Giáo sư Peter Piot, Viện trưởng Viện Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, gắn bó cả cuộc đời với các loại virus. Ảnh: AFP |
Giáo sư Peter Piot còn là một nghiên cứu viên trẻ ở phòng thí nghiệm Antwerp, Bỉ, vào năm 1976, khi một phi công gửi cho ông mẫu máu của nữ tu sĩ người Bỉ mắc căn bệnh bí ẩn ở Congo. Ông nói với Guardian rằng vẫn nhớ như in một ngày vào tháng 9, ông nhận được mẫu máu và lời nhắn gửi của bác sĩ từ Congo nhờ kiểm tra virus sốt vàng da.
"Khi đó tôi không biết đang phải đối mặt với loại virus nguy hiểm đến cỡ nào và phòng thí nghiệm có độ an toàn cao không tồn tại ở Bỉ lúc ấy. Tôi chỉ mặc áo choàng trắng và đi găng bảo vệ", ông Piot kể lại. "Khi tôi mở mẫu xét nghiệm ra, đá trong túi đã gần như tan hết và một ống đã bị vỡ. Máu và mảnh thủy tinh lẫn trong nước đá, tôi phải sử dụng mẫu còn lại và áp dụng các biện pháp bảo hộ cơ bản thời đó".
Nhưng sốt vàng da dường như không phải là căn bệnh mà nữ tu sĩ này mắc phải. Xét nghiệm sốt Lassa và thương hàn cũng đều âm tính. "Vậy thì nó có thể là cái gì? Tôi quyết định tách virus ra khỏi mẫu bằng cách cấy lên chuột và các con vật khác trong phòng thí nghiệm. Sau đó, các con vật chết dần, tôi nhận ra rằng mẫu máu này chứa một loại virus cực kỳ nguy hiểm".
Một vài mẫu xét nghiệm khác của nữ tu sĩ đã qua đời tiếp tục được gửi về và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) muốn mẫu xét nghiệm được gửi đến phòng thí nghiệm có thiết bị bảo hộ tốt hơn ở Anh. Tuy nhiên, cấp trên của Piot không muốn như vậy. "Ông ấy cầm mẫu chứa virus để xét nghiệm nhưng lại run rẩy và đánh rơi nó vào chân của một đồng nghiệp. Chúng tôi nhanh chóng khử trùng, thật may là đồng nghiệp của chúng tôi có đi giày da và tất cả chúng tôi đều không việc gì".
Sau đó, nhà nghiên cứu trẻ đã nhìn thấy hình ảnh của virus dưới kính hiển vi điện tử. "Ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là: 'Cái quái gì đây?'. Loại virus mà chúng tôi bỏ nhiều ngày, nhiều công nghiên cứu quá to, quá dài, như một con sâu. Nó không hề giống với virus sốt vàng da mà giống như virus Marburg, một loại virus cực kỳ nguy hiểm, gây sốt xuất huyết. Vào những năm 1960, virus này gây ra cái chết cho nhiều nhân viên phòng thí nghiệm ở Đức.
Khi đó, ông chưa xác định được virus Ebola mà chỉ biết rằng hàng trăm người đã chết ở vùng Yambuku và các vùng lân cận ở Congo. Sau đó, chàng trai 27 tuổi trở thành một trong những người đầu tiên "vào tâm dịch", vì những thôi thúc muốn chứng tỏ bản thân và đón nhận thử thách.
"Chúng tôi biết rõ là đang phải đối mặt với một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới nhưng không hề biết nó lây qua dịch cơ thể hoặc qua muỗi đốt", ông nói. "Chúng tôi chỉ mặc áo bảo hộ, đi găng tay cao su và thậm chí tôi chỉ mượn một chiếc kính đi xe máy để che mắt. Cái nóng ở vùng rừng nhiệt đới khiến chúng tôi không thể đeo mặt nạ chống độc chúng tôi đã mua trước đó."
"Thậm chí, các bệnh nhân cũng bất ngờ với trang bị đơn sơ của chúng tôi. Tôi lấy mẫu máu của khoảng 10 bệnh nhân và khá lo sẽ bị lây bệnh nếu sơ ý chọc phải kim tiêm", ông kể.
"Sau đó tôi quả thực đã bị sốt cao, nhức đầu và tiêu chảy và tôi chửi thầm: 'Chết tiệt'. Nhưng tôi vẫn cố giữ bình tĩnh, tôi biết các triệu chứng và loại này không giống với virus kia. Nó vô hại. Nhưng tôi cũng khá tiếc thời gian khi phải ở hai tuần trong khu cách ly đã được chuẩn bị sẵn cho các nhà khoa học trong tình huống xấu nhất".
"May mắn, tôi bắt đầu hạ sốt và dần cảm thấy đỡ hơn, tôi chỉ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa. Đó là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời một con người, nhìn thấy cái chết đang cận kề nhưng lại sống sót. Từ thời điểm đó, tôi thay đổi toàn bộ quan điểm về cuộc sống, cuộc đời mình", nhà nghiên cứu kể.
Một bé gái ở Liberia được đưa đi điều trị sau khi xuất hiện các triệu chứng của căn bệnh nguy hiểm này. Ảnh: AFP |
Là người đặt tên cho virus Ebola, nhà nghiên cứu kể rằng cả nhóm quyết định sẽ không đặt tên là virus Yambuku vì sẽ khiến cho vùng đất này bị kỳ thị. Sau đó, ông nhìn lên tấm bản đồ đang treo trên tường và chọn một con sông gần nhất trong vùng, đó là sông Ebola. Tên virus được chọn vào khoảng 3-4h sáng, trong ánh sáng lờ mờ và sau đó họ mới phát hiện ra sông gần nhất trong vùng không phải sông Ebola nhưng cái tên này đã được chọn.
Sau Ebola, ông Piot dành nhiều năm để nghiên cứu về virus HIV, và cả đời gắn bó với các loại virus. Theo ông, gần 40 năm trước, Ebola chỉ mang tính cục bộ trong một khu vực. Ngày nay, khó khăn của việc ngăn chặn dịch Ebola là người dân di chuyển nhiều, trong khi việc tiếp cận những người đã tiếp xúc với bệnh nhân không dễ dàng.
Ngoài ra, theo truyền thống, người chết ở địa phương này nhưng lại cần được chôn cất ở quê nhà nên những thi thể chứa loại virus chết người được chở đi khắp nơi, trên xe tải và taxi, kết quả là dịch bệnh lây lan ra nhiều vùng, ông Piot nói. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan rằng nếu lây lan đến các thành phố lớn hơn ở châu Phi hoặc thậm chí sang châu Âu, Bắc Mỹ, thì nền y tế phát triển tại đây vẫn đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ông Piot cùng hai đồng nghiệp từng lên tiếng ủng hộ thử nghiệm loại thuốc chiết xuất từ huyết thanh của người sống sót. Vaccine cũng đang được nghiên cứu và còn nhiều việc phải làm, ông cho hay.
"Vẫn còn một quãng đường rất dài để tuyên bố chiến thắng trước các loại vi khuẩn và virus. HIV vẫn còn đây, Ebola vẫn còn đây. Ngày càng nhiều loại vi khuẩn và virus kháng thuốc và vẫn còn nhiều bệnh nhân chết vì Ebola ở Yambuku. Đó là động lực của tôi để nghiên cứu. Tôi yêu cuộc sống và đó cũng là lý do tôi không ngừng thúc giục thế giới tích cực hỗ trợ cho các nước Tây Phi. Ngay bây giờ!".