Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng TP.HCM có tiềm năng lớn để phát triển thành đô thị thông minh, bền vững. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chia sẻ tại Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2024 do Trung tâm Thành phố thông minh và bền vững (SSC Hub) - Đại học RMIT Việt Nam tổ chức mới đây, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt hơn 4.300 USD/năm.
Theo TS Vũ, đây chính là cột mốc quan trọng khi Việt Nam đứng trước "ngã ba của sự phát triển". Thời điểm này có thể giúp các quốc gia tiến lên phía trước, nhưng cũng dễ đối mặt với bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam có thể xây dựng các thành phố thông minh, bền vững?
TS Trương Minh Huy Vũ cho biết trong bảng xếp hạng thành phố toàn cầu, TP.HCM, Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philippines) nằm ở hạng α-, tức được xem là những thành phố có mức độ kết nối rất lớn và lớn với kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, TP.HCM vẫn đứng sau Jakarta (Indonesia) và Kuala Lumpur (Malaysia), chưa kể, cách biệt với nhiều thành phố phát triển khác như New York (Mỹ) và London (Anh) cũng rất lớn.
Dù vậy, TS Vũ cho rằng TP.HCM có tiềm năng lớn để phát triển thành đô thị thông minh và bền vững. Ông đánh giá trong thời kỳ Covid-19 và những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, TP.HCM vẫn ghi nhận các chỉ số rất khả quan. Đây cũng là nơi tập trung lượng lớn lao động trẻ, năng động và nắm bắt công nghệ.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Quang Trung - Lãnh đạo SSC Hub, Trưởng nhóm bộ môn Quản trị của Đại học RMIT Việt Nam, các nước khác đã bắt đầu nói đến việc phát triển thành phố thông minh từ 25 năm trước, còn Việt Nam chỉ mới bắt đầu đề cập đến khía cạnh này cách đây khoảng 8 năm.
Nhưng cũng nhờ vậy, ông cho rằng Việt Nam có thể học hỏi nhiều khía cạnh và bài học từ các nước đi trước.
Hiện tại, PGS. TS Nguyễn Quang Trung cho biết Việt Nam đang xếp vị trí thứ 19 trên tổng số 26 nước trong bảng xếp hạng toàn cảnh các thành phố thông minh và bền vững khu vực APAC năm 2024. Đáng nói, 20 thứ hạng đầu tiên đều thuộc về các đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc).
Cần huy động nguồn lực tài chính và con người
Dù nhiều tiềm năng và cơ hội, PGS. TS Nguyễn Quang Trung cho rằng TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang đối mặt với thách thức về cơ sở hạ tầng trên con đường phát triển thành đô thị thông minh, bền vững.
Theo ông, nhiều hạ tầng ở TP.HCM đã trở nên xuống cấp và lỗi thời qua thời gian. Biến đổi khí hậu càng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn, nhiều khu vực trở thành đảo nhiệt đô thị, trong khi ngập lụt thường xuyên xảy ra.
Mặt khác, ông khuyến nghị TP.HCM tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ theo hướng hiện đại. Đối với lĩnh vực này, Việt Nam nằm trong top 50 quốc gia đi đầu về kết nối kỹ thuật số trên thế giới.
Bên cạnh đó, ông đề cao sự hợp tác giữa khối công và tư. Chính phủ cần có chiến lược phát triển với tầm nhìn đúng đắn, đồng thời tạo dựng khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào sự phát triển chung của TP.
Trong khi đó, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng cần tập trung giải quyết các vấn đề về tài chính và nhân lực. Trong đó, nguồn lực tài chính sẽ kích thích thị trường, đặt nền tảng cho quá trình phát triển và là yếu tố cần thiết để TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có bước tiến đột phá trong hành trình phát triển nền kinh tế số bền vững.
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Anh Nguyễn. |
Từ kinh nghiệm thực tiễn, GS Melanie Davern - Giám đốc Trung tâm Quan sát đô thị Australia cho rằng dân số tại TP.HCM đã đạt hơn 10 triệu người. Với tốc độ mở rộng đô thị tăng ổn định ở mức 10% qua các năm, TP hoàn toàn có cơ hội để phát triển thành một đô thị thông minh, bền vững.
Tuy nhiên, người dân phải đối mặt với những rủi ro về bệnh truyền nhiễm, sức khỏe, giao thông, khí hậu. "Để trở thành một thành phố thông minh, sự phát triển về mặt kinh tế và xã hội phải đi đôi với nhau. Đó cũng là trọng tâm mà Australia theo đuổi", bà nhấn mạnh.
GS Melanie Davern cho hay Australia luôn chú trọng liên kết các yếu tố sức khỏe của người dân với việc quy hoạch đô thị một cách hợp lý. Đặc biệt, trong các cuộc thảo luận với người dân, cơ quan quản lý không sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, đồng thời để người dân thoải mái đóng góp ý kiến.
Do đó, bà khuyến nghị TP.HCM cũng chú trọng nhiều yếu tố kinh tế và xã hội trong quá trình hình thành đô thị thông minh, nhằm biến nơi đây thành một thành phố đáng sống.
Đây cũng là quan điểm được TS Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh. "Tăng trưởng kinh tế chỉ là một chỉ số trong quá trình phát triển, các chỉ số liên quan đến công dân ảnh hưởng rất quan trọng đến việc hướng đến thành phố toàn cầu", ông Vũ nói.
Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, vẫn có cách để chúng ta tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng thông qua sách.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - nơi chia sẻ những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng thế giới. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình. Tủ sách doanh nhân mong muốn gửi tới độc giả các câu chuyện, góc nhìn về những cá nhân thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời mong muốn lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc cho người Việt.