Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái - Cơ hội và bứt phá”, ông Trần Huy Tuấn - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết một trong những yếu tố quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Theo đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển TP Yên Bái trở thành thành phố đáng sống, mang định hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” và là đầu tàu kinh tế của tỉnh. Trong khi đó thị xã Nghĩa Lộ là đô thị xã văn hóa và động lực phát triển kinh tế khu vực phía tây.
Với nhiều lợi thế như phong cảnh thiên nhiên đa dạng, địa điểm tham quan hấp dẫn, số lượng dân tộc thiểu số lớn, mang đậm bản sắc, văn hóa riêng, Yên Bái có thế mạnh thu hút khách du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch mới mang tính khác biệt như du lịch nghỉ dưỡng cấp cao, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.
Đối với thị trường bất động sản, hạ tầng đô thị, du lịch được xem là cơ sở, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phát triển quan trọng hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Sở hữu nhiều tiềm năng lớn
Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - Yên Bái nằm ở khu vực trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Đông Bắc và Hà Nội.
Đây là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Yên Bái còn sở hữu tiềm năng đặc biệt về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng giao thông, quỹ đất, tài nguyên du lịch, khoáng sản và nguồn nhân lực.
Thời gian qua, Yên Bái nhận dòng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD. Trong năm 2022, tăng trưởng lượng khách du lịch của tỉnh đạt gần 1,6 triệu khách, cao gấp 2 lần so với năm ngoái.
Một bất động sản phức hợp biệt thự đơn lập, song lập và shophouse ở Yên Bái. Ảnh: Eurowindow Holding. |
Tuy nhiên, so với các địa phương khác cùng vành đai quanh Hà Nội, nguồn cung bất động sản và cơ sở hạ tầng du lịch Yên Bái còn hạn chế và thiếu đa dạng hay các dự án quy mô, được đầu tư bài bản đồng bộ.
Để cải thiện và thúc đẩy đô thị hóa, thị trường bất động sản, hạ tầng du lịch và thu hút nhà đầu tư lớn, Yên Bái cần thực hiện tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai, đồng thời triển khai 3 đột phá chiến lược là hạ tầng giao thông; các ngành chủ lực như di lịch, khai thác, phát triển dược liệu; bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Yên Bái cũng cần quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin nhiễu loạn và đảm bảo phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.
Thách thức lớn nhất của tỉnh là nghiên cứu tránh thu hút đầu tư bằng mọi giá, cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường, thiên nhiên, sinh quyền, ổn định an sinh xã hội.
Kéo “đại bàng” về làm tổ
Ông Trần Thanh Chương - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái - cho biết tỉ lệ đô thị hóa ước đạt 20,85%. Các dự án bất động sản trong năm 2021-2022 đóng góp 20-25% thu ngân sách của tỉnh.
Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 599 dự án với tổng số vốn đăng ký 91.282 tỷ đồng và 382 triệu USD. Một số nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sungroup, APEC, BB Group, TH, Euro Window, Hoa Sen, Bảo Lai đã và đang nghiên cứu cơ hội đầu tư, triển khai các dự án quy mô lớn.
Yên Bái cũng phê duyệt chủ trương đầu tư (đấu giá, đấu thầu) 26 dự án bất động sản với tổng vốn khoảng 13.400 tỷ đồng, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án với tổng vốn đăng ký 13.200 tỷ đồng.
Dẫu vậy, Yên Bái chưa có các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Thay vào đó mới triển khai thủ tục thành lập và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cho Khu công nghiệp Trấn Yên; Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1 để xem xét, chấp thuận chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu, Cụm công nghiệp từ năm nay.
Bất động sản Yên Bái mới tập trung vào đất ở đô thị, thiếu bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Kết quả này cho thấy bất động sản Yên Bái mới tập trung vào sử dụng đất ở đô thị trong khi các loại bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng, hạ tầng du lịch chưa phát triển tương xứng.
Ông Chương nhấn mạnh cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ về đầu tư, đất đai, đấu thầu, kinh doanh bất động sản; nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch làm cơ sở định hướng cho việc thu hút đầu tư hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục về doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng.
Bên cạnh những lợi thế về địa lý, văn hóa, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội môi giới Bất Động sản Việt Nam - đánh giá cao chính sách kéo “đại bàng” về làm tổ của Yên Bái. Đây được xem là động lực thu hút nhà đầu tư thứ phát.
Ngoài ra, việc giá bất động sản tại tỉnh hợp lý, phân bổ đều ở các phân khúc là cơ hội cho nhà đầu tư. Song, hạ tầng giao thông, dịch vụ, lưu trú, thương mại dù được quan tâm đầu tư nhưng còn ở mức thấp.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp du lịch, bất động sản đều đánh giá cao thế mạnh của Yên Bái về cảnh quan, bản sắc trong phát triển du lịch. Trên thực tế, đây cũng là khía cạnh giúp tỉnh định hình được xu hướng phát triển hạ tầng, bất động sản.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kiến nghị ngoài tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ nhà đầu tư, Yên Bái cần có sự liên kết giữa các điểm du lịch; tận dụng tối đa giá trị du lịch rừng; quảng bá du lịch song song cơ hội đầu tư bất động sản trong và ngoài nước; hoàn thiện các tuyến đường kết nối cao tốc…
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế