“Tôi không biết bằng cách nào kiến ba khoang có thể lọt vào nhà dù ở tầng rất cao”, anh Duy, ở tầng 34 chung cư Masteri An Phú (TP Thủ Đức) thắc mắc.
Những ngày gần đây, không chỉ có anh Duy, cư dân ở một số chung cư cao cấp khác trong TP.HCM cũng gặp kiến ba khoang trong nhà.
Vài con tới chục con
Từ tháng 7 sau vài cơn mưa, một số cư dân chung cư Luxcity (quận 7) phản ánh kiến ba khoang bay vào, bò lác đác trong nhà.
Gần đây, các cư dân ở chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) cũng phản ánh họ thường thấy loài kiến này vào buổi tối, rải rác vài con, có mặt trên cả những căn ở tầng cao.
Nhiều cư dân phản ánh những ngày gần đây xuất hiện kiến ba khoang trong căn hộ. Ảnh: NVCC. |
"Có hôm tôi bắt được mười mấy con. Quá khủng khiếp", chị Ngân (cư dân Masteri Thảo Điền) cho biết.
Còn anh Giang, thuê nhà ở chung cư RiverGate (quận 4) kể đã thấy vài con kiến ba khoang bò ở trong chậu cây của chủ nhà để lại. Anh cho rằng trứng kiến có thể lẫn từ đất trồng cây, môi trường ẩm ướt khiến chúng sinh sôi.
Anh Duy ở Masteri An Phú từng bị viêm loét vùng da gây ra bởi kiến ba khoang, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và thẩm mỹ. Nhiều gia đình có trẻ nhỏ cũng lo ngại sự xuất hiện của loài kiến này, vì trẻ con dễ vô tình tiếp xúc.
Trước mối lo "mùa" kiến ba khoang trở lại, các chung cư trong thành phố đã có động thái xử lý nhằm bảo vệ cư dân.
Ngày 12/8, ban quản lý khu căn hộ Phú Mỹ (quận 7) gửi đến cư dân thông báo về cách đề phòng và xử lý kiến ba khoang.
Trước đó, hôm 24/7, chung cư Luxcity đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với bác sĩ về “nạn” kiến ba khoang, cách phòng tránh, có sự tham gia của hơn 50 cư dân, đa số là các bà mẹ.
Hiện nhiều chung cư trong thành phố đã tiến hành phát quang cây cối xung quanh khu dân cư, phun thuốc khử khuẩn, diệt côn trùng để phòng tránh các bệnh mùa mưa do côn trùng gây ra.
Biện pháp phòng tránh
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa, sau những trận mưa lớn, thời tiết ẩm ướt. Chúng có đặc tính bị thu hút bởi ánh sáng đèn buổi tối và có thể bay trên cao, do đó chúng dễ di chuyển vào những căn hộ bật đèn, mở cửa ở chung cư.
Chất độc của kiến ba khoang khiến vùng bị tiếp xúc phồng rộp, đau rát kéo dài 1-3 tuần, nếu gãi trầy xước sẽ gây nhiễm trùng ảnh hưởng đến sức khỏe, không ngoại trừ người lớn hay trẻ nhỏ.
Loài kiến này thường không tấn công người, nhưng dễ tiết ra chất độc trong các tình huống như người cố tình đập chết kiến khi chúng bò trên da, vô tình chà xát khi chúng bám trên quần áo, khăn lau…
Kiến ba khoang thực chất là một loài bọ cánh cứng có thân hình giống kiến, được dân gian gọi tên theo phân bố màu sắc trên thân chúng. Ảnh: Flickr. |
Ngoài ra, kiến ba khoang thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, tránh đứng dưới bóng đèn sáng trong nhà, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn thì cần tránh xa chúng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) cũng hướng dẫn người dân một số cách phòng tránh và lưu ý khi phát hiện kiến ba khoang trong nhà, bên cạnh việc giữ vệ sinh nơi ở.
Khi thấy kiến bò trên da người hoặc đồ dùng, cách tốt nhất là thổi chúng bay chỗ khác để tránh dịch độc dính vào. Người dân nên xịt thuốc diệt hoặc bẫy côn trùng ở các chân tường, ban công, bệ cửa sổ, cửa ra vào để ngăn kiến bò vào nhà. Cửa sổ cần đóng kín vào buổi tối, lắp cửa lưới hoặc buông rèm che ánh sáng thu hút kiến ba khoang.
Những ai bị tiếp xúc với chất độc tiết ra từ kiến cần nhanh chóng rửa vùng da dưới vòi nước. Nếu vùng da đó bắt đầu đau, rát thì dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như Jarish, oxyd kẽm, mỡ kháng sinh, vết thương nặng hơn cần hỏi bác sĩ để được chỉ định điều trị đúng cách.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.