A Phỉ là cái tên thân mật mà mọi người thường gọi Chu Phỉ. Nàng sống trong trại phỉ đặt giữa 2 vùng nam bắc, nơi yên bình duy nhất tách biệt khỏi khói lửa chiến tranh.
Vang danh thiên hạ
Thường ngày, nàng chăm chỉ luyện đao nhưng không thật sự hiểu rõ bản thân muốn gì và sẽ làm gì khi lớn lên. Cho đến khi cha được mời về làm quân sư giúp sức cho thiên đế ở Nam Triều, nàng mới dần hiểu được chiến cuộc và bắt đầu đặt ra đích đến cho cuộc đời của mình: Trở thành kẻ mạnh để có thể bảo vệ Tứ Thập Bát Trại.
Bộ truyện Hữu Phỉ bản tiếng Việt. Ảnh: Saigonbooks. |
A Phỉ có tấm lòng trong sáng, thâm tình trượng nghĩa. Ở núi Tứ Tượng, dẫu biết nguy cơ trùng trùng, nhưng khi có cơ hội tẩu thoát, nàng lại không màng đến. Một mình A Phỉ đi tìm thuốc giải, quay lại giải thoát những người bị nhốt.
Trên con đường lưu lạc giang hồ, biết bao lần A Phỉ ra tay nghĩa hiệp cứu sống nhiều người dân vô tội. Thấy chuyện bất bình liền rút đao tương trợ, dù kẻ trước mặt có là Bắc Đẩu thất tinh thì nàng cũng chưa hề lùi bước.
Hàng ngày, A Phỉ nỗ lực tập luyện, chưa từng ngơi nghỉ. Phá Tuyết Đao tái xuất giang hồ cũng là nàng thông qua quá trình luyện tập vất vả, suýt chết nhiều lần mà ngộ ra.
A Phỉ không ngừng tiếp thu sở trường của thiên hạ để sử dụng, trăm sông đổ về một bể. Mặc cho thế sự xoay vần, bãi bể hóa nương dâu, vật đổi sao dời, tự mình luôn có quy tắc riêng nhất định.
A Phỉ cũng giống như bao người khác, trước khi là một nữ hiệp kiêu hùng, nàng cũng từ bao đau thương mà bước tới, chẳng tự mà thành.
A Phỉ là một cô nương có đầy đủ những đặc điểm của một vị anh hùng, là một nữ hiệp tự mình viết lên khúc tráng ca Hữu Phỉ đầy hào khí nhưng cũng lắm nỗi bi thương.
Điểm khác biệt làm nên thành công của Hữu Phỉ
Nếu bạn là một người hâm mộ truyện kiếm hiệp, bạn sẽ chẳng lạ gì hình ảnh của những vị nam anh hùng, đầu đội vai gánh, vác đao kiếm xông pha khắp nơi. Nhưng với Hữu Phỉ, tác giả Priest lại để một cô gái thực hiện điều ấy. Chu Phỉ chứ không phải Tạ Doãn hay Lý Thịnh, hay bất cứ ai, trở thành linh hồn của câu chuyện.
Truyện kiếm hiệp rất hiếm tác giả chọn nữ chính làm nhân vật anh hùng. Bởi, thời điểm đó là tam cương, ngũ thường, tề gia trị quốc bình thiên hạ đều là những điều thuộc về nam nhân.
Còn nữ nhân thường không được coi trọng. Các nàng phải luôn giữ vững tam tòng tứ đức. Sau lại “đợi cha mẹ sắp xếp, mai mối đưa duyên mà gả cho người ta. Cuộc đời tới đây coi như đã được an bài, yên ổn, mọi việc đã có duyên trời định sẵn.
Sau này, dẫu cho cuộc đời chìm nổi, dẫu cho có phải ở trong trạch viện nhỏ bé, vinh hoa sa sút, tất cả đều dựa vào vinh nhục hưng suy của nhà chồng”.
Bộ truyện Hữu Phỉ đã được chuyển thể thành phim. Ảnh: Pinterest. |
Với Hữu Phỉ, Priest cho nữ nhân tự làm chủ cuộc đời mình. Giữa chốn giang hồ hiểm ác, mạnh được yếu thua, các nàng tự do sống, tự mình tỏa sáng.
Trong Hữu Phỉ, không chỉ A Phỉ là nữ hiệp, mà vẫn còn nhiều người khác như Lý Cẩn Dung, Lý Nghiên, Đoàn Cửu Nương hay cả Ngô Sở Sở đều xứng đáng với 3 chữ “nữ anh hùng”.
Đọc truyện, độc giả dần dõi theo A Phỉ trên con đường từng bước trưởng thành của cô. Nàng lúc này “như một đóa hoa vừa hé nở trên đám dây leo đủ cứng cáp đang sinh trưởng lớn mạnh cùng bụi gai. Mỗi một giọt sương trên người nàng đều căng tràn sức sống".
Nàng chịu được gió sương, cũng chịu được lạnh giá, mang theo chút dã tính bẩm sinh và ngày một lớn mạnh. Từng chút mong đợi bản thân cuối cùng sẽ có một ngày đâm thủng lớp sương mù dày đặc, kiên cố không gì phá nổi.
A Phỉ thật đáng với cái danh nữ hiệp. Nàng dũng cảm, thông minh, lương thiện, luôn kiên trì nỗ lực để có được thành công. Nàng chính là minh chứng cho câu nói “nữ nhân cũng có thể làm nên nghiệp lớn”.
Hữu Phỉ đứng thứ 3 trong danh sách truyện kiếm hiệp ngôn tình được yêu thích nhất trên Tấn Giang khi vừa ra mắt. Nhiều năm liền bộ truyện nằm trong bảng xếp hạng 10 truyện ngôn tình được yêu thích của Tấn Giang. Hiện Hữu Phỉ đã được chuyển thể thành phim.
Bộ truyện được Saigon Books mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam năm 2020.