay đổi: Cái chết của người mẹ và vụ khủng bố 11/9/2001.

Khi mới đến Mỹ, cuộc sống của ông dường như chia thành hai nửa, một bên là gia đình truyền thống Pakistan, một bên là những niềm vui của một thiếu niên Mỹ. Ông miêu tả bản thân “thường xuyên sử dụng cần sa và có vài bạn gái”. Tuy vậy, sau khi mẹ mất, ông trở thành tín đồ Hồi giáo ngoan đạo hơn.

Trong một chuyến về thăm Pakistan năm 2002, ông Khan lấy vợ qua một cuộc hôn nhân sắp đặt. Cũng trong thời điểm đó, ông gặp những người họ hàng có liên hệ với al-Qaeda và từng tham gia thánh chiến tại Afghanistan.

“Tôi cảm thấy mất phương hướng. Họ đã thuyết phục tôi”, ông nói. Những người họ hàng cho ông xem các đoạn phim tuyên truyền về nhà tù Guantanamo. Ông không ngờ bản thân sẽ bị giam giữ tại đó trong tương lai không xa.

“Tôi tự nguyện gia nhập al-Qaeda”, ông hồi tưởng. “Tôi đã ngu ngốc đến khó tin. Họ hứa hẹn xoa dịu nỗi đau và gột sạch tội lỗi của tôi. Tôi đã tin tưởng họ”.

Bài liên quan

Bên trong căn cứ bí mật của CIA ở Kabul

Bên trong căn cứ bí mật của CIA ở Kabul

Nhiều xe cộ và khí tài Mỹ từng được CIA dùng để điều hành hoạt động bí mật ở Afghanistan bị thiêu rụi hoặc phá hủy trước khi lực lượng này rời đi hồi cuối tháng 8.

Việt Hà

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm