Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyến xe định mệnh đã cướp đi vĩnh viễn 2 tài năng đang ở độ chín

Tình yêu và tính thiện là hai thông điệp nổi bật, sâu sắc của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ để lại, nó hiện hữu trong tác phẩm, trong sự thương nhớ khôn nguôi của bạn bè, văn nghệ sĩ.

Ngày 29/8 của 30 năm trước, chuyến xe định mệnh đã vĩnh viễn lấy đi hai tài năng của văn học nghệ thuật đang vào độ chín rộ, để lại sự thương nhớ khôn nguôi với những người ở lại.

Nhiều bạn bè của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh thương xót cho hai tài năng sống một đời nhiều gian khó, lại ra đi khi tài năng đang chín. Nhưng nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay, em ruột nhà thơ Lưu Quang Vũ - bảo, thật ra anh chị của anh sống chưa được hưởng, nhưng khi mất đi thì có hậu. Bởi dù họ đã đi xa 30 năm, thì bạn bè, người thân, rất nhiều người yêu nghệ thuật vẫn luôn trân trọng họ. Được sống, được sáng tạo, được yêu thương hết mình đã là hạnh phúc, may mắn rồi.

"Tôi bao giờ cũng chảy nước mắt khi nhớ về họ"

“Kìa bao người yêu mới/ Đi qua vùng heo may/ Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại…” - lời thơ của Xuân Quỳnh được phổ nhạc - đã trở thành tâm sự của nhiều người, mà thật ra là tâm sự của đôi người yêu nhau Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. 

Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, người từ thời trẻ đã vang danh với tập thơ Hương cây, Bếp lửa in chung với Lưu Quang Vũ - nói, ông bao giờ cũng chảy nước mắt khi nghe lời thơ trên của Xuân Quỳnh.

30 nam ngay mat Xuan Quynh,  Luu Quang Vu anh 1
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh qua đời khi tài năng vào độ chín, để lại sự thương tiếc khôn nguôi. 

“Cái điệp khúc ‘Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại’ ấy có thể cũng coi như một lời khẳng định và là niềm tiên cảm cho sức sống và tình yêu của họ với mai sau và tình yêu của mai sau đối với cặp đôi tài hoa bạc mệnh này. Một tình yêu nồng nhiệt trẻ trung vẫn như thuở đầu tiên, một tình yêu vĩnh viễn không già!”, nhà thơ Bằng Việt nói.

Nhà thơ Lê Minh Khuê nhớ Xuân Quỳnh khi chỉ có ruột bút thì đã dùng giấy báo cuốn ruột bút đó lại mà cầm để viết. Trong ký ức nhà thơ Bằng Việt, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ là những thiên tài, đã chớp được những ánh lóe đột biến của tài năng, vì thế họ đi rất xa. Nhưng sau tất cả họ vẫn là những người bạn bình thường, đầy đau khổ.

“Họ là những con người bình thường, đầy vật vã khổ đau, khó nhọc vì con cái, vì cả miếng cơm manh áo, một căn hộ chật cứng trên tầng cao, vì những hạn hẹp của đời sống cán bộ trong thời chiến và thời kinh tế bao cấp”, nhà thơ Bằng Việt nhớ lại.

Nỗi đau đời ấy được thể hiện và nâng tầm lên trong những bài thơ, dù là tả về căn nhà chật, một đêm mất ngủ, một buổi đi xếp hàng mua thức ăn, cho đến một trận bão, một mùa hạn hán…

Nhà thơ Vũ Từ Trang chứng kiến và luôn nhớ về những năm lận đận của Lưu Quang Vũ. Sau thời gian rời quân ngũ, công việc không ổn định, Vũ có nhu cầu đi làm. Anh đã gõ cửa nhiều cơ quan, xin làm tạm một số việc, nhưng cũng không ổn định. Vẽ áp phích, làm thợ kẻ chữ, đi bồi bục kệ triển lãm, làm nhân viên ở phòng tuyên truyền một cơ quan đường sắt… Chỗ nào cũng được dăm tháng, rồi thôi.

Những năm lận đận ấy, may thay Lưu Quang Vũ còn có những người bạn, có nghệ thuật. “Tự do là niềm khao khát, niềm an ủi với Vũ. Căn phòng nhỏ của Lâm râu ở Triệu Việt Vương, chiếc máy quay đĩa cổ lại phá lên bản nhạc của Mozart, Beethoven, Traicopxki… Những bản nhạc thơ mộng và dư dội. Vũ ngồi lặng lẽ góc phòng, ôm mặt, gục đầu trên đầu gối. Rồi Vũ ngửa mặt, tay vuốt ngược tóc, đôi mắt sáng bừng, xa xăm. Cái kim máy hát mòn, gãi trên đĩa than đã cũ xước, tạo âm thanh lạo xạo. Vũ đừng bật dậy, hai tay đút túi quần, đi loanh quanh trong căn phòng”. Hình ảnh, ký ức về Lưu Quang Vũ thời của bí bách, thời của gam màu trầm vẫn hiển hiện sống động trong những người bạn cùng thời.

Gieo mầm thiện, mầm yêu thương cho mai sau

Sống một đời sống chật vật với vất vả, đè nén nhưng cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh không hề để những hạn hẹp ấy làm mờ tối đi những câu thơ của mình. Cơm áo gạo tiền không tầm thường hóa được những tác phẩm của họ.

30 nam ngay mat Xuan Quynh,  Luu Quang Vu anh 2
Tình yêu vượt lên mọi giới hạn là điều Xuân Quỳnh thể hiện trong thơ

Với Xuân Quỳnh, vượt lên mọi đau khổ của đời sống, thơ chị là tiếng nói chân thật về tình yêu. Tình yêu như một sự vĩnh cửu vượt ra ngoài sự thường tình của sinh tử, khi “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt đời thường ai chẳng có/ Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.

Không chỉ tình cảm đôi lứa, Xuân Quỳnh còn viết về những mối quan hệ tình cảm khác kết thành tình yêu, tiếp nối của tình yêu, xung quanh tình yêu, gắn bó với tình yêu. Chị dành những lời chân tình với mẹ chồng: “Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.

Hay khi chị dành yêu thương cho con riêng của chồng - MC Lưu Minh Vũ - người mà Xuân Quỳnh xưng má, gọi con: “Con làm bằng yêu thương/ Của cha và của mẹ/ Của bà và của ông/ Của má nữa - Biết không/ Con làm bằng tất cả”.

PGS.TS Lưu Khánh Thơ với tư cách một người làm nghiên cứu văn chương, em ruột nhà thơ Lưu Quang Vũ dành những lời yêu thương cho tác phẩm chị dâu: “Trong tâm hồn nhạy cảm của Xuân Quỳnh không có một thứ tình cảm nào buông trôi nửa vời. Bao giờ chị cũng đẩy cảm xúc lên ở mức độ cao nhất. Chị luôn luôn nói đến tận cùng những tình cảm của mình… Xuân Quỳnh đã đem chính cuộc đời mình ra để đổi lấy những câu thơ. Với chị, cây bút như là một cái nghiệp, đã cầm lên là phải viết, như số phận không thể khác được”.

Nếu Xuân Quỳnh trao gửi tình yêu trong thơ, thì tác phẩm Lưu Quang Vũ luôn gieo mầm thiện.

Trong các vở kịch, Lưu Quang Vũ luôn đưa ra những bi kịch của số phận, những câu chuyện chua xót của thời thế, để rồi cuối cùng, ánh sáng niềm tin của lẽ phải, của nhân ái, của những điều tốt đẹp luôn tỏa rạng.

Như ở Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt, bên trong cái vỏ quan hệ tâm hồn - thể xác của con người, Lưu Quang Vũ gửi thông điệp về sống thành thật, sống trong sạch, sống vì mọi người, quyết không thể sống giả dối, sống bằng mọi giá, sống trên đau khổ của người khác.

Hay như trong Mùa hạ cuối cùng, qua thực trạng của kỳ thi, tác giả kịch nói rằng lẽ phải, sự trung thực, nhân cách phải là giá trị tuyệt đối của con người.

30 nam ngay mat Xuan Quynh,  Luu Quang Vu anh 3
Cả đời sống và tác phẩm, Lưu Quang Vũ đều gửi lại thông điệp về lòng nhân, tính thiện.

Không chỉ trong tác phẩm, ở đời sống, Lưu Quang Vũ cũng luôn sống thiện và muốn gieo mầm thiện. Nhà báo Lưu Quang Định - em trai của nhà thơ Lưu Quang Vũ - khi được hỏi nhớ gì nhất về anh trai quá cố, đã trả lời đó là lòng nhân từ.

“Sống ở trên đời làm sao để khi mình mất đi người đóng đinh vào quan tài của mình cũng phải khóc”, đó là lời của Lưu Quang Vũ nói với người em trai. Và anh chị em trong gia đình họ luôn sống theo cách đó: “Chúng tôi sống theo thế. Muốn tài năng hay không cũng phải sống tử tế, không làm điều ác hại”.

NSND Doãn Châu, người có mặt trên chuyến xe định mệnh năm 1988 và sống sót sau tai nạn, kể chuyến đi cuối cùng của họ tới Hải Phòng kết hợp công việc và đi nghỉ của hai gia đình. Đêm trước ngày về gặp nạn, gia đình Lưu Quang Vũ và gia đình Doãn Châu ra bãi biển chơi. Ở đó, những đứa trẻ chơi trò chơi, hai người vợ là Xuân Quỳnh và bà Thu (vợ nghệ sĩ Doãn Châu) tâm sự về cuộc sống.

Lưu Quang Vũ và Doãn Châu cũng ngồi riêng, họ kể với nhau về những gian truân, những chật vật đã qua trong đời. Kết thúc câu chuyện, Lưu Quang Vũ có nói với người bạn thân của mình: “Dù có gian khổ, khó khăn đến đâu, vẫn phải sống tốt, sống thiện”.

Lời nói trong đêm cuối trước ngày định mệnh ấy theo NSND Doãn Châu suốt cuộc đời như lời nhắn gửi về cách sống.

Lòng nhân ái, tính thiện là điều mà Lưu Quang Vũ đã sống, gửi gắm lại trong các tác phẩm cho thế hệ sau; như chính lời thơ anh viết: “Tôi chọn bài ca của người gieo hạt/ Hôm nay là mầm, mai sẽ là cây/ Khổ đau dẫu nhiều, tôi chọn niềm vui/ Là suối mát lòng tôi gửi bạn”.

'Bát hương bốc cháy khi thắp nén nhang đầu cho gia đình Lưu Quang Vũ'

Trong ký ức của nhà phê bình Ngô Thảo và bạn bè, họ vẫn nhớ như ngày hôm qua, khi thất kinh nghe tin dữ, chạy xuống Hải Dương đón Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh...




Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm