Những ngày qua, việc nhờ đi chợ hộ gặp khó khăn, nhiều người dân ở TP.HCM đã chọn mua hàng qua các hội, nhóm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, có không ít cá nhân phản ánh bị mất tiền từ những tài khoản "ảo".
"Tình hình dịch bệnh nên khó mua được thức ăn, thấy người bán đúng ý, mình chốt đơn rồi cả tin chuyển tiền trước. Chuyển xong thì bị chặn luôn tài khoản, mất tiền", chị Đỗ Minh Phương kể lại.
Chuyển tiền xong, bị chặn tin nhắn
Chỉ cần gõ tìm kiếm "chợ online" trên Facebook sẽ cho ra rất nhiều gợi ý nhóm tương ứng với các quận, huyện ở TP.HCM. Có những group có gần 40.000 thành viên, trao đổi buôn bán sôi nổi.
Song, bởi các hội nhóm này đông thành viên, để chế độ công khai, không được kiểm duyệt trước nên nhiều tài khoản ảo đã giả mạo để lừa tiền.
Trả lời phỏng vấn Zing, chị N.V. (quận Phú Nhuận) cho biết chị là nạn nhân của một vụ lừa đảo theo kiểu này. Chị cần mua đồ nên đã nhắn tin hỏi chủ của một bài đăng, sau đó được bạn này chào hàng thêm một số thực phẩm khác.
"Người bán muốn mình chuyển khoản tổng đơn hơn 1 triệu đồng, nhưng mình chỉ chuyển cọc 360.000 đồng. Cọc xong thì người này đổi ảnh đại diện và chặn luôn tài khoản của mình", chị N.V. kể.
Bài viết của một số thành viên về việc bị lừa tiền khi đi chợ online. Ảnh: NVCC. |
Không riêng trường hợp của chị N.V., trong một group bán hàng online trên mạng xã hội, cứ 2-3 ngày lại có bài đăng bức xúc về việc bị tài khoản giả mạo lừa tiền. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thiếu đề phòng rồi rơi vào "chiếc bẫy" được dựng sẵn.
Trường hợp chị Đỗ Minh Phương (quận Phú Nhuận) không khác là bao. Khi thấy có người bán rau củ từ Đà Lạt, chị Phương nhắn tin đặt mua mà quên mất phải kiểm tra về tài khoản này. Người đó cũng nói chị chuyển tiền rồi mới đặt shipper.
"Tôi cần thức ăn nên chuyển khoản luôn số tiền 500.000 đồng. Đến lúc hẹn giao đồ thì bị chặn luôn tài khoản. Bữa giờ thấy mọi người cảnh báo, mà không hiểu sao lúc đó lại quên mất", chị Phương thuật lại. Sau đó, chị đăng bài cảnh báo mọi người về chiêu trò lừa đảo của tài khoản giả mạo này.
Không ít người cho biết khi lừa "con mồi" thành công, các tài khoản này sẽ đổi tên, đổi ảnh đại diện để tiếp tục "núp bóng" hoạt động trong group.
"Không chỉ một nick ảo đâu, trường hợp này có đến 3-4 cái tên na ná nhau như vậy. Lừa xong được một người là bắt đầu thay tên đổi họ. Phải tỉnh táo, báo cáo lên quản trị viên để lọc bớt mấy tài khoản có dấu hiệu đáng nghi", tài khoản Thuy An bình luận.
Số tiền mà các nạn nhân bị lừa có khi là vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có lúc lên đến tiền triệu.
Chị N.T.T. sau khi chia sẻ thông tin mình bị lừa đảo lên group chung, có hàng loạt bình luận kể lại câu chuyện chính mình cũng bị lừa theo cách thức tương tự.
"Tôi thấy mình mất gần 500.000 đồng đã rất là buồn và tức rồi, nhưng có chị nhắn bị lừa đến cả 1-2 triệu đồng. Mùa dịch khốn khó mà còn rơi vào tình cảnh như vậy thì tội người ta lắm", chị N.T.T. nói.
"Chiêu" kể khổ, xin tiền
Bên cạnh lừa đảo bằng cách thức bán hàng online giả mạo, hiện nhiều hội nhóm chung cư trên địa bàn thành phố cũng đang cảnh báo về chiêu lừa đảo mới, đánh vào tâm lý muốn chia sẻ, giúp hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch.
"Dạ mọi người ơi ai có dư sữa hay có sữa không sử dụng cho em xin cho bé nhà em, 18 tháng tuổi sử dụng được không ạ. Dịch nên không thể đi làm, còn phải đóng lãi ngân hàng nên chỉ xin chứ không đủ khả năng mua, mong mọi người thông cảm…", là bài đăng tìm kiếm hỗ trợ trong group "Chợ chung cư The Sun Avenue".
Ngay lập tức ở phía dưới bài đăng này, nhiều tài khoản của cư dân tại đây đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ cả hiện kim lẫn hiện vật. Nhiều người thậm chí nhắn tin trực tiếp để chuyển khoản cho "mẹ bỉm sữa" ngay giữa mùa dịch.
Tuy nhiên, sau vài ngày, tài khoản này lại đăng bài khác về việc có nửa tấn khoai mì, muốn cư dân đăng ký thông tin để gửi tặng. Nhận ra sự bất nhất trong hoàn cảnh của chủ tài khoản, không ít người đã để lại bình luận nghi ngờ sự việc.
Lời kêu gọi giúp đỡ cùng một cách thức ở hàng loạt group chung cư. Ảnh: NVCC. |
Ngay khi tìm hiểu, các thành viên phát hiện nhân vật này cũng đã đăng một loạt bài kêu gọi cứu trợ tại các group chung cư khác trải dài từ TP Thủ Đức cho đến quận 7. Vẫn là chiêu bài "mẹ đơn thân, không thể đi làm mùa dịch" rồi nhờ giúp đỡ.
Trả lời Zing, chị Huỳnh Mỹ An (cư dân The Sun Avenue), một người bị lừa chuyển tiền, chia sẻ: "Tôi thấy cô này đăng bài trên group dân cư, hoàn cảnh khó khăn, còn phải nuôi con nhỏ mùa dịch, tội nghiệp quá nên mới chuyển khoản cho 2 triệu đồng".
Sau đó, bạn quản trị group phát hiện trường hợp này đi khắp nơi xin tiền giống vậy thì chị Mỹ An mới biết là đã bị lừa
Cũng rơi vào cảnh "tiền mất" như chị Mỹ An, chị P.N.K.T. (cư dân The Sun Avenue) cho biết khi nhắn tin hỏi mã chung cư để gửi sữa qua thì người này lại tìm cách từ chối, rồi nói là mình cần sự giúp đỡ tài chính.
Các thành viên đã nhiệt tình hỗ trợ trước khi phát hiện bị lừa đảo. Ảnh: NVCC. |
"Mấy hôm sau, cô này lại lên đăng bài cho khoai mì. Bạn tôi ở cùng chung cư không biết việc xin sữa trước đó nên để lại số điện thoại đăng ký khoai mì. Nào ngờ, cô này chỉ lấy thông tin rồi tiếp tục vào than thở 'bài ca' xin tiền", chị K.T. nói.
Anh Nguyễn Hải Quan (cư dân chung cư tại TP Thủ Đức) cho biết đây là cách thức nhiều kẻ gian sử dụng trong mùa dịch.
Tại nơi anh ở, cũng có nhiều tài khoản ảo trà trộn vào các hội nhóm, sau đó đăng bài "than nghèo kể khổ" đánh vào lòng thương cảm, lợi dụng tâm lý giúp đỡ trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng để lừa xin tiền, xin cứu trợ. Nhưng thực chất toàn bộ thông tin đều là giả.
Cần cẩn trọng
Sau khi nhiều người lên tiếng bị lừa đảo trong mùa dịch, quản trị viên của các hội nhóm trên mạng xã hội đã tìm cách lọc bớt một số tài khoản ảo, cảnh báo mọi người về nhiều hành vi, cách thức trục lợi khác nhau của kẻ xấu.
Đối với các group mua bán online trong mùa dịch, các thành viên tự động nhắc nhở nhau chú ý kiểm tra khi mua đồ. Tuyệt đối không chuyển khoản trước cho những người giao dịch lần đầu.
Không ít ý kiến bày tỏ thêm rằng mọi người nên tìm hiểu rõ ràng trước khi chi tiền mua đồ. Thông thường, các tài khoản lừa đảo thường là tài khoản ảo, không đăng tải thông tin trên trang cá nhân, khá dễ nhận biết những dấu hiệu đáng nghi.
Quản trị viên của nhiều hội nhóm chung cư lên bài nhắc nhở mọi người chú ý khi giao dịch qua mạng xã hội. |
Chị N.V. chia sẻ: "Mình mong là mọi có mua đồ cũng nên để ý kỹ càng hơn, cảnh giác trong mùa dịch bệnh. Đừng gấp gáp mà chủ quan giống mình".
Bên cạnh đó, hội nhóm chung cư cũng nhắc nhở về việc các tài khoản "trà trộn" làm cư dân rồi đăng bài muốn chia sẻ nông sản hoặc vật dụng y tế... Tuy nhiên, hành động này chủ yếu để thu thập thông tin của cá nhân như số điện thoại, địa chỉ...
Trả lời phỏng vấn, anh N.Q. (quản trị viên của một group chung cư tại TP Thủ Đức) cho biết: "Thông thường khi xét duyệt thành viên, chúng tôi có các bước kiểm tra nhưng không thể rà soát được toàn bộ, số lượng lớn. Vẫn có nhiều trường hợp vào group cư dân để lấy thông tin".
Anh N.Q. nói thêm ngoài việc cảnh báo cư dân về các số lạ hay tài khoản ảo nhắn tin, gọi điện xin "cứu trợ", anh cũng nhắc nhở cư dân đề phòng đổi mật khẩu mạng xã hội thường xuyên để tránh bị lợi dụng lấy cắp tài khoản.
Về vấn đề chia sẻ hay làm từ thiện trong mùa dịch, nhiều ý kiến bày tỏ khi chuẩn bị giúp đỡ đối tượng nào nên có sự kiểm tra trước, tránh “tiền mất tật mang” mà trường hợp thật sự cần hỗ trợ lại không thể nhận được sự cứu giúp đúng lúc.
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết để hạn chế rơi vào trường hợp bị lừa tiền, người tiêu dùng phải nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ về người bán hàng, cẩn trọng trước những rủi ro khi giao dịch trên mạng xã hội.
Trong trường hợp người dân phát hiện bị lừa đảo hoặc bị lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì nên làm đơn tố cáo với cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan chức năng tiếp nhận và điều tra. Đây cũng là biện pháp nhằm hạn chế những sự việc tương tự xảy ra.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.