Viện Pasteur Nha Trang hôm 22/11 công bố kết quả xét nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang, khiến 662 ca nhập viện, trong đó có một học sinh lớp 1 tử vong.
Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang đã phát hiện vi khuẩn Salmonella spp trong mẫu cánh gà chiên (2,4 × 106 MPN/g), vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên (1,3x102 CFU/g), vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên (3,5 x 103 CFU/g) và mẫu nước mắm (1,0 × 103 CFU/mL).
Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm ra sao?
Theo TS Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Pasteur Nha Trang, trong 3 loại vi khuẩn trên, nguy hiểm nhất là vi khuẩn Salmonella. “Vi khuẩn này gây nhiễm trùng, nhiễm độc, nôn, tiêu chảy, sốt, đau quặn, nếu biến chứng nặng ở những người có cơ địa bệnh nền thì nặng hơn, lâu hồi phục hơn”, TS. Hùng nói.
Vi khuẩn Salmonella gây nhiễm độc, nếu biến chứng nặng ở người có bệnh nền thì nặng hơn, lâu hồi phục hơn.
TS. Đỗ Thái Hùng
Viện trưởng Pasteur Nha Trang cho biết ngoài Salmonella, thức ăn hay nước uống có vi khuẩn Escherichia coli tức thực phẩm đấy đã nhiễm bẩn. Còn Bacillus cereus là một chủng sinh độc tố gây ly giải hồng cầu (HBL; Hemolysin BL) và độc tố ruột không ly giải hồng cầu (NHE: Non-haemolytic enterotoxin). Cả hai có tác hại khi thức ăn, nước uống nhiễm loại vi khuẩn này”, ông Hùng phân tích.
Theo các chuyên gia, nhiễm khuẩn Salmonella thường do ăn thịt sống hoặc nấu chưa chín, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng hoặc uống sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh - khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh - từ 6 giờ đến 6 ngày. Thông thường, những người bị nhiễm khuẩn Salmonella sẽ nhầm sang bệnh cúm dạ dày.
Các dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm khuẩn Salmonella bao gồm: Tiêu chảy, đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn, ớn lạnh, đau đầu, phân có máu... Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn Salmonella thường kéo dài vài ngày đến một tuần. Tiêu chảy có thể kéo dài đến 10 ngày, nhưng có thể mất vài tháng trước khi ruột trở lại thói quen đại tiện bình thường.
Hơn 600 học sinh trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: V.A. |
Theo TS Nguyễn Thị Hương Giang, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, qua thăm khám, sức khỏe các học sinh đang nằm viện dần ổn định, đa số hết sốt, đỡ đau bụng và không còn tiêu chảy. Tuy nhiên, nữ chuyên gia cho rằng không nên chủ quan và vẫn phải tuân thủ quá trình điều trị, cũng như vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
“Các bác sĩ đang tiếp tục truyền kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn Sabonella, đồng thời cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Loại vi khuẩn này thì hầu như không để lại di chứng cho người nhiễm”, TS Giang cho biết.
Nữ chuyên gia cũng lưu ý sau khi nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn thì hệ vi sinh đường ruột thường chưa cân bằng lại được ngay, do đó cần cho bệnh nhân dùng các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và đặc biệt phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh và trước ăn.
“Sau khi điều trị bằng kháng sinh thì các vi khuẩn Sabonella sẽ bị tiêu diệt, nhưng có thể còn trường hợp vi khuẩn sống thành quần cư trong đường tiêu hóa, do đó vẫn có nguy cơ lây nhiễm, tái nhiễm, nên vấn đề vệ sinh phải được chú ý”, TS Giang nhấn mạnh.
Công an thu thập chứng cứ
Liên quan vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, gồm: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nha Trang, Bệnh viện 22 Tháng 12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Tâm Trí, Bệnh viện Quân y 87 và Bệnh viện Vinmec, phối hợp cung cấp thông tin liên quan vụ ngộ độc tập thể tại trường iSchool Nha Trang.
Sau khi điều trị bằng kháng sinh, Sabonella sẽ bị tiêu diệt, nhưng có thể vi khuẩn còn sống quần cư trong đường tiêu hóa.
TS. Nguyễn Thị Hương Giang
Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa, đơn vị này đang thụ lý giải quyết nguồn tin đối với vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool Nha Trang. Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các bệnh viện trên và các cơ sở y tế trên địa bàn rà soát, tổng hợp số liệu và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị các cơ sở y tế nào khác nếu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool Nha Trang thì báo cáo để đơn vị nắm thông tin, phục vụ công tác điều tra.
Công an làm việc với trường iSchool Nha Trang sau vụ ngộ độc. Ảnh: Xuân Hoát. |
Công an tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu cơ sở y tế lưu giữ, bảo quản tất cả mẫu máu của các bệnh nhân điều trị liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm (nếu có); kịp thời cung cấp hồ sơ bệnh án và mẫu máu của các bệnh nhân khi có yêu cầu.
Theo Phòng Y tế TP Nha Trang, người tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh trường iSchool Nha Trang là ông Bùi Phúc Lam (40 tuổi, ngụ phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang) cũng là chủ cơ sở kinh doanh bán hàng ăn uống giải khát tại trường iSchool Nha Trang.
Ông Bùi Phúc Lam có giấy phép hộ kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Nha Trang cấp ngày 24/9/2015 (đăng ký lại lần 1). Ngành nghề kinh doanh gồm: Bán hàng ăn uống giải khát, hải sản tại gian hàng trường iSchool Nha Trang, 25 đường Hai Bà Trưng, phường Xương Huân, TP Nha Trang.
Ông Lam có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 165/ATTP-CNĐK do Phòng Y tế TP Nha Trang cấp ngày 19/10 (cấp lần 3).
Trưa 17/11, trường iSchool Nha Trang tổ chức bữa ăn bán trú cho 930 học sinh, chia làm 2 suất trưa và xế. Cơm trưa có gà sốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh (xương + cà rốt + cải thảo), dưa leo. Bữa xế có bánh ngọt, uống nước tại hệ thống lọc của trường.
Sở Y tế Khánh Hòa xác định vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khoảng 22h30 ngày 17/11, đến nay có 662 học sinh và giáo viên của trường iSchool Nha Trang nhập viện do ngộ độc, trong đó có một học sinh lớp một tử vong.
Đến chiều 22/11, có 251 ca xuất viện, còn 137 ca đang điều trị tại các bệnh viện ở TP Nha Trang và không còn ca nặng.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.