Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia: Tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% khó vô cùng

Các chuyên gia đều chỉ ra nhiều vướng mắc, rủi ro trong quá trình ban hành văn bản lẫn thực thi, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2022 do Bộ Tư pháp phối hợp cùng PV Gas và VNPay tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết sự xuất hiện của Covid-19 chưa có tiền lệ. Do vậy, doanh nghiệp thường xuyên gặp phải các vấn đề pháp lý mỗi khi tiếp cận và thực hiện chính sách của Chính phủ.

Điển hình như chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng nhưng sau một thời gian dài mới giải ngân được hơn 13 tỷ đồng, ông Tuấn đánh giá đây là chính sách tốt nhưng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cho các bên, đặc biệt là ngân hàng thương mại phải rất cẩn trọng khi triển khai do tiền hỗ trợ là từ ngân sách. Người đi vay cũng có tâm lý e ngại nếu sử dụng tiền hỗ trợ thì sau thanh tra, kiểm toán như thế nào.

Doanh nghiệp còn e ngại khi tiếp cận hỗ trợ

Đồng tình và bổ sung thêm, ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản khác, đơn cử như gói hỗ trợ lãi suất quy định điều kiện về ngành nghề. Do đó, việc bóc tách ngành nghề nào được hỗ trợ, ngành nghề nào không cũng là cả vấn đề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải cân đối chi phí phục vụ công tác kiểm tra về thủ tục sau này.

Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đều tồn tại rủi ro, ngay cả gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Lý giải vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính - cho biết theo quy định Nghị quyết 43, gói giảm thuế giá trị gia tăng không áp dụng cho toàn bộ hàng hóa chịu thuế suất 10% mà loại trừ 13 nhóm hàng hóa dịch vụ.

Dù đã có các văn bản hướng dẫn, một số doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề vẫn khó xác định, vướng mắc trong hoạt động xác định nhóm hàng hóa dịch vụ nằm trong diện được giảm thuế.

Doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận các chương trình hỗ trợ phục hồi. Ảnh: Phạm Ngôn.
goi ho tro lai suat,  giam thue vat,  dien dan kinh doanh,  dien dan phap luat anh 1
goi ho tro lai suat,  giam thue vat,  dien dan kinh doanh,  dien dan phap luat anh 1

Doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận các chương trình hỗ trợ phục hồi. Ảnh: Phạm Ngôn.

Dưới góc độ nghiên cứu, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - đánh giá doanh nghiệp còn khó và khó trên nhiều phương diện.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đã có nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp như giãn nợ, giảm thuế. Nhưng để có thể tiếp cận, doanh nghiệp mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục hay đáp ứng điều kiện.

“Doanh nghiệp cảm nhận gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng là một trong những chính sách có tác động lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện doanh nghiệp còn gặp khó khi điều chỉnh hóa đơn điện tử, xác định mặt hàng được giảm thuế hay tâm lý e ngại thanh, kiểm tra về thuế”, bà Thảo nhận định.

Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kéo dài thời hạn triển khai các gói hỗ trợ, điển hình như chương trình giảm thuế suất VAT có thể áp dụng hết năm 2022. Đồng thời giãn tiền thuê đất hay giảm khung giá áp dụng thuê đất mới.

Trong khi đó, doanh nghiệp cảm nhận “khó lắm, khó vô cùng” để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp cần vốn trong bối cảnh hiện nay kỳ vọng NHNN điều chỉnh quy định để tiếp cận dễ dàng hơn, ngân hàng thương mại triển khai cũng dễ dàng hơn.

Theo ông Nguyễn Hưng Quang - Giám đốc điều hành văn phòng luật sư NHQuang & Associates - dưới góc độ hành nghề luật, nguyên nhân gây nên những vướng mắc chính đến từ khâu chất lượng xây dựng chính sách, quy phạm, văn bản điều hành.

Trên thực tế trong giai đoạn 2020-2021, nhiều văn bản còn chưa đủ rõ ràng để thực hiện. Vì dụ khi nhận được các chỉ đạo về phòng chống dịch, doanh nghiệp rất hoang mang lo lắng, buộc luật sư phải xử lý, tư vấn nhiều hợp đồng bị gián đoạn.

Hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách tới các doanh nghiệp còn khái quát trong khi góc độ thực hành doanh nghiệp cần cụ thể hơn.

Các doanh nghiệp còn thụ động, dựa vào hiệp hội

Để quản lý, lường trước các rủi ro pháp lý, vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng doanh nghiệp cần có các bộ phận nghiên cứu pháp lý nội bộ hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn từ bên ngoài.

Tuy vậy, bà Thảo cho biết tại Việt Nam phần đông vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, doanh nghiệp vẫn còn tương đối thụ động và lên tiếng thông qua các hiệp hội. Điều này cũng nâng cao vai trò của các hiệp hội trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan ban hành chính sách.

“Một vài doanh nghiệp chần chừ lắm, vì họ sợ khi phát biểu, đóng góp vấn đề có thể bị theo dõi, để ý hơn”, đại diện CIEM lý giải.

Chúng ta nói nhiều là Chính phủ phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, bộ ngành phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải chia sẻ vấn đề của họ

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM

Rủi ro chính sách cũng là một trong những điểm nghẽn lớn ở Việt Nam. Nhưng nếu sửa đổi chính sách theo hướng giảm sự can thiệp của Nhà nước thì doanh nghiệp cũng được giảm rủi ro. Song đồng thời cũng cần nâng cao công tác quản lý rủi ro tốt hơn.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò quyết định trong việc giảm thiểu rủi ro về pháp lý, trong đó bao gồm việc đảm bảo chất lượng văn bản pháp lý. Bà Thảo nêu thực trạng văn bản chưa đủ cụ thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi thực thi, thế nhưng khi hỏi lại cơ quan Nhà nước thì lại được trích y nguyên điều khoản trong văn bản pháp luật.

Dẫu vậy, đại diện VCCI cho rằng khó có thể hài lòng mọi doanh nghiệp khi ban hành văn bản. “Có doanh nghiệp này thuận lợi, chắc chắn có doanh nghiệp khó khăn. Có thể mang lại lợi ích ngành nghề này nhưng có thể tổn hại ngành nghề khác”, ông Tuấn chia sẻ.

Do vậy, giải pháp quan trọng của việc ban hành văn bản là phải minh bạch hóa quá trình thảo luận để doanh nghiệp bị ảnh hưởng để thể nhận biết là thời gian tới có thể có xu hướng nào để điều chỉnh, thích nghi.

Ngoài ra, cần có cơ quan chuyên môn nắm vai trò quản lý chất lượng văn bản, trung gian, đứng ra giải quyết các vấn đề và đồng nhất quan điểm của các chủ thể trong văn bản.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...

Bài liên quan

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm